Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – 90 năm xây dựng và phát triển (bài 3)

Bài 3: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 – 1954)

Sau cách mạng Tháng Tám, Lạng Sơn là một trong những tỉnh đầu tiên của nước ta bị quân Tưởng và bè lũ tay sai tới sớm nhất, hòng triển khai mưu đồ tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động đánh đổ chính quyền Nhân dân, lập ngụy quyền tay sai của chúng.

Những ngày đầu giành chính quyền

Cuộc Tổng khởi nghĩa của ta vừa thắng lợi thì cũng là lúc 20 vạn quân Tưởng cùng bè lũ tay sai tràn vào nước ta dưới danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật. Đi tới đâu chúng tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam rất trắng trợn và thâm độc. Chính quyền cách mạng từ trung ương tới địa phương vừa mới thành lập đã bị chúng uy hiếp rất nghiêm trọng. Bọn chúng cung cấp vũ khí cho bọn tay sai phản động đánh phá cách mạng.

Ở Lạng Sơn, ngày 26/8/1945, một ngày sau khi lực lượng cách mạng của tỉnh giành được chính quyền ở thị xã, những cánh quân đầu tiên của Tưởng Giới Thạch theo đường Đồng Đăng đã vào tới thị xã. Theo sau cánh Tưởng là bè lũ tay sai với danh nghĩa của hai tổ chức Việt quốc và Việt cách. Bọn chúng với ý đồ dựa dẫm, lợi dụng áp lực của Tưởng để đánh bật chính quyền cách mạng của ta, thiết lập chính quyền bù nhìn làm tay sai đắc lực cho phản động. Với ý đồ nham hiểm đó, vừa đặt chân tới Lạng Sơn, bọn chúng đã tiến hành hàng loạt hành động phá hoại gây rối trật tự trị an ở khu vực thị xã và các thị trấn: Đồng Đăng, Na Sầm, Thất Khê…

Trước tình hình đó, Đảng ta đề ra sách lược “Hòa để tiến”, tránh xung đột và giao thiệp thân thiện với quân Đồng Minh, tranh thủ thời gian củng cố xây dựng chính quyền nhân dân. Vấn đề đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chống nạn đói, đoàn kết dân tộc và củng cố căn cứ địa cách mạng Cao – Bắc – Lạng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ… là những việc Đảng và Bác Hồ quan tâm, chỉ đạo và được Lạng Sơn thực hiện tốt.

Đầu năm 1946, đất nước ta có những biến động lớn. Ngày 28/2/1946, được hỗ trợ của Đế quốc Mỹ, thực dân pháp đã ký với Tưởng hiệp ước mua bán tại Trùng Khánh (Hiệp ước Hoa – Pháp). Theo hiệp ước này, Pháp được quyền đem quân thay chân quân Tưởng ở Bắc Đông Dương, bù lại, Pháp trả cho Tưởng các tô giới Pháp ở Trung Quốc và đường xe lửa Vân Nam, miễn thuế hàng hóa của Tưởng qua cảng Hải Phòng…

Đứng trước tình hình thực dân Pháp điều quân trở lại chiếm đóng nước ta một lần nữa, ngày 6/3/1946, Chính phủ ta ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ, đặt cơ sở cho việc đàm phán đi đến một hiệp ước chính thức. Theo Hiệp định sơ bộ, ngày 7/7/1946, quân Pháp kéo tới chiếm đóng thị xã Lạng Sơn, một trong những nơi đã được hai bên thỏa thuận cụ thể. Lực lượng của chúng gồm: trung đoàn viễn chinh với 200 lính chiến, 250 xe quân sự, 8 khẩu đại pháo 105 và 76 ly…

Cũng thời kỳ này, thấy trước một cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi sẽ xảy ra, với tầm nhìn xa trông rộng, Bác Hồ đã có những chỉ thị cho Lạng Sơn và trực tiếp cử các phái viên về xây dựng củng cố phong trào. Các phái viên của Chính phủ đã truyền đạt cụ thể những chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ngay từ giữa năm 1946 kịp thời chuẩn bị xây dựng Lạng Sơn thành căn cứ địa kháng chiến của cả nước sau này.

Để tạo điều kiện cần thiết cho việc đối phó với âm mưu và hành động của kẻ địch trước mắt cũng như lâu dài, bên cạnh việc phát huy sử dụng đội ngũ cán bộ người địa phương, tháng 7/1946, Bác Hồ đã cử đồng chí Trần Minh Tước, một cán bộ có trình độ thông hiểu sâu sắc về văn hóa Pháp làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lạng Sơn. Theo chỉ thị của Bác, đồng chí Trần Minh Tước đã có những hoạt động để hạn chế tối đa những hành động của quân Pháp phá hoại chính quyền cách mạng ngay từ khi chúng mới tới đóng ở một số cơ sở tại địa phương.

Cùng cả nước kháng chiến

Chủ tịch hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch biên giới 1950 – Ảnh tư liệu

Chủ tịch hồ Chí Minh họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch biên giới 1950 – Ảnh tư liệu

Cuối năm 1946 thực dân Pháp bắt đầu tiến công Lạng Sơn. Vào hồi 19 giờ ngày 21/11/1946, quân Pháp nổ súng khiêu khích ở khu vực Hang Dê. Do có sự can thiệp tích cực của Ủy ban bảo vệ tỉnh, nên quân Pháp đã phải tạm ngừng khiêu khích. Trước tình hình đó, các cơ quan của tỉnh đã nhanh chóng rút ra khỏi thị xã, về căn cứ Ba Xã (Điềm He) để tổ chức chỉ đạo kháng chiến lâu dài.

Do cuộc chiến không cân sức, để bảo toàn, giữ gìn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài, ngày 21/11, quân ta rút khỏi thị xã với sự tiếp viện, giúp sức của các đội vũ trang ở Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Uyên, lập phòng tuyến trên đường số 1 và số 4. Tình thế này buộc địch phải thả dù tiếp tế cho binh lính đóng trong thị xã.

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1946, hòa cùng khí thế kháng chiến của cả dân tộc, quân và dân Lạng Sơn anh dũng bước vào trận chiến đấu chống quân thù xâm lược với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Giữa năm 1947, toàn tỉnh hình thành hai vùng chiến lược theo hình thái các khu căn cứ liên hoàn với nhau từ Bình Gia, Bắc Sơn, Bằng Mạc, Điềm He cho đến Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Đến cuối năm 1947, các căn cứ du kích của tỉnh bắt đầu được xây dựng ở Chi Lăng (Lộc Bình), Ba Sơn (Cao Lộc).

Chiến thắng Bông Lau ngày 30/10/1947 mở đầu cho hàng loạt những trận đánh oanh liệt của quân và dân ta trên mặt trận đường số 4, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân trong tỉnh.

Bước sang năm 1948, địch thay đổi chiến lược, ta vẫn liên tiếp giành nhiều chiến công, mở đầu thời kỳ thi đua giết giặc lập công.

Tháng 7/1949, Ban Chỉ đạo kháng chiến tỉnh Lạng Sơn được kiện toàn, gồm các đồng chí: Hoàng Văn Kiểu – Bí thư Tỉnh ủy, Lê Huyền Trang – Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh và đồng chí Phan Mạnh Cư – Thường trực Tỉnh ủy. Ban Chỉ đạo kháng chiến các huyện dọc đường số 4 là Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Uyên, Thoát Lãng và Tràng Định được kiện toàn.

Ngày 16/9/1950, Chiến dịch Biên giới bắt đầu, quân ta nổ súng tấn công tiêu diệt đồn Đông Khê, mở màn giành thắng lợi cho chiến dịch. Ta liên tiếp chủ động tiến công tiêu diệt địch trên toàn bộ tuyến đường số 4.

Ngày 10/10/1950, địch rút khỏi Thất Khê, huyện Tràng Định được giải phóng. Ngày 13/10/1950, địch rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, hai huyện Văn Uyên, Thoát Lãng được giải phóng. Ngày 17/10/1950, địch rút khỏi thị xã Lạng Sơn, Cao Lộc, thị xã Lạng Sơn, huyện Cao Lộc được giải phóng. Đêm 30 rạng sáng ngày 31/10/1950, quân ta tiến vào tiếp quản Đình Lập. Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng và trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1951, Tỉnh ủy phát động phong trào “Toàn dân khuyến khích vận động thanh niên tòng quân”. Kết quả toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu chuyển giao 1 trung đoàn bộ đội chủ lực cho Bộ Tư lệnh Quân khu I.

Nhằm chi viện cho tiền tuyến, hướng tới chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Lạng Sơn đã thi hành triệt để Sắc lệnh thuế nông nghiệp, kịp thời ủng hộ lương thực cho Nhà nước. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, rất nhiều chiến sĩ của tỉnh đã tham gia chiến dịch, lập nhiều chiến công, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch (7/5/1954).

(Còn nữa)

[Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – 90 năm xây dựng và phát triển (Bài 2)]

T.S

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/dang-bo-tinh-lang-son-90-nam-xay-dung-va-truong-thanh/583789-dang-bo-tinh-lang-son-90-nam-xay-dung-va-phat-trien-bai-3.html