Dân Ukraine ùn ùn kéo sang Ba Lan, mạng xã hội ngập tin giả
Khoảng 100.000 người từ Ukraine đã vào Ba Lan kể từ khi Nga bắt đầu mở cuộc tấn công nhằm vào Ukraine, một nhân viên biên phòng của Ba Lan hôm nay (26/2) nói.
“Hôm qua là ngày kỷ lục, các nhân viên biên phòng đã giải quyết cho hơn 47.000 người tới Ba Lan. Chúng tôi sẽ giúp đỡ tất cả mọi người, chúng tôi sẽ không bỏ rơi bất kỳ ai. Xin nhắc lại, tất cả các cơ quan Ba Lan đang hợp tác”, tin từ Tư lệnh lực lượng biên phòng Ba Lan nêu rõ.
Phó cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn Kelly Clements nói với CNN rằng, hơn 120.000 người đã rời Ukraine trong khi 850.000 người đã phải sơ tán trong nước. Bà cũng nói thêm rằng, 4 triệu người Ukraine có thể sẽ phải rời đi nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Bà Clements chỉ ra có nhiều người đang xếp hàng tại một số cửa khẩu biên giới trong khi những người Ukraine khác đang theo dõi tình hình. Bà ước tính "nhiều người khác" sẽ theo sau "một số lượng lớn" những người tị nạn đã vượt qua biến giới láng giềng Moldova.
"Chúng tôi hiện thấy hơn 120.000 người đã đến các quốc gia lân cận. Và tôi phải nói rằng, sự đón nhận mà họ nhận được từ các cộng đồng địa phương, từ chính quyền địa phương, là rất lớn”, Phó cao ủy Clements nói thêm.
“Nhưng đó là một tình huống năng động, rõ ràng là chúng tôi thực sự bị ảnh hưởng khá nhiều với những gì sắp xảy ra và chúng tôi dự đoán sẽ có tới 4 triệu người thực sự tìm cách vượt qua biên giới, nếu tình hình tiếp tục xấu đi, điều mà họ vẫn đang thấy cho đến bây giờ".
Chánh văn phòng Thủ tướng Ba Lan Michał Dworczyk cho hay một đoàn tàu đã được chuyển đổi để giúp đỡ những người đang rời bỏ Ukraine do tình hình chiến sự. Đoàn tàu này sẽ chạy từ nhà ga ở Przemysl, Ba Lan tới thành phố Lviv ở miền tây Ukraine.
Cũng liên quan tới tình hình Ukraine, theo CNN, hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video giả mạo về tình hình chiến sự, khiến nhiều người không biết đâu là thật, đâu là giả.
Nhiều đoạn video được người dân địa phương quay bằng điện thoại di động đã được đăng tải lên các mạng xã hội Twitter, Facebook và TikTok, nhưng một số bị cho là không đúng sự thật. Nhiều hình ảnh bị cho là quay ở nơi khác hoặc thậm chí lấy từ các video game.