Đảng bộ tỉnh lãnh đạo phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới

(Tiếp theo kỳ trước)

NGUYỄN HỒNG TRÀ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã dành nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Hệ thống thương mại toàn tỉnh hiện có 58 chợ, 60 trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Thương mại điện tử (TMĐT) cũng có những bước phát triển tích cực. Đến nay, có 3 đơn vị đăng ký cung cấp dịch vụ TMĐT trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thương mại biên giới chủ yếu qua 2 cửa khẩu chính là Hoàng Diệu và Lộc Thịnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 440 triệu USD, nhập khẩu đạt 1.215 triệu USD. Thị trường hàng hóa của tỉnh ngày càng đa dạng phong phú, các loại hình dịch vụ gắn liền với lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống thương mại, TMĐT và thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh vẫn chưa bắt kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đời sống nhân dân. Kết cấu hạ tầng thương mại còn yếu và thiếu các loại hình thương mại hiện đại. Đa số mặt hàng xuất khẩu qua biên giới được thực hiện từ doanh nghiệp và hàng hóa ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, vai trò quan trọng của thương mại cần được quan tâm phát huy mạnh mẽ và chủ động hơn nữa trong phát triển KT-XH, bảo đảm đời sống nhân dân.

Vai trò thương mại trong phát triển KT-XH

Hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và các địa phương có nhiều mặt giảm đáng kể so với tình hình chung của cả nước. Từ đó kéo theo nhiều vấn đề như chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; chế độ, chính sách để thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển còn hạn chế, chưa phát huy hết nguồn lực khoa học - công nghệ của tỉnh và thế mạnh của các địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch gặp nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Trong thời gian tới, để phát triển hệ thống thương mại, TMĐT, thương mại biên giới của tỉnh trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, kịp thời phục vụ phát triển KT-XH và đời sống của nhân dân, tập trung vào các lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh…, yêu cầu đảng bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục lãnh đạo, tăng cường xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh phát triển nhanh, bền vững, giữ vững hòa chung cùng kinh tế khu vực Đông Nam Bộ và của cả nước…

Mục tiêu của tỉnh đề ra: Phấn đấu đến năm 2025, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đạt khoảng 79.235 tỷ đồng; thương mại hiện đại chiếm khoảng 25%; giao dịch qua kênh TMĐT chiếm 5%; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu biên mậu đạt khoảng 13,3%; tăng trưởng tổng kim ngạch nhập khẩu biên mậu đạt khoảng 11%. Đến năm 2030, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 151.000 tỷ đồng; thương mại hiện đại chiếm khoảng 35%; giao dịch qua kênh TMĐT chiếm 10%; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu biên mậu đạt khoảng 12,5%; tăng trưởng tổng kim ngạch nhập khẩu biên mậu đạt khoảng 10,2%.

Phát triển thương mại đi vào chiều sâu

Những năm qua, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp, trước hết là cơ quan hành chính của tỉnh đã có sự điều chỉnh theo hướng quản lý nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nội dung và phương thức lãnh đạo của đảng bộ các cấp có bước đổi mới, vừa bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng vừa phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền, nhất là cấp cơ sở cũng đang bộc lộ nhiều yếu kém chưa thật trong sạch, vững mạnh; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn xảy ra, chưa được ngăn chặn triệt để; kỷ cương xã hội có lúc, có nơi còn bị buông lỏng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Quản lý của chính quyền các cấp chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ mới… Có nhiều nguyên nhân gây nên những yếu kém của hệ thống chính trị, của bộ máy chính quyền, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế là nhiệm vụ mới mẻ, hiểu biết của cấp cơ sở còn hạn chế, có nhiều việc phải vừa làm vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, một số tổ chức đảng chưa làm tốt việc lãnh đạo cụ thể hóa nghị quyết của đảng bộ cấp trên về xây dựng chính quyền để có chủ trương kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đổi mới, đặc biệt là những vấn đề nổi lên ngày càng bức xúc, như: tình trạng quan liêu, lãng phí, tham nhũng, thiếu trách nhiệm trong bộ máy công quyền do thiếu những biện pháp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương kiên quyết, hợp lý và đủ mạnh để tạo chuyển biến tích cực nhằm khắc phục những khuyết điểm, yếu kém…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Tỉnh ủy yêu cầu đảng bộ các cấp trong thời gian tới tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (ban hành kèm theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số… và các văn bản có liên quan. Qua đó nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội về quan điểm của tỉnh phát triển thương mại phải nhanh, đi vào chiều sâu, phù hợp với quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát xây dựng kế hoạch đầu tư mới, duy tu, sửa chữa, nâng cao khả năng khai thác các hạ tầng thương mại quan trọng đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu của tỉnh. Tập trung chỉ đạo phát triển đồng bộ, đa dạng các loại hình hạ tầng thương mại, các phương thức, hình thức tổ chức kinh doanh thương mại, dịch vụ, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn; áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành. Phát triển chợ đầu mối nông sản gắn với hình thành các trung tâm dịch vụ logistics; phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn các trung tâm kinh tế, đầu mối vận tải, phát triển kho thương mại gắn với các khu, cụm công nghiệp, cửa khẩu; đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn đạt chuẩn theo quy định…

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại, TMĐT và thương mại biên giới, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường trong tỉnh trên nguyên tắc tôn trọng quy luật vận hành của thị trường. Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính để bãi bỏ, thay thế hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ, thay thế các loại giấy tờ, thủ tục không còn phù hợp nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh thương mại, dịch vụ, thông quan…, nhất là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể tháo gỡ khó khăn, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của tỉnh để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ, hình thành các chuỗi phân phối, cung ứng sản phẩm sản xuất tại tỉnh; đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng TMĐT, các giải pháp giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và xây dựng trang web TMĐT, xây dựng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng số hóa, bao gồm: hóa đơn điện tử, tem điện tử, chứng từ xuất kho điện tử và các chứng từ thương mại khác. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý, khai thác, giao dịch thông qua các ứng dụng TMĐT cho người tiêu dùng và doanh nghiệp…

Tăng cường phối hợp, gặp gỡ trao đổi, hợp tác giữa chính quyền và cơ quan quản lý thương mại biên giới của tỉnh với các tỉnh biên giới phía Campuchia; liên hệ, tạo mối quan hệ đồng thuận thông qua các cuộc họp, gặp gỡ thân mật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giao thương qua lại các cửa khẩu của tỉnh. Triển khai có hiệu quả Biên bản ghi nhớ với chính quyền các tỉnh phía Campuchia; thường xuyên thông tin về thị trường của mỗi bên, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp 2 bên tiếp cận, nắm bắt nhu cầu thị trường, đẩy mạnh các hoạt động giao thương phát triển thương mại biên giới. Khuyến khích xuất nhập khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phục vụ hoạt động chế biến, sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh trong lĩnh vực đầu tư nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, kinh nghiệm, liên kết để khai thác hiệu quả hơn thị trường trong nước và xuất khẩu.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/139259/dang-bo-tinh-lanh-dao-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-thuong-mai-bien-gioi