Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng tự lực, tự cường, đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh

Ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc là truyền thống đạo lý được hun đúc, hình thành qua mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tự lực, tự cường là tự mình làm, tự mình lo cho mình, không trông chờ, ỷ lại vào người khác, là tự xây dựng nên sức mạnh cho mình, không lệ thuộc vào bên ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tinh thần đó, huy động sức mạnh toàn dân, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn; tiến hành công cuộc đổi mới đất nước với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Hiện nay, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và trên đất nước ta là cuộc chiến chống “giặc vô hình”, với nhiều cam go, thử thách, chưa có tiền lệ, chưa biết lúc nào sẽ kết thúc. Cả hệ thống chính trị và nhân dân ta đang nỗ lực, cố gắng, phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm ngăn chặn, sớm đẩy lùi dịch bệnh. Trong hoàn cảnh chung đó, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng bằng trách nhiệm và tất cả sức lực của mình đã và đang chung tay từng bước ngăn chặn, khống chế dịch bệnh trên địa bàn. Ngay từ lúc dịch bệnh quay trở lại, tỉnh đã chủ động đánh giá nguy cơ, xây dựng các phương án, kịch bản cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Chuẩn bị khá đầy đủ vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, các cơ sở cách ly, điều trị khi có thêm người mắc (F0). Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để chống dịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá các cấp lãnh đạo tỉnh có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: QUANG BÌNH

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá các cấp lãnh đạo tỉnh có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: QUANG BÌNH

Trong công tác chỉ đạo điều hành, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, nhất là cấp tỉnh đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch; thành lập gần 1.200 tổ Covid-19 cộng đồng, gần 100 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ của tỉnh, huyện để kiểm soát người ra, vào địa phương. Khi phát hiện ca F0, các địa phương đã tổ chức truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm và điều trị kịp thời, đặc biệt là nhanh chóng phong tỏa các địa bàn có nguy cơ cao, không để dịch lan rộng. Đồng thời, tăng cường lực lượng tuần tra, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm; hệ thống truyền thông, báo chí, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền; các hoạt động cứu trợ xã hội…

Từ ngày 19-7-2021 đến nay, cùng với các tỉnh trong khu vực Nam bộ, Sóc Trăng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn 20 ngày, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, tốc độ lây lan dịch bệnh được kiềm chế, toàn tỉnh có trên 430 F0, gần 3.000 F1, trên 14.400 F2, số bệnh nhân đã điều trị khỏi là 88 người (đạt tỷ lệ hơn 20% so với số ca bệnh), số tử vong là 7 người (tỷ lệ 1,6%). So với các tỉnh trong khu vực, Sóc Trăng là một trong số ít tỉnh có ca dương tính (F0) tương đối thấp.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, tình hình dịch bệnh tại tỉnh đang được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn phức tạp, khó dự báo, tiềm ẩn ca bệnh trong cộng đồng, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh bất kỳ nơi nào. Do vậy, mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt của tỉnh là tập trung ngăn chặn, chủ động phòng, chống, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục phát huy, tỏa sáng. Cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc với trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ hơn, trước hết là ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 các cấp theo dõi sát sao, chặt chẽ tình hình, chủ động “đi trước một bước” về phương án xử lý tình huống, về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hậu cần… Tăng cường công tác tuyên truyền đến mỗi người dân với thông điệp “ai ở đâu ở yên đó”, không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết; tổ chức các lực lượng chốt chặn tại cửa ngõ ra vào giữa các khu vực trong và ngoài tỉnh, đặc biệt những nơi phong tỏa, cách ly; kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giãn cách xã hội. Nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm và điều trị, hạn chế người bệnh tử vong; tập trung, tăng tốc việc xét nghiệm sàng lọc đối với các khu phong tỏa, nơi có nguy cơ dịch bệnh ở các cấp độ nhằm phát hiện F0, đưa ra khỏi cộng đồng, loại bỏ các chùm ca bệnh, kiểm soát chặt không để xảy ra F0 mới, sớm chuyển địa phương sang trạng thái bình thường mới.

Trong lúc các địa phương trên cả nước phải tập trung phòng chống dịch Covid-19, tinh thần tự lực, tự cường, tự lo cho chính mình có ý nghĩa rất quan trọng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Tỉnh phải chủ động lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn, bản, ấp, tổ dân phố cũng phải lo cho mình; từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe cộng đồng”. Đây là quan điểm rất rõ ràng và cụ thể của người đứng đầu Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh tiếp tục vào cuộc với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, chủ động, linh hoạt ứng phó dịch bệnh; tập hợp, động viên, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đó sẽ là nguồn sức mạnh để chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

LÂM TẤN HÒA

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/dang-bo-va-nhan-dan-soc-trang-tu-luc-tu-cuong-doan-ket-day-lui-dich-benh-50934.html