Dân vận khéo để phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ 'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', những năm qua, phong trào thi đua 'Dân vận khéo' luôn được huyện Phù Yên quan tâm, triển khai với những cách làm hay và sáng tạo, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng thực hiện. Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả trong công tác dân vận trên mọi lĩnh vực, góp phần mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Bí thư huyện ủy, cho biết: Thông qua việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã từng bước phát huy được quyền làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả có múi, kết hợp chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Cường, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi - một trong những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện mới hiểu rõ hơn hiệu quả của phong trào. Chia sẻ với chúng tôi, ông Cường kể: Năm 2016, khi đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, tôi nghĩ phải lựa chọn việc làm thiết thực, để gia đình có cuộc sống tốt hơn. Gia đình tôi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có múi và phát triển chăn nuôi lợn đã mang lại thu nhập ổn định.
Hiện nay, gia đình ông Cường có 2 ha trồng cây ăn quả có múi, 3 ha trồng rừng cây xoan, cây mỡ; duy trì nuôi 20 con lợn nái, 200 con lợn thịt. Ngoài ra, ông còn mở dịch vụ thu mua và sơ chế nông sản; đầu tư máy xay xát lúa, ngô; sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy và đại lý cấp 1 thức ăn chăn nuôi. Thu nhập bình quân của gia đình ông sau khi trừ chi phí thu khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Nhiều cách làm kinh tế của ông Cường được dân trong bản, xã đến tham quan, học tập. Nhờ đó, cuộc sống của người dân Nghĩa Hưng ngày càng thay đổi, cả bản có hơn 120 hộ thì không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 60% với mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm.
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” ở Phù Yên đã và đang phát huy hiệu quả. Nổi bật là phong trào thi đua hướng về cơ sở, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi cây trồng, phát triển dịch vụ, thương mại; đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở... Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã đăng ký thực hiện hơn 170 mô hình, trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều mô hình triển khai thực hiện hiệu quả, thể hiện cách làm hay, sáng tạo trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, tiêu biểu như mô hình vận động nhân dân hiến đất, ngày công, kinh phí để làm đường giao thông nông thôn, nhiều xã xây dựng mô hình thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Với những hiệu quả của phong trào “Dân vận khéo” mang lại, giai đoạn 2021-2025, toàn huyện đăng ký thực hiện 267 mô hình, trong đó 158 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, 61 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, 23 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh và 25 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.
Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện, công tác “Dân vận khéo” lại tiếp tục phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Toàn huyện có 652 tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động rất tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát, phát hiện và báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị y tế tuyến xã, thị trấn những trường hợp đi làm ăn xa trở về địa phương, những người vào địa bàn, hướng dẫn, đôn đốc đến các cơ sở y tế khai báo đúng quy định... tạo sự đồng thuận, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, phong trào “Dân vận khéo” tại huyện Phù Yên đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, tăng cường sự gắn bó giữa Ðảng với nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.