Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa: Lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Trên cơ sở các định hướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết Trung ương khóa XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; đồng thời, có sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị trong tỉnh, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phát huy những thuận lợi, khắc phục các khó khăn, tập trung lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giai đoạn 2015-2020.
TS Thịnh Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trao Giấy Chứng nhận hoàn thành Chương trình Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của huyện Hoằng Hóa, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 2021 – 2026.
Với phương châm rõ về chức năng, nhiệm vụ, rõ về phương thức phối hợp và rõ về cách thức để huy động nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhà trường tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện thể chế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiêu biểu là các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Trường Chính trị tỉnh, các đề án, kế hoạch, chỉ tiêu về đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, nhiệm vụ của Nhà trường được cụ thể hóa, chủ động trong việc phối hợp với các ngành, địa phương trong công tác đào tạo cán bộ của tỉnh.
Đảng bộ lãnh đạo cải tiến nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm “rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng, phù hợp với thực tiễn”; chú trọng cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn, bổ sung cập nhật tình hình, nhiệm vụ địa phương Thanh Hóa vào chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính. Phương thức mở lớp được đa dạng hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa, vừa nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức của các địa phương, đơn vị.
Đảng bộ, các chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo các khoa chuyên môn duy trì, thực hiện nghiêm túc các biện pháp đổi mới phương pháp dạy và học để phát huy tính tích cực, chủ động và nâng cao ý thức tự giác trong tự học, tự nghiên cứu của học viên. Các bước, quy trình lên lớp được thực hiện nghiêm túc, tạo được đột phá trong đổi mới phương pháp, đánh giá chất lượng dạy - học. Tích cực đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị trong đánh giá, nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của cán bộ, tạo bước chuyển biến về chất lượng nguồn lực cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.
Giai đoạn 2015-2020, quy mô đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường tăng mạnh, bình quân mỗi năm khoảng 120 lớp với 12.000 học viên, gấp 1,2 lần so với giai đoạn 2010-2015 và gấp 1,2 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ VII đề ra. Trong đó, đặc biệt là phối hợp với các huyện, thị, thành ủy tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện (gồm 8 lớp với 993 học viên, bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã gồm 109 lớp với 12.653 học viên; 27 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026; 150 chỉ tiêu Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào). Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có sự chuyển biến rõ nét cả về nhận thức lý luận và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và công tác thực tiễn cho học viên các ngành học; kết quả rèn luyện, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác của học viên được nâng lên toàn diện.
Với phương châm “Xã hội hóa nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn” và “sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất được giải pháp”, các hoạt động nghiên cứu khoa học được phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình; các khâu quy trình từ đăng ký, thẩm định, giao nhiệm vụ… được chú trọng. Mục tiêu, nội dung nghiên cứu được định hướng rõ ràng; cơ chế, chính sách, môi trường nghiên cứu được quan tâm đã tạo được động lực, phong trào thi đua nghiên cứu khoa học ở đông đảo cán bộ, giảng viên và học viên.
Kết quả là Trường Chính trị tỉnh là trường duy nhất trong hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh được Bộ Nội vụ tin tưởng giao Đề tài thẩm định 04 chương trình bồi dưỡng (chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên, chuyên viên chính, cán sự). Tổ chức nghiên cứu 08 đề tài khoa học cấp tỉnh, 10 nhiệm vụ khoa học cấp trường. Đặc biệt, Đề tài “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa hiện nay” do Nhà trường tổ chức nghiên cứu đã đạt giải B Giải thưởng khoa học của tỉnh Thanh Hóa (không có giải A). Phối hợp tổ chức thành công 02 hội thảo khoa học cấp bộ; 06 Hội thảo khoa học cấp tỉnh; tổ chức thành công 12 hội thảo khoa học cấp trường, hàng trăm hội thảo chuyên đề, tọa đàm gắn với mô hình các lớp đào tạo tập trung, không tập trung, các lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính. Tổng kết 12 vấn đề thực tiễn tỉnh giao. Phát hành Tập san “Nghiên cứu lý luận và thực tiễn” phục vụ lãnh đạo, quản lý đến cán bộ cơ sở 2.500 cuốn/số/quý, có chất lượng tốt. Biên tập và phát hành trên 20 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo phục vụ nghiên cứu, dạy - học và công tác lãnh đạo, quản lý.
Bên cạnh đó, Đảng bộ đã lãnh đạo việc xây dựng cơ quan một cách toàn diện, lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan; xây dựng cơ quan văn hóa, an toàn, làm chủ; tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện tốt Chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ Trường (khóa VII) về “Xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, kiểu mẫu”. Bổ sung, hoàn thiện các quy chế nội bộ, quán triệt thực hiện các quy định về tăng cường, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành và thực hiện mọi hoạt động của Nhà trường đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật; đảm bảo về chế độ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, giảng viên, học viên; đảm bảo kỷ cương, nề nếp, xây dựng môi trường giáo dục giàu tính Đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật đã được tỉnh đầu tư và xã hội hóa; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, viên chức. Quan tâm việc nâng cao đời sống cán bộ, viên chức trên cơ sở tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để tăng thu nhập và thông qua hoạt động mở lớp, giảng dạy ngoài nghĩa vụ và hoạt động dịch vụ. Nhà trường đã phối hợp với các huyện, thị, thành ủy và Trung tâm Chính trị huyện trong xây dựng tác phong, hình ảnh cán bộ, giảng viên, học viên dạy - học Lý luận chính trị. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, giảng viên Nhà trường trong thực thi nhiệm vụ theo định hướng: nghiêm về giờ giấc; đẹp về trang phục; chuẩn trong phát ngôn; đúng mực trong ứng xử và sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học. Xây dựng tác phong học tập rèn luyện theo quy định 3 không, 3 có (3 không: không vào lớp muộn, về sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học; 3 có: có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học). Qua đó, rèn tác phong, xây dựng hình ảnh người cán bộ, giảng viên và học viên trường Đảng.
Sang nhiệm kỳ 2020-2025, với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, nêu gương, sáng tạo, phát triển", Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh xác định: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy giá trị truyền thống của Nhà trường; đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào thi đua 5 tốt “Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt”; tiếp tục xử lý hài hòa 5 mối quan hệ: (1) Đổi mới, ổn định và phát triển; (2) Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ; (3) Giữa quy mô và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; (4) Giữa đào tạo - bồi dưỡng với nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; (5) Giữa đổi mới Nhà trường với sự phát triển của tỉnh, các địa phương, đơn vị trong tỉnh và các trường trong hệ thống; hiện thực hóa mô hình Nhà trường 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới; góp phần đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất, lãnh đạo tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay, trọng tâm là:
- Chủ động tổng kết lại công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương rà soát, đánh giá đúng thực trạng, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là các cấp cơ sở để xây dựng Đề án và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2020-2025. Coi trọng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho học viên cả về nhận thức lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, coi trọng việc giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, tác phong chuẩn mực, phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ học viên.
- Tiếp tục đổi mới và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm: Cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại. Đảm bảo cân đối về quy mô đào tạo tập trung và không tập trung. Đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng; phối hợp tổ chức có hiệu quả các lớp bồi dưỡng theo Quy định số 1254 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, công tác quản lý, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên. Đề cao tinh thần trách nhiệm của Ban Giám hiệu, trưởng, phó các khoa, phòng và cán bộ, giảng viên trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng học tập của học viên. Kiên quyết khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, học đối phó, học cốt để lấy bằng, lấy chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ.
- Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; phối hợp với các ban, sở, ngành tham mưu xây dựng các đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
Thứ hai, lãnh đạo tiếp tục phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, trọng tâm là:
- Tiếp tục chủ động đề xuất và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, các chương trình, đề án, các nhiệm vụ tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tiếp tục biên soạn tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo với chất lượng tốt nhất theo hướng chuyên nghiệp, bổ sung nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, học tập và công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Hóa. Biên soạn tài liệu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp phòng, các chức danh công chức cấp xã và các chương trình bồi dưỡng khác.
- Tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức nghiên cứu khoa học theo phương châm sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện được vấn đề, đề xuất được giải pháp. Phát huy vai trò định hướng, tạo cơ chế, môi trường của Ban Giám hiệu; chủ động đề xuất ý tưởng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên. Nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nguồn lực nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn, đề xuất giải pháp đổi mới quản lý đào tạo, bồi dưỡng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.
Thứ ba, lãnh đạo xây dựng nếp sống văn hóa công sở, môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng. Tiếp tục xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh theo định hướng: nghiêm về giờ giấc; đẹp về trang phục; chuẩn trong phát ngôn; đúng mực trong ứng xử và sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy - học, nâng cao chất lượng giờ giảng, bài giảng. Đối với học viên thực hiện tốt quy định 3 không, 3 có (3 không: không vào lớp muộn, về sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học; 3 có: có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).