Đảng cầm quyền Nhật Bản đề nghị Quốc hội thảo luận về việc phong tỏa
Ngày 2/8, ông Hakubun Shimomura, người đứng đầu Hội đồng nghiên cứu chính sách của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản, đã kêu gọi tranh luận tích cực tại Quốc hội về việc sửa đổi luật pháp, nhằm cho phép tiến hành phong tỏa và kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Phát biểu với báo giới, ông Shimomura cho rằng Nhật Bản cần sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống này. Theo ông, có thể các nghị sĩ sẽ không thảo luận ngay điều này tại Quốc hội, song sẽ cần xem xét việc điều chỉnh pháp lý khi cần, xét từ góc độ của người dân.
Ông Shimomura bình luận như trên một ngày sau khi Hiệp hội thống đốc quốc gia nhất trí đề nghị chính quyền trung ương xem xét các cách thức áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát tốt hơn dịch COVID-19 trước những quan ngại ngày một lớn về sự lây lan của biến thể Delta. Tuy nhiên, Thủ tướng Suga Yoshihide dường như chưa muốn áp dụng biện pháp này, cho rằng việc phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng ở nhiều thành phố lớn ở nước ngoài trong năm 2020 có thể “không phù hợp” với Nhật Bản, và vì nó không ngăn chặn được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở các nước trên. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết hệ thống luật pháp hiện nay không cho phép nước này áp đặt biện pháp phong tỏa.
*Tại Libya, nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, Bộ Nội vụ nước này thông báo những người vi phạm lệnh giới nghiêm trong phòng, chống COVID-19 có thể bị phạt 6 tháng tù giam, hoặc phải nộp tiền phạt 200 dinar (khoảng 44 USD) hoặc chịu cả 2 mức phạt này.
Theo bộ trên, quyết định này nhằm bảo vệ mạng sống và sự an toàn của người dân, cũng như ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2.
Libya đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 18h chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau do số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng. Biện pháp này kéo dài trong 2 tuần. Đầu tháng 7, chính phủ nước này cũng đã quyết định đóng cửa biên giới với Tunisia do số ca mắc COVID-19 cao.
Tính đến nay, Libya ghi nhận tổng cộng 253.436 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.548 ca tử vong.