DANAFF III: Cánh cửa rộng mở cho điện ảnh châu Á và Việt Nam

Khép lại với nhiều dấu ấn, DANAFF III tôn vinh điện ảnh châu Á - Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội mới cho tài năng trẻ từ thành phố biển Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính (phải) và TS. Ngô Phương Lan trao giải Phim châu Á hay nhất. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính (phải) và TS. Ngô Phương Lan trao giải Phim châu Á hay nhất. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Tối 5/7, tại cung Hội nghị Ariyana (Đà Nẵng), Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) đã diễn ra trong không khí trang trọng và xúc động, khép lại hành trình 7 ngày rực rỡ của một kỳ Liên hoan phim giàu cảm xúc, sáng tạo và chuyên nghiệp.

Tới dự Lễ bế mạc và trao giải, về phía lãnh đạo Trung ương, có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Phạm Đại Dương; Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình; Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đinh Thị Mai.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết.

Ban tổ chức DANAFF III có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim Nguyễn Thị Anh Thi và Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức, Giám đốc Liên hoan phim.

Điểm hẹn mới của điện ảnh châu Á

TS. Ngô Phương Lan phát biểu tại Lễ bế mạc và trao giải DANAFF III. (Ảnh: Minh Nguyệt)

TS. Ngô Phương Lan phát biểu tại Lễ bế mạc và trao giải DANAFF III. (Ảnh: Minh Nguyệt)

So với hai mùa trước, DANAFF III mở rộng quy mô cả về thời gian và nội dung. Hơn 106 phim đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã được trình chiếu trong gần 200 suất chiếu tại các rạp trên địa bàn Đà Nẵng.

Những bộ phim đặc sắc trong các chương trình như “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh”, “Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc”, “Toàn cảnh điện ảnh châu Á”, cùng các phim dự thi trong hai hạng mục chính là Phim châu Á và Phim Việt Nam, đã đưa khán giả đến với nhiều cung bậc cảm xúc, từ bi tráng lịch sử đến những lát cắt đời sống hiện đại, từ điện ảnh nghệ thuật đầy thử thách đến các bộ phim giàu tính giải trí.

Phát biểu tại Lễ bế mạc và trao giải DANAFF III, TS. Ngô Phương Lan - Giám đốc Liên hoan phim, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết: “DANAFF không chỉ là nơi tôn vinh những tác phẩm xuất sắc, mà còn là nhịp cầu kết nối những giấc mơ, khát vọng và sự nhân văn của điện ảnh châu Á”.

Bên cạnh các suất chiếu, hàng loạt hoạt động nghề nghiệp cũng được tổ chức đồng thời như: hội thảo chuyên đề, lớp học với chuyên gia, workshop “Ươm mầm tài năng”, chợ dự án “Vườn ươm điện ảnh”… tạo nên một hệ sinh thái toàn diện, vừa thúc đẩy học thuật, vừa tạo bệ phóng cho những tài năng trẻ.

Vinh danh những tác phẩm sáng tạo và nhân văn

Một trong những điểm sáng đáng chú ý của DANAFF III là sự hiện diện của nhiều dự án và nghệ sĩ trẻ, phản ánh năng lượng mới của nền điện ảnh khu vực. Giải Phim hay nhất hạng mục châu Á đã thuộc về Giao dịch miền biên giới (Deal at the Border, Kyrgyzstan), tác phẩm mang màu sắc hiện thực với thông điệp nhân văn mạnh mẽ về hành trình vượt thoát số phận.

Đạo diễn người Trung Quốc Guan Hu được vinh danh với giải Đạo diễn xuất sắc nhờ bộ phim Hắc Cẩu (Black dog)– tác phẩm từng thắng giải Un Certain Regard tại Cannes 2024, khẳng định bước tiến mạnh mẽ của điện ảnh Trung Quốc đương đại.

Đạo diễn Khương Ngọc đại diện đoàn làm phim lên nhận giải Phim hay nhất ở hạng mục phim Việt Nam. (Ảnh: Diệu Linh)

Đạo diễn Khương Ngọc đại diện đoàn làm phim lên nhận giải Phim hay nhất ở hạng mục phim Việt Nam. (Ảnh: Diệu Linh)

Ở hạng mục phim Việt Nam, Chị Dâu, bộ phim của đạo diễn Khương Ngọc đã thắng lớn với ba giải quan trọng: Phim hay nhất, Diễn viên nữ chính xuất sắc (Việt Hương) và Kịch bản xuất sắc nhất. “Ngọc chỉ là người đại diện lên nhận cúp. Xin cảm ơn tất cả anh chị em trong ê-kíp, gia đình và khán giả đã ủng hộ Chị Dâu. Đây là một món quà lớn với chúng tôi”, đạo diễn Khương Ngọc chia sẻ.

Một điểm nhấn khác là sự góp mặt của đạo diễn Dương Diệu Linh với bộ phim Mưa trên cánh bướm (liên quốc gia Việt Nam - Singapore - Philippines - Indonesia), được trao Giải đặc biệt của Ban giám khảo hạng mục châu Á.

Trong bài phát biểu xúc động trên sân khấu, nữ đạo diễn kể lại hành trình từ một cô gái trẻ lạc lõng ở Gặp gỡ mùa thu cách đây 10 năm, đến khoảnh khắc bước lên sân khấu lớn của DANAFF để nhận giải thưởng: “Giải thưởng này em xin dành tặng cùng lòng biết ơn sâu sắc đến các diễn viên, ê-kíp và những người đã dìu dắt em đi đến ngày hôm nay”.

Phim Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nhận giải đặc biệt của ban giám khảo. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Phim Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nhận giải đặc biệt của ban giám khảo. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Phim Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nhận giải đặc biệt của ban giám khảo vì sự sáng tạo, độc đáo và đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây là một niềm động viên, khích lệ lớn với ê kíp Trạng Quỳnh nhí vì phim được đánh giá chất lượng khá tốt nhưng thành tích phòng vé lại quá khiêm tốn (thu hơn 3 tỉ đồng, theo Box Office Vietnam tới ngày 5/7).

Ngoài ra, DANAFF III cũng lần đầu tiên trao Giải Phê bình cho phim châu Á xuất sắc trong chương trình “Toàn cảnh điện ảnh châu Á” cho phim Ngày Chủ Nhật (Uzbekistan) – một tác phẩm sâu sắc về đời sống tinh thần ở vùng Trung Á. Giải NETPAC thuộc về Chị Dâu, còn khán giả đã dành tình cảm đặc biệt cho Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội, tác phẩm giành Giải do khán giả bình chọn.

Bệ phóng cho thế hệ làm phim trẻ

Không chỉ là nơi vinh danh các tác phẩm đã hoàn thiện, DANAFF III còn cho thấy rõ định hướng chiến lược trong việc phát hiện, bồi dưỡng và nâng đỡ những tài năng điện ảnh trẻ, lực lượng được xem là nhân tố quyết định cho tương lai điện ảnh châu Á.

Các thành viên dự án Ghost of the Currents nhận giải thưởng The Grand Prix Award trị giá 8.000 USD. (Ảnh: Diệu Linh)

Các thành viên dự án Ghost of the Currents nhận giải thưởng The Grand Prix Award trị giá 8.000 USD. (Ảnh: Diệu Linh)

Chương trình DANAFF TALENTS 2025 với hai trục hoạt động chính là lớp học diễn xuất “Ươm mầm tài năng” và “Vườn ươm dự án” đã trở thành tâm điểm chuyên môn tại kỳ liên hoan năm nay. Trong đó, lớp “Ươm mầm tài năng” thu hút 52 gương mặt trẻ đầy triển vọng từ khắp cả nước, cùng nhau trải nghiệm quá trình đào tạo bài bản với sự dẫn dắt của các nghệ sĩ, đạo diễn giàu kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, “Vườn ươm dự án” quy tụ 14 dự án điện ảnh đến từ Việt Nam và các quốc gia châu Á, trong đó có không ít kịch bản mới được phát triển từ những ý tưởng táo bạo, giàu bản sắc văn hóa.

Đặc biệt, các hoạt động như chợ dự án phim nghệ thuật châu Á, chợ dự án phim Việt Nam, lớp học chuyên sâu với đạo diễn hàng đầu Kang Je Kyu, hay hội thảo chuyên đề “Phát hiện và bồi dưỡng tài năng - Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam” đã tạo nên hệ sinh thái liên hoàn, nơi nhà làm phim trẻ được trang bị kiến thức, cọ xát thực tế và kết nối với các đối tác sản xuất, phát hành.

Không chỉ là đào tạo, DANAFF TALENTS đã mang lại một môi trường nuôi dưỡng sự tự tin và khát vọng phát triển, tạo điều kiện để các nhà làm phim trẻ hiện thực hóa “bộ phim trên giấy” thành tác phẩm hoàn chỉnh – điều mà trước đây nhiều người chỉ dám mơ tới.

Giải đặc biệt của ban giám khảo ở hạng mục Phim châu Á dự thi được trao cho Mưa trên cánh bướm. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Giải đặc biệt của ban giám khảo ở hạng mục Phim châu Á dự thi được trao cho Mưa trên cánh bướm. (Ảnh: Minh Nguyệt)

TS. Ngô Phương Lan khẳng định: “Chúng tôi kỳ vọng những hạt giống được gieo hôm nay sẽ sớm đơm hoa kết trái, để một thế hệ đạo diễn, biên kịch, diễn viên trẻ của Việt Nam và châu Á có thể cất tiếng nói của mình trên sân khấu điện ảnh thế giới”.

Với nền tảng đã được xây dựng bài bản từ DANAFF I đến nay, chương trình DANAFF TALENTS không còn là một hoạt động bên lề, mà đang dần khẳng định vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển lâu dài của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, nơi những giấc mơ làm phim được ươm mầm và chắp cánh.

Dấu son trên hành trình trở thành “thành phố điện ảnh”

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Diệu Linh)

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Diệu Linh)

Không chỉ dừng lại ở yếu tố chuyên môn, DANAFF III còn khẳng định vai trò của Liên hoan phim như một thương hiệu văn hóa quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng trong hành trình phát triển, Đà Nẵng không chỉ là nơi tổ chức Liên hoan phim mà còn là bối cảnh, là nguồn cảm hứng bất tận cho những tác phẩm điện ảnh châu Á và thế giới”.

Bên cạnh đó, việc DANAFF được UNESCO công nhận là sự kiện kỷ niệm 20 năm Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa là một dấu ấn quốc tế giàu ý nghĩa, khích lệ những nỗ lực không ngừng trong việc gìn giữ bản sắc và thúc đẩy sáng tạo của điện ảnh khu vực.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ bế mạc. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ bế mạc. (Ảnh: Minh Nguyệt)

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba đã khép lại, nhưng dư âm của nó còn đọng lại trong những thước phim, những ánh mắt rưng rưng trên sân khấu trao giải và cả trong từng tràng pháo tay dài bất tận ở các rạp chiếu.

DANAFF không chỉ vinh danh điện ảnh châu Á, mà còn đang âm thầm khơi dậy đam mê, kết nối cộng đồng và truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một châu Á sáng tạo, giàu bản sắc và hướng đến tương lai phát triển bền vững.

Danh sách các tác phẩm, gương mặt được vinh danh tại DANAFF III:

A. Hạng mục phim châu Á dự thi:

1. Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo: Mưa trên cánh bướm (Don’t Cry Butterfly), Việt Nam - Singapore - Philippines - Indonesia.

2. Giải Đạo diễn xuất sắc nhất: Guan Hu

• Phim: Hắc Cẩu (Black Dog), Trung Quốc

3. Giải Phim hay nhất (Grand Prize for Best Film): Giao dịch miền biên giới (Deal at the Border), Kyrgyzstan

4. Giải Kịch bản xuất sắc nhất: Biên kịch Ladan Shirmard, Ebrahim Azizi

• Phim: Dính chàm (Muddy Foot), Iran

5. Giải Diễn viên nam chính xuất sắc nhất: Kang-sheng Lee

• Phim: Con mắt người lạ (Stranger Eyes); Singapore - Đài Loan (Trung Quốc)

6. Giải Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất: Nurzhan Beksultanova

• Phim: Abel, Kazakhstan

B. Giải Phê bình cho phim Châu Á trong chương trình Toàn cảnh điện ảnh châu Á

• Phim: Ngày Chủ Nhật (Sunday), Uzbekistan

C. Hạng mục phim dự thi Việt Nam:

1. Giải Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất: Việt Hương

• Phim: Chị Dâu (The Real Sister), Việt Nam

2. Giải Đạo diễn xuất sắc nhất: Victor Vũ

• Phim: Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu (Detective Kien: The Headless Horror), Việt Nam

3. Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo: Phim Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết về Kim Ngưu (Legend of the Golden Buffalo), Việt Nam

4. Giải Kịch bản xuất sắc nhất: Biên kịch: Phạm Thị Thanh Thu, Nguyễn Phạm Hoàng Quân, Trần Hữu Tấn

• Phim: Chị Dâu (The Real Sister), Việt Nam

5. Giải: Phim hay nhất

• Phim: Chị Dâu (The Real Sister), Việt Nam

6. Giải Diễn viên nam chính xuất sắc nhất: Tuấn Trần

• Phim: Làm giàu với ma (Betting with Ghost), Việt Nam

7. Giải phim hay nhất do khán giả bình chọn: Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội, Việt Nam

8. Giải NETPAC: Phim Chị Dâu (The Real Sister), Việt Nam

Diệu Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/danaff-iii-canh-cua-rong-mo-cho-dien-anh-chau-a-va-viet-nam-320050.html