Đảng bộ thành phố Việt Trì - những mốc son qua 80 năm (tiếp)

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối lãnh đạo cách mạng, là điều kiện cơ bản quyết định những thắng lợi oanh liệt và những bước nhảy vọt lớn trong lịch sử dân tộc những năm sau này.

Một số công trình hiện đại tạo điểm nhấn cho thành phố Việt Trì.

Một số công trình hiện đại tạo điểm nhấn cho thành phố Việt Trì.

2. Thành lập Chi bộ Đảng Bạch Hạc - Việt Trì - Tiền thân của Đảng bộ thành phố Việt Trì
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối lãnh đạo cách mạng, là điều kiện cơ bản quyết định những thắng lợi oanh liệt và những bước nhảy vọt lớn trong lịch sử dân tộc những năm sau này.Ở Bạch Hạc, từ năm 1930 đã hình thành tổ chức quần chúng của Đảng là Nông hội đỏ do các đảng viên ở Vĩnh Yên xây dựng. Hoạt động chính của hội là nhận truyền đơn do cán bộ phụ trách tỉnh Vĩnh Yên cung cấp, bí mật đem rải trên địa bàn Bạch Hạc và Việt Trì. Nội dung truyền đơn kêu gọi mọi người “Ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ - Tĩnh và phản đối thực dân Pháp đàn áp phong trào dã man”.Trong những năm 1936-1939, do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Dân chủ công khai trong nước, một số học sinh người Việt Trì học cao đẳng và trung học ở Hà Nội được tuyên truyền, giác ngộ và tham gia Đoàn thanh niên Dân chủ, trong đó có đồng chí Phạm Thường (tức Phạm Toàn). Các đồng chí đã đem theo nhiều sách báo tiến bộ của Đảng in bằng tiếng Việt và tiếng Pháp về quê tuyên truyền cách mạng cho một số bạn bè có tư tưởng tiến bộ như các đồng chí Phan Văn Chắt, Đỗ Văn Chuộn, Đinh Văn Thư, Lưu Tư Việt, Phạm Xuân Ba v.v…sau đó lập ra Đoàn Thanh niên Dân chủ Việt Trì và kết nạp số anh em này vào tổ chức. Hiệu sách Quang Minh của đồng chí Phan Văn Chắt trở thành nơi tiếp nhận sách báo, tin tức và là nơi đồng chí Phạm Thường luôn lui tới. Được cán bộ hướng dẫn, Đoàn thanh niên Dân chủ Việt Trì đã lập ra một số tổ chức hoạt động công khai, hợp pháp như: Hội truyền bá quốc ngữ, Hội ái hữu, Hội Nghiệp đoàn, Hội Hướng đạo sinh, v.v…Trong đó, Hội truyền bá quốc ngữ hoạt động sôi nổi nhất, thu hút được gần 100 hội viên tham gia. Ngoài việc tổ chức đọc sách báo công khai của Đảng bằng tiếng Việt, Hội còn tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho dân phố và công nhân. Lúc đầu, lớp học mở ở bãi Ngựa (nay thuộc phường Thọ Sơn), sau địch cấm tập trung đông người nên phải phân tán thành nhiều lớp nhỏ về các phố. Thực hiện mục tiêu đấu tranh của Đảng trong thời gian này là đòi quyền dân sinh, dân chủ, các tổ trong Hội ái hữu công nhân đã đấu tranh với chủ đòi tăng lương, không được đánh đập, cúp lương công nhân và truyền tay nhau đọc các báo chí công khai của Đảng. Những hoạt động của Đoàn thanh niên Dân chủ Việt Trì thời kỳ này đã có ảnh hưởng khá sâu rộng tới các xã trên địa bàn, góp phần thức tỉnh nhiều người dân yêu nước trước vận mệnh dân tộc.Khi phong trào đang trên đà phát triển thì tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ đã ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến Việt Nam. Thực dân Pháp thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo; đồng thời ban bố lệnh tổng động viên, ra sức bắt người, cướp của tại chỗ để cung cấp cho cuộc chiến tranh đế quốc mà chúng đang theo đuổi.Trước tình hình đó, tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định), chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận phản đế), các đoàn thể cũng mang tên phản đế.Thực hiện chủ trương của Đảng, từ tháng 8-1939 đến cuối năm 1941, nhiều cán bộ Trung ương, Xứ ủy, Khu ủy Đ đã về hai tỉnh Vĩnh Yên và Phú Thọ, trong đó có huyện Hạc Trì để xây dựng cơ sở Đảng và Mặt trận, lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo chủ trương mới của Đảng.Cuối năm 1939, Chi bộ Bạch Hạc - Việt Trì được thành lập, trong đó có 2 đảng viên là Đặng Trần Củng (tức An Quân) và Hà Văn Lăng (tức Việt Hồng) quê ở Bạch Hạc làm việc trong Nhà máy Bột giấy Việt Trì. Hai đảng viên này do cơ sở Đảng ở Vĩnh Yên giác ngộ, kết nạp và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở trong công nhân Nhà máy Bột giấy Việt Trì và đồng chí Lê Quang Ấn (tức Mai Xuân Du) là công nhân kỹ thuật - cán bộ của Đảng được điều về Nhà máy Bột giấy hoạt động. Đến đây, Việt Trì chính thức có cơ sở Đảng, có chi bộ lãnh đạo. Đó là mốc son lịch sử đầu tiên của Đảng bộ thành phố Việt Trì, đồng thời mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ phong trào cách mạng ở địa phương gắn liền với sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, gắn liền với phong trào cách mạng trong tỉnh, trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.Đầu năm 1940, Xứ ủy Bắc Kỳ điều đồng chí Nguyễn Văn Giốc về hoạt động ở Việt Trì, sau đó đồng chí xin vào làm việc tại Nhà máy Bột giấy. Đồng chí đã tập hợp được số đảng viên ở Việt Trì bao gồm đảng viên trong Nhà máy Bột giấy và đảng viên ở Nhà Tằm thành lập chi bộ Đảng độc lập trên cơ sở tách từ Chi bộ Bạch Hạc - Việt Trì. Vì đa số đảng viên đều làm việc ở Nhà máy Bột giấy nên thường gọi là Chi bộ Nhà máy giấy Việt Trì do đồng chí Nguyễn Văn Giốc làm Bí thư.Cùng trong thời gian này, một số địa phương khác trong tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được cơ sở cách mạng, các tổ chức phản đế. Để thống nhất chỉ đạo, quy tụ các cơ sở Đảng, các cơ sở quần chúng trong tỉnh về một mối lãnh đạo, tháng 3/1940, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban cán sự tỉnh Phú Thọ (Tỉnh ủy lâm thời), gồm 5 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Giốc, Bí thư chi bộ Nhà máy Bột giấy Việt Trì được Xứ ủy chỉ định làm Ủy viên Ban cán sự tỉnh Phú Thọ, trực tiếp phụ trách khu vực Việt Trì. Từ đây, mọi hoạt động của các cơ sở Đảng và phong trào cách mạng của tỉnh Phú Thọ nói chung, trong đó có Việt Trì đều dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự tỉnh.

TK

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201911/dang-bo-thanh-pho-viet-tri-nhung-moc-son-qua-80-nam-tiep-167744