Đảng bộ xã Ngọc Mỹ: Lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa
Những năm qua, Đảng bộ xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) đã lãnh đạo, thực hiện nghị quyết về phát triển KT-XH, chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế, đưa vào trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế, xây dựng công trình hạ tầng, giao thông, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Đảng bộ xã có 17 chi bộ, trong đó có 13 chi bộ xóm, 1 chi bộ trạm y tế, 1 chi bộ công an, 2 chi bộ trường học với 343 đảng viên. Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ xã lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng có giá trị cao, phát triển sản xuất hàng hóa. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ, dịch vụ trên địa bàn được ưu tiên, tạo nhiều thuận lợi. Xã chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tạo thuận lợi cho người dân sản xuất, thu hút đầu tư tạo việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn”.
Hiện, toàn xã duy trì 316 ha lúa, năng suất 57 tạ/ha, ngô 90 ha, sắn 185 ha, mía trắng 60 ha. Các loại rau màu, cây trồng khác đạt năng suất cao, đạt và vượt kế hoạch hàng năm. Xã định hướng đẩy mạnh trồng cây ăn quả các loại, gồm: Cam, bưởi đỏ, bưởi da xanh với tổng diện tích 120 ha, giá cả ổn định, tập trung nhiều ở các xóm: Mu Biệng, Bưa Sóng, Cầu Phung… Toàn xã có 1.184 con trâu, 445 con bò, trên 2.600 con lợn, 74.000 con gia cầm, trên 1.000 đàn ong. Sản xuất lâm nghiệp được chú trọng, trồng mới rừng thường xuyên, phục hồi nhiều diện tích rừng. Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, từ năm 2020 đến nay, xã tổ chức 3 lớp tập huấn về trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gà, cơ khí. Đồng thời, triển khai các chương trình vay vốn, ủy thác qua các hội, đoàn thể cùng 22 tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa bàn, tổng dư nợ từ Ngân hàng CSXH đạt trên 36 tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT đạt trên 23 tỷ đồng, các kênh tín dụng khác đạt 11 tỷ đồng. Hiện, Công ty hoa quả xanh Hải Hà chuyên chế biến, thu mua, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả tại địa phương. Nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, cho thu nhập cao. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn được duy trì, mở rộng như cơ khí, chế biến thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng… tạo việc làm cho lao động địa phương.
Cùng cán bộ xã thăm mô hình trồng bưởi của bà Bùi Thị Hiệu, xóm Cầu Phung, bà cho biết: "Làm theo định hướng phát triển cây ăn quả có múi của xã, tôi mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cây có múi, phát triển mô hình từ năm 2014, đến nay, khu vườn 3 ha đã có 700 gốc bưởi đỏ, bưởi da xanh. Bên cạnh đó, tôi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi do xã tổ chức, được thăm quan các mô hình nổi bật trong vùng, học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công. Đến nay, mỗi vụ đều cho thu trên 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu nhập mỗi năm đạt trên 150 triệu đồng, đồng thời, gia đình kinh doanh thêm vật liệu xây dựng, kinh tế dư giả, tích cực tham gia các phong trào thi đua, đóng góp tiền của xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế địa phương”.
Từ một xã có xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, nhiều khó khăn, Đảng bộ xã đã từng bước lãnh đạo thay đổi bộ mặt nông thôn. Tại các cuộc họp, các bí thư chi bộ, trưởng xóm vận động người dân thay đổi nhận thức, đóng góp xây dựng quê hương vì lợi ích chung, nhiều hộ đã hiến đất, vật liệu mở rộng các tuyến đường, hàng lang giao thông. Đến nay, đường trục xóm cơ bản được bê tông hóa, cứng hóa, không còn khó khăn như trước, nhất là các xóm khó khăn như Cóc 1, Cóc 2. Xã hiện đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cán đích trong năm 2022. Thu nhập bình quân toàn xã đạt 49,3 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,31%, ANCT - TTATXH trên địa bàn được giữ vững.