Đảng bộ tỉnh Tiền Giang: Những thành tựu to lớn qua 95 năm

Cùng với cả nước, trong suốt 95 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Đảng bộ tỉnh Tiền Giang đã lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử đối với địa phương nói riêng, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam nói chung. 1. Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, Gò Công lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân (1930 - 1945)

Tháng 4-1930, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Mỹ Tho thành lập, trở thành tổ chức lãnh đạo duy nhất phong trào cách mạng trong tỉnh. Từ khi thành lập đến năm 1945, Đảng bộ Mỹ Tho, Gò Công lãnh đạo nhân dân qua nhiều giai đoạn: Cao trào ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931); đấu tranh bảo vệ Đảng (1932 - 1935); đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ (1936 - 1939), khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (1941 - 1945).

Nhân dân TP. Mỹ Tho mừng chiến thắng.

Nhân dân TP. Mỹ Tho mừng chiến thắng.

Hơn 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào cách mạng ở Mỹ Tho, Gò Công diễn ra liên tục, sôi nổi, song cũng bị khủng bố tổn thất nặng nề. Giai đoạn 1930 - 1935, thực dân Pháp khủng bố trắng, cơ sở Đảng ở Nam kỳ bị nhiều thiệt hại, trong đó có Gò Công. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) ở Mỹ Tho diễn ra mạnh mẽ.

Trong đó, nổi bật nhất là phong trào Đông Dương Đại hội, hầu hết các làng đều thành lập Ủy ban Vận động Đông Dương Đại hội, hàng ngàn đơn thỉnh nguyện, đơn tố cáo tội ác của những tên gian ác gửi đến Đông Dương Đại hội bằng nhiều cách khác nhau, thông qua các nhà báo tiến bộ đang tác nghiệp ở Sài Gòn, tổ chức mít tinh, biểu tình. Đây là đợt hoạt động công khai, hiệu quả và có tiếng vang lớn của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho.

Để cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940 giành thắng lợi, Đảng bộ chỉ đạo xây dựng Lực lượng vũ trang, thành lập Ban Chỉ huy Quân sự từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 12-8-1940, tại xã Long Hưng, quận Châu Thành, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Mỹ Tho thành lập.

Mỹ Tho là tỉnh thành lập Lực lượng vũ trang và Ban Chỉ huy Quân sự các cấp sớm nhất trong cả nước. Thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho thiết kế lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh, lúc ấy là lá cờ để Mặt trận hiệu triệu toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên treo trên ngọn cây bàng ở đình Long Hưng, khi chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho thành lập và chọn đình Long Hưng làm trụ sở.

Trước cổng đình Long Hưng lần đầu tiên xuất hiện quốc hiệu: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc. Chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho lần đầu tiên thực hiện thiết chế của một chính quyền dân chủ cộng hòa, như: Chia ruộng cho nhân dân; tịch thu lúa của địa chủ chia cho dân nghèo, lập Tòa án để xử những tên ác ôn... Sau khởi nghĩa, phong trào cách mạng ở Mỹ Tho bị đàn áp đẫm máu, nhưng thành tựu mà cuộc khởi nghĩa năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho để lại cho dân tộc ta là vô giá.

Ngày 25-10-1943, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tổ chức tại xã Tân Thuận Bình, quận Chợ Gạo khôi phục lại Xứ ủy (Xứ ủy Tiền Phong). Đầu năm 1945, một số đồng chí khác trốn khỏi nhà tù thực dân về quận Châu Thành thành lập Xứ ủy Nam kỳ (Xứ ủy Giải Phóng).

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương về việc các Đảng bộ ở Nam kỳ phải đoàn kết lại và thống nhất, các đồng chí trong 2 Tỉnh ủy đồng ý thống nhất và có nhiều đóng góp cho việc thống nhất 2 Xứ ủy.

Đêm 17-8-1945, đồng chí Dương Khuy, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập cuộc họp bàn khởi nghĩa giành chính quyền. 4 giờ ngày 18-8-1945, quân khởi tiến vào thị xã Mỹ Tho phối hợp với lực lượng thị xã chiếm các mục tiêu đã định. Việc tiến chiếm các cơ sở của quân Nhật diễn ra nhanh chóng.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Mỹ Tho giành thắng lợi hoàn toàn từ tỉnh đến cơ sở. Ở tỉnh Gò Công, ngày 22-8, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân nổi dậy giành chính quyền trên toàn tỉnh Gò Công.

2. Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công, TP. Mỹ Tho lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống quân Pháp, quân Mỹ xâm lược (1945 - 1975)

Ngày 15-10-1945 tại xóm Cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo (nay là TP. Mỹ Tho), Xứ ủy Nam bộ tổ chức hội nghị bàn chủ trương kháng chiến chống quân Pháp tái xâm lược. Hội nghị quyết định: Thống nhất 2 tổ chức Đảng: Giải phóng và Tiền Phong để lãnh đạo kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến, kêu gọi nhân dân rời thị xã, thị trấn vào bưng biền kháng chiến... Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

Đảng bộ lãnh đạo xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6-1-1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới, tổ chức toàn dân tham gia kháng chiến chống quân Pháp xâm lược; trấn áp các thế lực phản động, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; vận động toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến và tự lực kháng chiến đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách giành thắng lợi, tiêu biểu như: Trận Giồng Dứa (ngày 25-4-1946), trận Cổ Cò (ngày 22-1-1947).

Trong kháng chiến, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho đề ra chủ trương “trang trải ruộng đất” được địa chủ vừa và nhỏ hưởng ứng. Thành công của chủ trương “trang trải ruộng đất” chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, tạo tiền đề xây dựng cơ sở xã hội vững chắc ở nông thôn để nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến, bảo vệ độc lập dân tộc.

Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho, Gò Công vận dụng linh hoạt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của quân Pháp trong chiến dịch Đông - Xuân (1953 - 1954). Trong 1 đêm, Gò Công bao vây bức rút hơn 30 đồn bót, góp phần vào thắng lợi chung ở tỉnh Mỹ Tho, Gò Công trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.

Trong 21 năm chống Mỹ, nhân dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công kiên quyết bám trụ, liên tục tiến công, từ đấu tranh chính trị tiến lên chiến tranh cách mạng, kết hợp tiến công và nổi dậy nên giành nhiều thắng lợi, như: Đồng khởi năm 1960, Chiến thắng Ấp Bắc (ngày 2-1-1963), mở mảng chuyển vùng năm 1963, Chiến thắng Ba Rài (ngày 15-9-1967), Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến thắng Xuân Hè năm 1972…

Trong khí thế cách mạng tiến công trên toàn miền, quân và dân Mỹ Tho, Gò Công tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà ngày 30-4-1975. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho, Gò Công góp phần cùng nhân dân cả nước quét sạch quân xâm lược khỏi đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

(còn tiếp)

TS. LÊ VĂN TÝ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202501/tien-toi-ky-niem-95-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-3-2-1930-3-2-2025-dang-bo-tinh-tien-giang-nhung-thanh-tuu-to-lon-qua-95-nam-1032551/