Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động Hà Tĩnh: Tạo nguồn phát triển Đảng từ chiến sỹ nghĩa vụ
Quan tâm tạo điều kiện cho các chiến sĩ nghĩa vụ có môi trường phấn đấu, rèn luyện, qua đó tạo nguồn phát triển Đảng trong lực lượng và cho các địa phương là cách làm hiệu quả đang được Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (Công an Hà Tĩnh) triển khai.
Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động có 8 chi bộ trực thuộc với 107 đảng viên. Mỗi năm, Phòng Cảnh sát cơ động Hà Tĩnh tiếp nhận hơn 100 chiến sỹ nghĩa vụ, thời điểm đông nhất hơn 200 chiến sỹ. Đây là những đồng chí đã được lựa chọn kỹ về đạo đức, phẩm chất và trình độ học vấn.
Xác định rõ tiền đề quan trọng đó, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động Hà Tĩnh đã tập trung quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú là hạ sĩ quan, chiến sỹ nghĩa vụ phấn đấu vào Đảng. Đơn vị cũng tạo điều kiện cho các chiến sĩ nghĩa vụ có môi trường rèn luyện, thử thách và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời phát hiện bồi dưỡng các cá nhân điển hình.
Bắt đầu nhập ngũ từ tháng 2/2021, hạ sỹ Phạm Bá Tuấn (SN 2000, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) được phân công về Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động. Cùng với các chiến sỹ mới, hạ sỹ Tuấn được tham gia lớp bồi dưỡng sinh hoạt chính trị ngay từ buổi đầu nhập ngũ để nghe giới thiệu về nội quy, quy chế, nhiệm vụ và những cơ hội, tiêu chuẩn trong phấn đấu, rèn luyện. Bên cạnh đó, quá trình phục vụ trong lực lượng, các chiến sỹ được tham gia các buổi tọa đàm, nói chuyện và mỗi tối đều có các buổi sinh hoạt chính trị để bồi đắp về lý luận, tư tưởng.
Hạ sỹ Phạm Bá Tuấn chia sẻ: “Những buổi sinh hoạt chính trị đã giúp tôi nhận thức rõ ràng và đúng đắn hơn về nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của bản thân khi tham gia lực lượng, đặc biệt là hướng tôi đến những lý tưởng cao đẹp, phấn đấu trở thành người đảng viên. Được nuôi dưỡng và rèn luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao khiến tôi luôn nỗ lực không ngừng, từ đó rèn luyện bản thân tốt hơn”.
Cũng như hạ sỹ Phạm Bá Tuấn, có được môi trường rèn luyện bản thân ở đơn vị, hạ sỹ Trần Quốc Thái (SN 2002, xã Ích Hậu, Lộc Hà) - Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đã không ngừng nỗ lực thể hiện bản thân trong thực hiện các nhiệm vụ và tham gia phong trào đoàn thể.
Những nỗ lực phấn đấu của hạ sỹ Trần Quốc Thái được ghi nhận với việc anh được đơn vị xét đi học lớp nhận thức Đảng vào tháng 8/2022. Và ngày 17/2 vừa qua, chỉ trước khi ra quân 11 ngày, hạ sỹ Thái và 8 chiến sỹ nghĩa vụ đã được các chi bộ tổ chức lễ kết nạp Đảng.
Được biết, năm 2022, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động đã kết nạp Đảng cho 10 đồng chí là chiến sỹ nghĩa vụ; đầu năm 2023 đã kết nạp Đảng cho 9 đồng chí là chiến sỹ nghĩa vụ. Trung bình mỗi năm, số lượng chiến sỹ, hạ sỹ quan được kết nạp chiếm 10% tổng số đồng chí tham gia nghĩa vụ.
Thượng tá Trần An Ninh - Bí thư Đảng bộ, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động cho biết: “Phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, liên tục trong công tác xây dựng Đảng. Ngoài những tiêu chuẩn chung theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương, việc xem xét kết nạp Đảng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phải bảo đảm các tiêu chuẩn khác như 2 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua chiến sỹ tiên tiến trở lên...
Ngoài ra, trước khi kết nạp, Bí thư Đảng ủy sẽ trực tiếp gặp từng quần chúng ưu tú để kiểm tra về nhận thức Đảng, động cơ, mục đích phấn đấu vào Đảng. Với quan điểm tạo điều kiện tối đa để cán bộ, chiến sỹ phấn đấu tham gia vào tổ chức Đảng nhưng không chạy theo số lượng, Đảng bộ thực hiện quy trình các bước xét duyệt, xếp loại nghiêm túc, chặt chẽ".
Tại Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động, nhiều đồng chí được kết nạp Đảng ngay trong thời gian thực hiện nghĩa vụ, số còn lại khi ra quân được chuyển hồ sơ về địa phương và đều thể hiện tốt vai trò quần chúng ưu tú, từ đó giúp các địa phương tiếp tục bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng.
Tuy nhiên làm thế nào để tiếp tục phát huy lực lượng đảng viên đã được kết nạp Đảng trong quân ngũ hoặc đã được tham gia lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng trong quân ngũ là vấn đề cần quan tâm.
Mỗi chiến sỹ nghĩa vụ có 2 năm phục vụ trong quân ngũ, đây cũng là quãng thời gian đủ để các chiến sỹ rèn luyện, phấn đấu và được kết nạp Đảng tại đơn vị. Bên cạnh đó, một số đồng chí chưa đủ thời gian kết nạp mà chỉ mới hoàn thành lớp nhận thức Đảng trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi kết nạp xong, chỉ số rất ít đồng chí được lựa chọn tiếp tục phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng, phần lớn trở về địa phương. Lúc này, đảng viên hay quần chúng ưu tú có phát huy tác dụng được hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực bản thân mỗi đồng chí và sự vào cuộc của địa phương.
Thượng tá Trần An Ninh trăn trở: “Để nguồn lực này phát huy tối đa vai trò, mong rằng các địa phương quan tâm trong việc bồi dưỡng, theo dõi quần chúng ưu tú và giao nhiệm vụ cho đảng viên mới. Bởi đây đều là những đồng chí đã được tuyển chọn, đào tạo bài bản cả về trí lực, thể lực và lý luận chính trị. Đó cũng tiền đề quan trọng để bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ cho các đơn vị cũng như nguồn cán bộ nòng cốt của ở địa phương sau khi các chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ trở về”.