'Dân vận khéo' ở Thuận Châu

Thấm nhuần lời dạy của Bác: 'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện Thuận Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua 'Dân vận khéo' với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, tạo sức lan tỏa, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Liệp Tè.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Liệp Tè.

Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo Ban Dân vận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang huyện tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đến nay, huyện Thuận Châu đã xây dựng được 90 mô hình dân vận khéo tiêu biểu, (58 mô hình tập thể, 32 mô hình cá nhân) trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Các mô hình đang phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực, phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương, cơ quan, đơn vị; nhiều mô hình thể hiện sự năng động, tích cực của cán bộ, đoàn viên, hội viên trong xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới và làm giàu chính đáng...

Điển hình ở lĩnh vực kinh tế, có mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phổng Lập, Mường É; mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc tại xã Mường Khiêng, Liệp Tè, Púng Tra. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có mô hình xây dựng dòng họ Lường khuyến học ở bản Pán, xã Chiềng Ly; mô hình xóa nhà tạm cho hội viên nông dân của Hội Nông dân xã Phổng Lập; mô hình “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN huyện. Lĩnh vực an ninh, quốc phòng với mô hình “Xây dựng gia đình không có ma túy” của chi hội phụ nữ bản Mảy, xã Chiềng Pấc; nâng cao chất lượng huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên của Ban CHQS huyện Thuận Châu. Lĩnh vực xây dựng củng cố hệ thống chính trị, có mô hình “Chi bộ trong sạch vững mạnh” của Chi bộ Hội LHPN huyện...

Đến thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất dốc, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của gia đình chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha. Chị Dưng cho biết: Năm 2017, tôi đã chuyển đổi đất trồng ngô, sắn sang trồng 400 trụ thanh long, trong đó, Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ giống 200 trụ, sang năm thứ 2 cho quả thu được 80 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm 2020, tôi đã vận động chị em trong bản thành lập HTX, với 12 thành viên, trồng 10 ha thanh long ruột đỏ, toàn bộ diện tích trồng thanh long đều được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Năm 2021, HTX đã xuất khẩu 12 tấn sang thị trường Nga và 170 tấn tiêu thụ trong nước, trừ chi phí thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Riêng gia đình tôi đã phát triển lên 1.700 trụ, với diện tích 1,7 ha, năm 2021 sản lượng đạt hơn 20 tấn, trừ chi phí thu lãi hơn 250 triệu đồng.

Điển hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, không thể không nhắc đến mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Liệp Tè. Ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2016, xã đã vận động các hộ dân nuôi thí điểm 30 lồng cá ở khu vực bản Ban Xa. Đồng thời, thành lập tổ tư vấn thủy sản, trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình nuôi cá liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đến nay, Liệp Tè có 691 lồng cá, với 389 thành viên; trong đó có 54 thành viên nuôi 322 lồng cá theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2021, sản lượng cá thương phẩm xuất bán ra thị trường trên 50 tấn.

Nói về mô hình xây dựng dòng họ Lường khuyến học tại bản Pán, xã Chiềng Ly, ông Lường Văn Mứt, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học họ Lường, chia sẻ: Hiện nay, Chi hội có 155 gia đình tham gia, trong đó, có 105 gia đình đạt danh hiệu hiếu học, học tập; 100% trẻ được trong độ tuổi được đi học; dòng họ có 3 thạc sỹ, 110 cử nhân đại học và nhiều người tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp nghề... Dòng họ Lường ở bản Pán đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen dòng họ học tập tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Có thể thấy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Thuận Châu trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia, góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dan-van-kheo-o-thuan-chau-49210