Đảng bộ Hòa Vang - những dấu ấn tự hào
78 năm kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ H. Hòa Vang không ngừng lớn mạnh, phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử quê hương anh hùng, khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, tập trung trí tuệ tập thể, đưa ra nhiều chủ trương quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể, được nhân dân đồng tình, hết lòng ủng hộ, để lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, góp phần kiến tạo dáng hình đô thị trẻ, có bản sắc riêng như ngày hôm nay.
Những trang sử hào hùng
Theo tư liệu, giai đoạn 1936 - 1939, phong trào cách mạng quần chúng của H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thu được nhiều thắng lợi, nên việc thành lập một chi bộ Đảng để lãnh đạo trở thành một yêu cầu tất yếu, khách quan. Với tình hình đó, 3 đồng chí Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Lương Thúy, Nguyễn Như Gia thông qua đồng chí Trương An thành lập nhóm “Thanh niên Ngã tư” để sinh hoạt. Năm 1939, đồng chí Ngô Diễn là phái viên của tỉnh bộ về kiểm tra phong trào đã công nhận và đổi tên nhóm thành Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ - tiền thân của Đảng bộ H. Hòa Vang ngày nay.
Mùa thu 1945, cùng với cả nước, phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở Hòa Vang diễn ra sôi nổi, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo trực tiếp thống nhất trong toàn huyện. Trước yêu cầu đó, ngày 20-11-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập hội nghị thành lập Huyện ủy Hòa Vang do đồng chí Nguyễn Thanh Hải chủ trì, 20 đại biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ đảng viên của huyện về tham dự. Hội nghị thống nhất thành lập BCH Huyện ủy lâm thời gồm 5 người và đề cử đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm Bí thư đầu tiên. Đây là sự kiện quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng của huyện, các đồng chí trong BCH lâm thời lúc bấy giờ chính là những người đầu tiên nhóm lên ngọn lửa để từ đó tỏa sáng, bùng cháy thành những phong trào cách mạng rộng lớn, làm nên những thắng lợi vẻ vang cho quê nhà… Khép lại những năm kháng chiến trường kỳ, bảng vàng thành tích của H.Hòa Vang ngời sáng với danh hiệu Anh hùng LLVTND, 10/11 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Toàn huyện có hơn 1.360 mẹ VNAH, 7.690 liệt sĩ, hơn 6.000 thương bệnh binh…
Tự hào Hòa Vang
Đất nước thống nhất, từ một huyện mà hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề, cơ sở hạ tầng là con số “không” thì đến giai đoạn 1997 - 2003, Hòa Vang đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Và, khi công cuộc đổi mới vừa trải qua ngưỡng cửa ban đầu cũng là lúc Hòa Vang đứng trước bước ngoặt của hành trình phát triển thành phố: năm 1997 trở thành huyện nông nghiệp của thành phố trực thuộc Trung ương với 14/19 xã, 5 xã còn lại được chia tách thành lập 2 quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu. Tiếp đến, năm 2005, Hòa Vang lại tách thêm 3 xã để thành lập quận Cẩm Lệ… Ngày nay, trong công cuộc chỉnh trang, Hòa Vang là vành đai xanh để nới rộng không gian địa giới cho thành phố. Nói điều đó để thấy rằng, Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị thì Hòa Vang nhanh hơn trong việc đô thị hóa nông thôn mà bằng chứng là sự hình thành và phát triển đi lên của những người anh em cùng sinh ra từ “núm ruột” của mình.
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), kết cấu hạ tầng nông thôn ở Hòa Vang được đầu tư đồng bộ với nhiều công trình trọng điểm, cứng hóa gần 900km đường giao thông nông thôn, nội đồng; đầu tư xây mới 113/113 nhà họp thôn và trang bị các thiết chế văn hóa; nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển hiệu quả… Đến nay, 11/11 xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2 (2016 - 2020), các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương được Chủ tịch UBND TP công nhận đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao”, 22 thôn đạt chuẩn “Thôn kiểu mẫu NTM” và 21 sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt OCOP trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Thu nhập bình quân đầu người từ 12,2 triệu đồng/năm 2012 tăng 56 triệu đồng/năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm từ 16,52% xuống còn 1,91%, không còn nhà tạm; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt 98%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm gần 70%. Cùng với đó, một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm đang xuất hiện ngày càng nhiều; với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, họ đang dần “đánh thức” những vùng đất hoang hóa, bạc màu thành những vùng đất đầy tiềm năng…
78 năm qua, Đảng bộ H. Hòa Vang không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử quê hương anh hùng, khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, thống nhất, tập trung cụ thể hóa và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hòa Vang phát triển bền vững, có bản sắc riêng, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Đảng bộ huyện còn làm tốt công tác quy hoạch trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, các chương trình, kế hoạch của trung ương, thành phố, đặc biệt là Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện, gắn liền với đặc thù về vị trí địa lý, địa hình thổ nhưỡng và văn hóa địa phương; huy động nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị sườn đồi phù hợp, đô thị xanh gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giữ gìn đặc trưng văn hóa làng quê, nông thôn truyền thống, đi cùng với việc tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống…
Có thể nói, những kết quả đạt được trên không chỉ là sự kết tinh công sức, trí tuệ, sự đoàn kết, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện qua các thời kỳ mà còn là niềm tự hào ghi dấu những mốc son trên con đường xây dựng và phát triển quê hương. Hòa Vang sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn trong tương lai để không phụ lòng tin yêu và sự hy sinh của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống vì mảnh đất thân yêu này.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dang-bo-hoa-vang-nhung-dau-an-tu-hao-post286659.html