Đảng bộ tỉnh đổi mới phương thức lãnh đạo trong công tác cán bộ

* NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Qua hơn 25 năm từ ngày tái lập tỉnh, cùng với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, Bình Phước đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 25 năm qua là giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước, nhất là trong công tác cán bộ.

Khi mới tái lập, toàn tỉnh chỉ có 15 đơn vị cấp tỉnh với “3 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, 5 Ban cán sự đảng, 2 cơ quan hành chính, 4 doanh nghiệp nhà nước địa phương, 1 doanh nghiệp Trung ương, 5 đảng bộ huyện với 8.200 đảng viên”1. Đứng trước những thách thức đầy khó khăn, Đảng bộ tỉnh đã tập trung mọi lực lượng, nhanh chóng ổn định tư tưởng, tổ chức, bố trí cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để các cơ quan sớm ổn định đi vào hoạt động. Cùng với việc ổn định tổ chức bộ máy và cơ sở làm việc, lãnh đạo chính quyền các cấp phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy đã tập trung, coi công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Ngày 8-1-2007, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 10/CTr/TU về công tác đào tạo cán bộ, thu hút nguồn nhân lực đến năm 2010. Đáng tiếc, rất nhiều cán bộ khi được hưởng chính sách đào tạo, thu hút của tỉnh thay vì suy nghĩ để nêu ra chương trình hành động; rèn luyện đạo đức, tác phong, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi lý luận chính trị thì lại bày mưu tính kế, tập hợp nhóm lợi ích, phân chia quyền lợi, đục khoét ngân sách đất nước. Thứ họ thiếu lớn nhất để trở thành một cán bộ có tâm, có tầm, hết lòng vì nước, vì dân chính là lòng tự trọng.

Đứng trước những nguy cơ và thách thức, ngày 21-5-2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh cho sát với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ sau hơn 10 năm tái lập, toàn tỉnh đã có “17.675 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó khối Đảng, đoàn thể là 798 người, khối nhà nước là 16.877 người; so với khi mới tái lập, cán bộ, công chức, viên chức tăng 149%; trình độ chuyên môn sau đại học chiếm 0,34%, đại học, cao đẳng chiếm 48,9%, trung cấp, chuyên nghiệp chiếm 43,57%; sơ cấp và chưa qua đào tạo chiếm 7,19%. Về trình độ lý luận chính trị, cử nhân và cao cấp chiếm 2,86%; trung cấp chiếm 4,27%; chưa qua đào tạo chiếm 92,87%”2.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước đã tạo ra thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn đan xen. Nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung giải quyết, khắc phục để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Do đó, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh cùng với các đảng bộ trực thuộc tỉnh càng trở nên quan trọng, trong đó có đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Từ góc nhìn cán bộ là “cái gốc của mọi công việc” trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Đề án 999 để có cơ chế về quản lý cán bộ đúng đắn và đánh giá cán bộ một cách chính xác; tạo tiền đề cho sự lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, loại bỏ được những yếu tố không lành mạnh, thiếu khách quan, vụ lợi trong công tác cán bộ.

Trong công tác cán bộ, đảng bộ các cấp không chỉ lãnh đạo, đề ra chủ trương, mà còn phải chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ trong Đảng, trong các tổ chức của hệ thống chính trị và các tổ chức khác. Công tác cán bộ của Đảng không chỉ đơn thuần là việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ hiện có, mà còn là việc tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; không chỉ phục vụ yêu cầu về cán bộ cho nhiệm vụ trước mắt, mà còn chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho lâu dài; không chỉ giới hạn trong đội ngũ cán bộ của Đảng, mà phải đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là nhiệm vụ trọng tâm.

Đảng bộ tỉnh nhận định tham nhũng không chỉ là tiền của, vật chất mà còn tham nhũng thời gian, đây là sự lãng phí vô hình rất khó nhìn thấy. Xác định đổi mới công tác cán bộ là vấn đề cấp bách, là yêu cầu khách quan của sự phát triển cách mạng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: “Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, thị xã, thành phố không là người địa phương và hoàn thành ở cấp xã, phường, thị trấn; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định… và những nội dung khác về công tác tổ chức, cán bộ”3. Đặc biệt, giữa đổi mới hệ thống chính trị, cải cách thể chế và đổi mới kinh tế, rất nhiều địa phương, trong đó có Bình Phước chưa có sự đồng bộ. Vì vậy, hiệu quả lãnh đạo đối với tiến trình phát triển của đất nước còn hạn chế.

Những thách thức đặt ra trong công tác cán bộ của tỉnh Bình Phước trước bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ với làn sóng mới nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là đội ngũ cán bộ đã bộc lộ những thiếu hụt và chưa bắt kịp trong năng lực lãnh đạo, quản lý và điều hành tiến trình đổi mới kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị, cũng như trong trách nhiệm giải trình trước nhân dân và cấp ủy. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chúng lợi dụng triệt để các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII nêu rõ: Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Nghị quyết cũng chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu có nguy cơ phạm phải, như duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác; chỉ tập trung những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình... Đứng trước những tồn tại đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ trong thời gian tới như:

Công tác cán bộ của Đảng là toàn bộ các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền nhằm phát huy cao nhất mọi tiềm năng nhân lực của toàn Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.

Phải xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, của địa phương, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải xuất phát từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, truyền thống yêu nước, đại đoàn kết và gắn bó mật thiết với nhân dân; tập hợp rộng rãi cán bộ, trọng dụng nhân tài, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, dân tộc, tôn giáo, người ở trong hay ngoài tỉnh và các địa phương khác; phải gắn việc xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng tổ chức và đổi mới cơ chế, chính sách với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, thông qua hoạt động thực tiễn nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ. Phải dựa vào nhân dân để phát hiện, kiểm tra và giám sát cán bộ.

Tỉnh ủy lãnh đạo toàn diện về quan điểm, chiến lược, đường lối, chủ trương, chính sách, xây dựng chiến lược cán bộ, quy định tiêu chuẩn cán bộ, ban hành các quy chế, quy định về cán bộ và công tác cán bộ thống nhất trên toàn địa bàn.

Đảng ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện công tác cán bộ theo phân cấp quản lý; tổ chức để các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phát hiện, kiểm tra và giám sát cán bộ; khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học; chú ý sơ kết, tổng kết, phát triển lý luận về công tác cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.

(Còn nữa)

1Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước 1930-2020, Tr422

2Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước 1930-2020, Tr500-501

3Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/133575/dang-bo-tinh-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-trong-cong-tac-can-bo