Dần 'xóa bỏ' túi nylon khó phân hủy tại các siêu thị
Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP. HCM đã đề ra chỉ tiêu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại... sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy.
Theo con số thống kê, hiện Việt Nam đang là 1 trong 4 quốc gia thải ra nhiều túi nylon nhất châu Á. Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng hơn 30 tỷ túi nylon, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 - 7 bao bì nilông/ngày. Đa phần các túi nylon đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải. Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM mỗi ngày có đến 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, trong đó lượng rác thải túi nylon chiếm 7 - 8% (tức là khoảng 5,6 - 6.4 tấn). Còn theo thống kê từ Hiệp Hội Nhựa Việt Nam, năm 1990, mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ 3,8kg nhựa mỗi năm, nhưng sau 31 năm, con số này đạt 41kg.
Không phát miễn phí túi nylon khó phân hủy cho người tiêu dùng
Hiểu rõ được những tác hại của túi nylon khó phân hủy là hết sức to lớn, trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP. HCM đã đề ra chỉ tiêu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại... sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy. Bên cạnh đó, các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi nylon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Phấn đấu đến năm 2030 TP hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, TP cũng dự kiến hoàn thành chỉ tiêu thu gom tái sử dụng, tái chế, xử lý 65% lượng chất thải nhựa phát sinh ở TP. HCM.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra, thời gian qua các sở, ngành, đoàn thể... đã tích cực tham gia thực hiện. Cụ thể, Sở Công Thương TP. HCM đưa ra mục tiêu hết năm 2023, giảm sử dụng 65% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học của các tiểu thương tại chợ truyền thống.
Theo đó, Sở Công Thương đề nghị ban quản lý các chợ, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi xây dựng, triển khai kế hoạch và cam kết có lộ trình cắt giảm việc sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn yêu cầu hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại... thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi như giảm giá, tích điểm và các hình thức khác phù hợp với đơn vị. Qua đó, khuyến khích khách hàng mang túi, bao gói và sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường khi tham gia mua sắm. Siêu thị cũng hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nylon khó phân hủy cho người tiêu dùng.
Từ đó, hướng đến việc tính phí túi đựng hàng hóa khi người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị nêu trên phải nghiên cứu bố trí các điểm thu hồi túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần đã qua sử dụng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Đến năm 2025 sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường nhận định, đến thời điểm nay, các doanh nghiệp, người dân cộng đồng đã nhận thức được tác hại của túi nylon và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phải giảm thiểu việc sử dụng chất thải nhựa, để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316 cũng đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị thay thế cho túi nylon khó phân hủy.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng: Có 3 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu này: Đầu tiên cần hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường; xây dựng chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khó phân hủy. Thứ hai tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân.
“Trong Luật bảo vệ môi trường cũng đã yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phải lồng ghép các nội dung giáo dục về bảo vệ môi trường vào trong chương trình giáo dục từ bậc phổ thông đến đại học”, TS Thọ cho biết.
Giải pháp thứ ba được PGS-TS Nguyễn Đình Thọ nhắc tới đó là có sự đầu tư về tài chính cũng như công nghệ để đảm bảo việc phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử lý chất thải nhựa đạt hiệu quả về mặt kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực tái chế, đồng thời Nhà nước có thể thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ môi trường.
Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quy định cụ thể trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08. Theo đó từ 1/1/2024 các địa phương phải có hướng dẫn cho người dân thực hiện việc phân loại rác một cách nghiêm túc, bài bản.
“Nếu như không thực hiện việc phân loại rác thì có thể bị phạt từ 700.000 tới 1.000.000 đồng và cho phép chính quyền các địa phương sử dụng các công cụ giám sát như camera để thực hiện việc xử phạt”
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nylon khó phân hủy có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Ông Thọ cho rằng đây là những quy định đồng bộ và đã có lộ trình tổ chức triển khai giúp người người dân và doanh nghiệp dần dần thay đổi thói quen, thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải nhựa đúng cách. Đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dây chuyền tái chế. Doanh nghiệp nào không thực hiện trách nhiệm tái chế thì áp dụng quy định của Bộ Tài chính trong việc tăng thuế bảo vệ môi trường và áp dụng nguyên tắc “người phát thải phải trả phí”.
“Tuy nhiên, chỉ riêng những nỗ lực của các tổ chức, cá nhân riêng lẻ chưa đủ sức mạnh để giảm thiểu tác hại do túi nylon khó phân hủy gây ra. Điều quan trọng nhất là thái độ và hành động của cả cộng đồng đối với việc này”, TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.