Dâng cá trắm khổng lồ tưởng nhớ Tướng công Kiều Công Hãn
Hội đền Gin là lễ hội truyền thống của người dân xã Nam Dương (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) diễn ra vào ngày mùng 8, 9 10 tháng Chạp hàng năm nhằm tưởng nhớ danh tướng Kiều Công Hãn - người hiến kế cho Ngô Quyền bày trận trên sông Bạch Đằng. Ngày 2 đến ngày 4 tháng 1 năm 2020 (8 đến 10 tháng Chạp năm Kỷ Hợi), người dân xã Nam Dương lại nô nức đi hội.
Đền Gin (xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1962.
Ngôi đền là nơi thờ phụng và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với đức Long Kiều linh Thánh Kiều Công Hãn, người đã có công giúp Ngô Quyền đánh thắng quân giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kỳ tự chủ của dân tộc. Sau này, khi nhà Ngô sụp đổ, do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, Tướng công Kiều Công Hãn trở thành một trong 12 sứ quân.
Tương truyền: năm 967, Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm trao binh quyền ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình), với tiềm lực quân sự ngày một lớn mạnh Đinh Bộ Lĩnh liên tục đánh bại Lã Đường ở Tế Giang, Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang…
Khi đó thành Phong Châu (Phú Thọ), nơi Sứ quân Kiều Công Hãn đóng giữ bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh vây hãm. Trong tình thế nguy cấp, Kiều Công Hãn đã đem vài trăm thân binh mở đường máu, thoát vòng vây chạy về phía Nam. Sáng ngày 10 tháng Chạp năm Đinh Mão (967), Kiều Công Hãn chạy đến vùng đất Thượng Hiền. Tại đây Lê Khai và Nguyễn Tấn đã bố trí sẵn lực lượng đón đánh, ông bị thương vừa phải chống trả, vừa tháo chạy. Đến Vũng Lẫm (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực) thì sức đã kiệt, ông quay ngựa trở lại tới thôn An Lũng (xã Nam Dương, huyện Nam Trực). Ông được bà hàng nước tên là Phạm Thị Già cứu giúp, dâng rượu và gỏi cá trắm. Ăn xong ông chạy đến Lũng Kiều, xã Hiệp Luật (nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương) thì kiệt sức và mất tại đây. Sáng hôm sau mối đùn thành mộ che kín khắp người. Nhân dân gọi là mộ thiên táng. Sau khi ông mất, nhân dân bốn xã: Báí Dương, Tang Trữ, Cổ Lũng, Hiệp Luật lập đền thờ ngay trên phần mộ cũ (nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương).
Thời kỳ chống quân giặc Tống xâm lược, vua Lê Đại Hành dẫn quân đi qua đây. Nghỉ đêm, nhà vua mơ thấy Kiều Công Hãn báo mộng phò giá giúp vua đánh giặc Tống. Sau khi đánh thắng giặc Tống xâm lược, nhà vua Lê Đại Hành đã trở lại cho cấp ruộng, sắc phong làm Thành Hoàng. Đến các triều đại phong kiến về sau đều cấp tế điền và tu sửa đền cho khắc bia đá ghi việc, cũng như ban hành Sắc phong “Long Kiều linh thánh”.
Trong lễ hội có tục “tế cá trắm”, ôn lại sự tích nhân dân địa phương đã dâng gỏi các trắm cho tướng công Kiều Công Hãn trước khi hóa thần.
Anh Vũ Văn Ninh (xã Nam Dương, Nam Trực, Nam Định) cho biết: “Người trong xã ăn lễ hội đền Gin có lẽ còn rộn ràng hơn Tết Nguyên đán!”