Đảng bộ Thanh Hóa – 90 năm dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng

Cách đây tròn 90 năm, do yêu cầu cấp bách của phong trào đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp, vào ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, 3 Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Thanh Hóa gồm: Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), Chi bộ Thiệu Toán (Thiệu Hóa) và Chi bộ Thọ Lập (Thọ Xuân) đã tổ chức Hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Tại Hội nghị, đồng chí Lê Thế Long được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (Bí thư đầu tiên).

Di tích lịch sử cách mạng làng Yên Trường, xã Thọ lập (khi chưa được đầu tư nâng cấp), nơi tổ chức hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Di tích lịch sử cách mạng làng Yên Trường, xã Thọ lập (khi chưa được đầu tư nâng cấp), nơi tổ chức hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Sự ra đời của Đảng bộ Thanh Hóa đã mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng của tỉnh nhà. Tập hợp và thống nhất sự hoạt động của các chiến sỹ cách mạng, những người cùng chung sứ mệnh đánh đổ cường quyền, thực dân vào chung một đội ngũ, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.

Trước đó, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã đặt mục tiêu xây dựng, phát triển nhanh hệ thống tổ chức Đảng trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Thời điểm này, phong trào cách mạng tại Thanh Hóa, sau thời gian nhen nhóm cũng đã phát triển mạnh với 3 Chi bộ Đảng ra đời. Và ngày 29/3/1930, 3 Chi bộ Đảng đã hợp nhất, trở thành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Từ sự kiện này, phong trào cách mạng của tỉnh Thanh Hóa, ngày càng phát triển và lớn mạnh, góp sức cùng cả nước làm nên trận “cuồng phong” lịch sử tháng 8/1945, cuốn phăng ách đô hộ của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến bù nhìn, giành độc lập về tay nhân dân.

Ngược dòng lịch sử vẻ vang của dân tộc, trên chặng đường 90 năm truyền thống hào hùng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Thời kỳ tiền khởi nghĩa 1930 - 1945 đã đánh dấu 3 mốc son sáng chói, trong 3 thời kỳ của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Đó là mốc son “cao trào cách mạng 1930 - 1931” đấu tranh chống khủng bố, khôi phục Đảng bộ và phong trào cách mạng trong tỉnh.

Thời kỳ này, giặc Pháp và chính quyền tay sai tăng cường khủng bố trắng, nhiều tổ chức Đảng bị tan rã, hầu hết đảng viên và quần chúng trung kiên bị bắt, tù đày. Không chùn bước trước bạo lực, phong trào cách mạng sau khi tạm lắng đã bùng phát mạnh mẽ, hưởng ứng phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Đảng bộ Thanh Hóa đã tiếp tục vận động quần chúng cách mạng vùng dậy trừng trị bọn cường hào, phản động tay sai của giặc Pháp, tổ chức treo cờ Đảng, rải truyền đơn ủng hộ Xô Viết – Nghệ tĩnh… sự xuất hiện của cờ đỏ búa liềm và truyền đơn cách mạng đã làm điên đảo bè lũ thực dân, phong kiến, đánh dấu bước đi đầu tiên của cách mạng dân tộc, dân chủ do Đảng bộ tỉnh trực tiếp lãnh đạo.

Lãnh đạo tỉnh và huyện trao quà cho các cháu học sinh tại Di tích Lịch sử cách mạng Yên Trường đang được đầu tư xây dựng và tôn tạo.

Lãnh đạo tỉnh và huyện trao quà cho các cháu học sinh tại Di tích Lịch sử cách mạng Yên Trường đang được đầu tư xây dựng và tôn tạo.

“Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 -1939)”. Thời kỳ này, cũng như các tỉnh khác trong toàn cõi Việt Nam, giặc Pháp cấu kết với chính quyền phong kiến bù nhìn tăng cường sưu cao thuế nặng, áp bức bóc lột, bần cùng hóa nhân dân.

Năm 1937, nắm bắt cơ hội giặc Pháp có thể “chùn tay” do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Bình dân tại “mẫu quốc”. Sau khi bắt liên lạc với Trung ương Đảng, để hợp pháp hóa phong trào đấu tranh cách mạng, tránh bị đàn áp, dìm trong biển máu, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung củng cố, phát triển “Hội Tương tế hữu ái”, tập hợp mọi tầng lớp “sỹ, công, nông, thương” cùng đấu tranh công khai và bán công khai, đòi “Tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình, chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới”.

Theo đó, các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên Dân chủ, Hội Phụ nữ Dân chủ ra đời, tạo nên lực lượng chính trị rộng lớn, phong trào đấu tranh lan rộng từ quy mô làng, xã tới liên tổng, liên huyện. Tiêu biểu như cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm của công nhân nhà máy Diêm Hàm Rồng, xưởng rượu Nam Đồng Ích, mỏ sắt Thanh Xá, Núi Bần, công nhân lâm trường Như Xuân, đồn điền Yên Mỹ. Các phong trào đấu tranh đòi quyền thành lập Hội, chống sưu cao thuế nặng của nông dân các phủ huyện khắp trong tỉnh. Các phong trào ủng hộ nhân dân Trung Hoa chống Nhật, đấu tranh bầu Viện Dân biểu Trung kỳ… cao trào cách mạng thời kỳ 1936 - 1939 là cao trào cách mạng sâu rộng, mạnh mẽ trên toàn tỉnh đã thu được những kết quả nhất định, trở thành cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho “trận cuối cùng” giành chính quyền về tay nhân dân.

“Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939 - 1945”. Đầu năm 1940, sau đợt khủng bố của chính quyền thực dân, phong kiến, phong trào hoạt động cách mạng trên địa bàn tỉnh dần hồi phục, các Đảng viên Cộng sản tại Thanh Hóa đã tổ chức thành lập các tổ chức Đảng, cử ra ban lãnh đạo lâm thời hoạt động độc lập. Đầu năm 1940, đồng chí Đào Duy Dếnh - cán bộ Xứ ủy Trung kỳ được cử ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với đồng chí Lê Tất Đắc, Lưu văn Bân, Phạm Đức Nhuận và một số đồng chí khác, tổ chức họp tại Bút Sơn (Hoằng Hóa), tiếp thu Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng và tài liệu của Đảng. Tại đây, các đồng chí đã thành lập tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Phạm Đức Nhuận làm Bí thư.

Cùng thời gian, tại khu vực Thọ Xuân – Thiệu Toán, một số đồng chí là cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ vượt ngục Hỏa Lò trở về đã liên lạc với một số cơ sở Đảng khu vực, thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Trần Bảo được cử làm Bí thư. Sau đó, các tổ chức Đảng đã tổ chức Hội nghị đại biểu các cơ sở Đảng trong tỉnh, thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trần Bảo làm Bí thư, lấy tờ báo “Tự Do” làm cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng bộ. Do có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, phong trào cách mạng của tỉnh ngày càng phát triển. Nhiều huyện trong tỉnh xây dựng Mặt trận Phản đế cứu quốc, thành lập lực lượng vũ trang làng, xã. Trên cơ sở phát triển mạnh của cách mạng, tháng 6/1941, chiến khu du kích Ngọc Trạo được thành lập, cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy cũng được chuyển về đây.

Sau một thời gian hoạt động, ngày 19/10/1941, quân Pháp huy động lực lượng mạnh tấn công Ngọc Trạo, do tương quan lực lượng, qua nhiều trận chiến ác liệt, du kích Ngọc Trạo đã phá vòng vây, rút lui về các địa phương. Chiến khu du kích đầu tiên trong cả nước bị tan rã. Nhưng đã rung lên hồi chuông cáo chung, báo hiệu ngày tàn đối với chế độ thực dân, phong kiến trên phạm vi cả nước.

Sau chiến khu Ngọc Trạo, cuối năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa bị địch khủng bố, tan rã. Năm 1942, các chiến sỹ cánh mạng trung kiên tiếp tục hoạt động, thành lập Ban liên lạc để củng cố cơ sở cách mạng. Tháng 7/1942, Tỉnh ủy lâm thời được tái thành lập do đồng chí Lê Tất Đắc làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng ngày càng lên cao, cuối năm 1942, Tỉnh ủy Thanh Hóa chuyển “Thanh Hóa ái quốc hội” thành “Mặt trận Việt Minh”, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chuẩn bị chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Các phong trào mua sắm vũ khí, chống vơ vét thóc gạo, chống nhổ lúa trồng đay, chống bắt phu, bắt lính, phá kho thóc… cùng các cuộc khởi nghĩa cục bộ nổi lên ở làng Yên Lộ, Đồn điền Đa Nẫm, Lạch Trường giành thắng lợi, khí thế cách mạng cao ngút trời. Ngày 24/7/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại huyện Hoằng Hóa đã mở ra cơ hội cho cách mạng trong tỉnh. Sau sự kiện Nhật đầu hàng đồng minh, thực hiện chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nắm thời cơ, phát động tổng khởi nghĩa trên toàn tỉnh, giành chính quyền vào ngày 18 và 19/8/1945. Sau khi khởi nghĩa thành công ở các phủ, huyện trong tỉnh, quân cách mạng đã từ Thiệu Hóa tiến về thị xã tỉnh lỵ, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thanh Hóa do ông Lê Tất Đắc làm Chủ tịch.

Sau khi cách mạng thành công, cùng với cả nước Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo nhân dân, bước vào thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945 - 1975). Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của cho tuyền tuyến. Trong đó, chỉ riêng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã có 47.227 Liệt sỹ, hơn 62.000 Thương binh, Bệnh binh đã anh dũng hy sinh hoặc cống hiến một phần thân thể, sức khỏe cho độc lập tự do của tổ quốc. Cùng với đó là hàng loạt tấm gương của cá nhân, tập thể, hàng loạt địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc như nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển, liệt sỹ Nguyễn Bá Ngọc, Trung đội nữ dân quân Nam Ngạn, Trung đội lão dân quân Hoằng Trường, trận địa C4 Hàm Rồng, cầu Hàm Rồng, Đò Lèn, Phà Ghép…

Phát huy truyền thống Anh hùng của lớp cha, anh đi trước, bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước, đảng bộ, chính quyền và nhan dân các dân tộc Thanh Hóa lại tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được những thành quả to lơn, đồng bộ trên mọi lĩnh vực.

Trong đó, năm 2019 đã ghi dấu ấn với hàng loạt con số ấn tượng như: lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, thuộc nhóm có tốc độ cao nhất cả nước. Thu ngân sách đạt 28.806 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đến nay có 6 huyện, 367 xã và 917 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra; sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu đạt 3,72 tỷ USD, tăng 27,6%, huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22,6%.

UBND xã Thọ Lập.

UBND xã Thọ Lập.

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, phát huy truyền thống của vùng đất quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thọ Lập, miền quê đã từng nổi tiếng là “Kinh đô Vạn Lại Yên Trường” vào thời Lê Trung Hưng, trong 10 năm đổi mới đã chung sức, đồng lòng, xây dựng thành công chương trình nông thôn mới với những thành tích đáng tự hào như: Thu nhập bình quân tăng từ 9,5 triệu đồng/người/năm (2010) lên 45 triệu đồng/người/năm (2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,86% (năm 2010) xuống 1,76% (năm 2018). Cùng với nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, hệ thống hạ tầng của Thọ lập như đường giao thông, trường học, trạm Y tế, công sở xã, nhà văn hóa ... đã được đầu tư xây mới, nâng cấp đồng bộ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Không “ngủ quên” trên thành tích, Đảng bộ Thọ Lập đang tập trung chỉ đạo toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong xã phấn đấu trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Diện mạo nông thôn mới xã Thọ Lập.

Diện mạo nông thôn mới xã Thọ Lập.

Nhìn lại chặng đường gian khổ, hào hùng 90 năm dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng với những trang sử vàng chói lọi trong chiến đấu, những thành tích nổi bật trong xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa càng thêm tự hào, tin tưởng vào sự thành công trên con đường đổi mới, hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng”, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời dậy của Bác Hồ khi người về thăm Thanh Hóa.

Đào Nguyên

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dang-bo-thanh-hoa-90-nam-duoi-ngon-co-ve-vang-cua-dang-284378.html