Đảng bộ thành phố Việt Trì - những mốc son qua 80 năm
PTĐT - Việt Trì, nơi phát tích, cội nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi các Vua Hùng chọn làm kinh đô đầu tiên của Nhà nước Văn Lang, là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời đại Hùng Vương đến nay, lịch sử Việt Trì luôn gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc.
Một trong những trang sử hào hùng đó là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, cuối năm 1939, Chi bộ Đảng Bạch Hạc - Việt Trì (Tiền thân của Đảng bộ thành phố ngày nay) ra đời đánh dấu mốc son đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của thành phố. Trải qua 80 năm kể từ khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Bạch Hạc - Việt Trì với vài đảng viên, sau này là Đảng bộ Hạc Trì (1947) và Đảng bộ thành phố Việt Trì (1962), các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Việt Trì đã đoàn kết một lòng, kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh đánh thắng giặc ngoại xâm; bền bỉ, vững vàng, sáng tạo trên con đường xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển xây dựng thành phố Việt Trì ngày càng giàu, đẹp, văn minh xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ đồng thời góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CHI BỘ ĐẢNG VIỆT TRÌ - MỐC SON LỊCH SỬ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ
1. Tình hình kinh tế - xã hội và các phong trào đấu tranh trước khi có ĐảngSau khi đánh chiếm tỉnh Hưng Hóa (1884), thực dân Pháp đã tăng cường xây dựng bộ máy thống trị và thi hành chính sách cai trị rất thâm độc để bóc lột, đàn áp nhân dân.Tại Việt Trì, chúng chiếm ruộng đất, áp đặt sưu cao thuế nặng, thực hành chính sách “Ngu dân”, chia rẽ giáo - lương, gây bè phái, dòng tộc, bóc lột sức lao động của nhân dân hết sức dã man. Cả Việt Trì chỉ có một trường tiểu học; trong các làng, các tổng chỉ có trường sơ đẳng, trường hương học dạy cho vài chục học sinh là con em nhà khá giả, hương lý, hầu hết nhân dân bị mù chữ. Các làng, xã không có trạm y tế, chỉ có một bệnh viện nhỏ ở thị trấn Việt Trì với vài chục giường và một y sỹ phụ trách chủ yếu phục vụ cho bọn quan lại nhà giàu. Trong khi trường học, bệnh viện không có thì bọn thống trị khuyến khích các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, tiệm hút thuốc phiện, các sòng bạc, cô đầu, nhà thổ, các đại lý bán rượu tự do phát triển.Dưới ách thống trị của chính quyền thực dân phong kiến, trước cảnh nước mất, nhà tan, song không cam chịu sống đời nô lệ, cơ cực, các thế hệ nhân dân Việt Trì đã nối tiếp nhau cùng với nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của chúng, tham gia các cuộc nổi dậy của các sỹ phu yêu nước trong các phong trào kháng Pháp. Những năm đầu thế kỷ XX trong học sinh, viên chức ở Việt Trì có phong trào hưởng ứng cuộc vận động để tang cụ Phan Chu Trinh; tham gia tổ chức Quốc dân Đảng yêu nước do Nguyễn Thái Học lãnh đạo chống thực dân Pháp. Tại Bạch Hạc, từ năm 1930 đã hình thành một tổ chức quần chúng của Đảng là Nông hội đỏ do các đảng viên ở Vĩnh Yên xây dựng đã nhận truyền đơn từ Vĩnh Yên để rải ở Bạch Hạc và Việt Trì với nội dung “ủng hộ Nghệ Tĩnh” và phản đối thực dân Pháp đàn áp phong trào công nông Nghệ Tĩnh dã man. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) đã hình thành một số tổ chức quần chúng hoạt động khá sôi nổi như: Hội truyền bá quốc ngữ, Hội ái hữu, Nghiệp đoàn, Hướng đạo sinh… thực hiện mục tiêu đòi quyền dân chủ, dân sinh, các tổ chức ái hữu công nhân đấu tranh đòi tăng lương, không được đánh đập công nhân…Một số thanh niên gia nhập nghĩa quân của Đốc Đoàn, Lê Đông tham gia chặn đánh binh đoàn của tướng Muy ni ê ở Minh Nông, Thụy Vân khi chúng đưa quân từ Việt Trì lên tấn công căn cứ Thanh Mai (Thanh Đình - Lâm Thao); gia nhập nghĩa quân do bố chính Nguyễn Văn Giáp chỉ huy năm 1885; tham gia tập kích trại giám binh Pháp ở thị xã Phú Thọ do tổ chức Việt Nam Quang phục hội ở Phù Ninh tiến hành...Các phong trào yêu nước chống thực dân phong kiến đã thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, căm thù giặc sâu sắc của đông đảo nhân dân Việt Trì nhưng còn mang tính tự phát, thiếu tổ chức và chưa có một đường lối đúng đắn nên thất bại.
TK