Dân vận khéo thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai nhấn mạnh điều này tại hội nghị tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 là năm 'Dân vận khéo'.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2019, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới ban hành đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhận thức về dân chủ, thực hành dân chủ và kết quả thực hiện QCDC ở từng loại hình có nhiều chuyển biến tích cực.
Dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thực chất, công khai, minh bạch hơn.
Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhất là dân chủ ở địa bàn dân cư ngày càng đi vào thực chất hơn. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mô hình tự quản trong cộng đồng như: Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở... phát huy được vai trò động viên nhân dân tham gia các công việc chung.
Thực hiện dân chủ trong các cơ quan nhà nước có nhiều tiến bộ. Trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được nâng lên.
Hoạt động của Quốc hội, HĐND các địa phương tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống. Công tác xây dựng pháp luật có nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, sát thực tiễn, quyền dân chủ của người dân được thể hiện đầy đủ hơn trong từng dự án luật. Hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, công tác tiếp công dân được chú trọng, nâng cao hiệu quả.
Công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp quyết liệt, dân chủ, công khai, minh bạch hơn; luôn đồng hành, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc. Thực hiện có hiệu quả phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và “Năm dân vận chính quyền” 2019, hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, bám sát đối tượng và hướng về cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân triển khai sâu rộng, thực chất hơn. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thực hiện bài bản, chất lượng hơn.
Tuy nhiên, thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích thêm nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện QCDC ở cơ sở của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện QCDC ở cơ sở chưa đầy đủ.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương, cơ sở chậm đổi mới phương thức hoạt động, chưa nắm chắc tình hình nhân dân, thiếu tính dự báo, còn bị động, bất ngờ khi tình huống xẩy ra. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn lúng túng.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thực sự phát huy tốt vai trò nêu gương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong năm qua công tác thực hiện QCDC ở cơ sở cũng như công tác dân vận đã góp phần quan trọng, không thể thiếu vào thành quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng đã nêu hai ví dụ tiêu biểu của việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Đó là qua phong trào nông thôn mới, người dân đã tham gia rất tích cực, đóng góp công sức, tiền của, thời gian vào xây dựng đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính ở bên dưới có sự đồng thuận cao của người dân, qua đó thể hiện công tác dân chủ cơ sở được làm tốt.
Đồng tình với những phân tích của các thành viên Ban Chỉ đạo về một số bài học kinh nghiệm cũng như tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng đánh giá công tác thực hiện QCDC ở cơ sở, dân vận gắn với giữ vững kỷ cương, luật pháp đi đôi với vận động, tuyên truyền, đối thoại có tiến bộ nhưng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.
Bên cạnh đó, bệnh hình thức, thành tích chuyển biến còn chậm, từ văn bản, chủ trương, chính sách đến phong trào, hội nghị, sự kiện... Trách nhiệm nêu gương, gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chính sách được chú ý hơn đối với cán bộ, công chức, các cơ quan… nhưng chưa mạnh, đặc biệt từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, vẫn coi nhẹ việc cụ thể.
Phó Thủ tướng cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ công khai, minh bạch hơn nữa hoạt động chỉ đạo, điều hành thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến rất thực chất, tập trung vào những nhu cầu thiết thực của người dân, tránh hình thức.
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh việc thực hiện dân chủ cơ sở thể hiện qua vai trò của người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành, từ cấp ủy trở lên phải tiếp dân, lắng nghe người dân, phối hợp chỉ đạo tốt công việc liên quan đến quyền lợi dân, tích cực phòng chống tiêu cực.
Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2019, quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy và thúc đẩy. Đặc biệt, công nghệ thông tin góp phần thúc đẩy người dân tham gia vào quá trình xây dựng, nâng cao chất lượng cuộc sống, đất nước và xã hội. Do đó, trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị cần đẩy mạnh dân chủ cơ sở trên mạng xã hội; thay đổi nhận thức dân chủ gắn liền với kỷ cương pháp luật, chống lợi dụng dân chủ, tạo điều kiện cho người dân được tham gia đóng góp ý kiến.
“Với những vấn đề phức tạp, người cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần tăng cường lắng nghe và đối thoại để cùng nhau giải quyết, để dân chủ cơ sở đi vào thực chất hơn, thực chất ở người nói và thực chất ở người nghe”, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng, toàn bộ hệ thống chính trị nói chung cần làm tốt nhiệm vụ chính trị để người dân đồng thuận, ủng hộ, có niềm tin vào Đảng và hệ thống chính trị; cần lựa chọn những tấm gương điển hình, tiêu biểu trong công tác “dân vận khéo” để lan tỏa, tuyên dương, tạo sự thống nhất, đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, năm 2020 sẽ tập trung vào nhiệm vụ nắm bắt tình hình, tư tưởng nhân dân; lấy ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của thực hiện quy chế dân vận các cấp.