Đắng cay sau 'cơn sốt' đất: Ác mộng sau những giấc mơ hồng
Trong cơn 'sốt đất' quay cuồng, nhiều người lao vào đất với giấc mơ màu hồng.
Họ dồn toàn bộ tài sản, vay mượn người thân, cầm cố tài sản để tạo dòng vốn với ước vọng duy nhất… thành đại gia. Thị trường “đóng băng”, tiền “vùi” trong đất đã biến giấc mơ làm giàu nhanh chóng thành ác mộng.
Rạn nứt gia đình vì “đất”
Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2022, tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các cuộc sốt đất. Giá đất ở các vùng nông thôn cũng đồng loạt tăng theo cấp số nhân. Thời điểm sốt đất, không ít người đã bỏ công việc thường ngày đi buôn.
Trong đó, có người giàu lên, kiếm tiền tỷ, tuy nhiên, khi giá đất bị thổi lên mức quá cao, không đúng với giá trị thực, thị trường quay về hiện thực, tất cả đã để lại những câu chuyện làm giàu “trong mơ”.
Thấy nhiều người giàu lên vì đất, anh Hoàng Gia Bảo sống tại Thạch Thất, Hà Nội bắt đầu tìm hiểu và học cách “buôn đất” từ năm 2020. Là nhân viên tại một công ty máy tính với mức lương gần 8 triệu đồng/tháng, cuộc sống của Bảo và gia đình vốn rất bình yên. Thế nhưng từ ngày đầu tư vào đất, không chỉ công việc bị ảnh hưởng, hạnh phúc gia đình cũng xuất hiện nhiều rạn nứt.
“Tổng thu nhập của tôi và vợ là khoảng gần 20 triệu đồng/tháng. Chi tiêu ở quê cũng rẻ, nhà cửa sẵn ở nên hai vợ chồng cũng để ra được gần 1 tỷ đồng. Năm 2020 thấy bạn bè đầu tư vào đất và thu lợi rất nhanh nên tôi tìm hiểu và bàn với vợ để học theo. Tuy nhiên vợ tôi phản đối rất gay gắt nên tôi đã giấu vợ lấy tiền đầu tư.
Khi biết chuyện, vợ chồng tôi đã tranh cãi rất nhiều. Vợ tôi thậm chí đưa con về bà ngoại ở một thời gian. Sau đó số tiền tôi đầu tư tăng giá nên tôi rút tiền về đưa vợ cất”, anh Bảo nói.
Vì thấy dễ kiếm tiền, anh Bảo đã vay họ hàng, người thân để đầu tư. Sau đó giá trị lô đất anh Bảo sở hữu liên tục giảm. Trước giá trị thương mại của lô đất đã đầu tư hao hụt, tâm trạng anh Bảo suy sụp.
Có những ngày, anh Bảo chạy khắp nơi để nghe ngóng tin tức về đất, đầu nặng trĩu vì diễn biến thị trường. “Công việc tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi thường xuyên bị lãnh đạo khiển trách vì không tập trung cho công việc”, nhà đầu tư nhỏ lẻ này cay đắng nói.
Chia sẻ với phóng viên, anh Bảo thừa nhận việc đầu tư vào đất thời điểm ban đầu quả thật có lời. Thế nhưng việc đầu tư mà không được tìm hiểu kỹ hay trau dồi kiến thức cũng giống như đánh bạc.
“Nếu như đánh bạc mình còn được cầm bài trong tay thì đầu tư đất mình hoàn toàn bị động. Một khi thị trường vào điểm rơi gần như không kịp thoát hàng. Trường hợp như tôi chỉ thua lỗ 60% số tiền đầu tư là quả thật may mắn. Có những người phải vay thêm ngân hàng để duy trì đến khi thoát được hàng.
Giờ gia đình không hạnh phúc, số tiền vợ chồng tích cóp vất vả cũng mất sạch. Bố mẹ, họ hàng góp ý, trách móc, thậm chí chửi mắng rất nhiều. Giờ tôi cũng hối hận và đã từ biệt với loại hình đầu tư này, giữa hai vợ chồng cũng xuất hiện những vết nứt không thể hàn gắn”, anh Bảo tâm sự.
Anh Phạm Quốc Bình (Hà Đông, Hà Nội), cũng đang phải gánh khoản nợ 1,5 tỷ đồng vì không thoát được hàng từ việc chạy theo cơn sốt đất tại Ba Vì từ đầu năm 2020.
Anh kể: “Nghe bạn bè bàn tán về đất nền ở các khu vực này đang tăng giá mạnh, hơn nữa tôi lại có thông tin tốt về những nhà đầu tư lớn, tôi đã vay tiền để thử vận may đầu tư đất và chọn khu vực Vân Hòa khi đang sốt nóng. Thời gian đầu, giá đất tăng thì tôi lại có tâm lý quyết đợi giá lên tiếp. Đến nay, miếng đất của tôi vẫn chưa bán được, hàng tháng đi làm chỉ đủ để trả tiền lãi ngân hàng”.
Vắng bóng người mua
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cuối năm 2022, do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ thắt chặt và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế cũng như các vấn đề nội tại thị trường chưa được giải quyết đã khiến thị trường bất động sản rơi vào khó khăn. Giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền vùng ngoại ô giảm mạnh, giao dịch “đóng băng”.
Anh Đặng Ngọc Bích, là chủ một Văn phòng giao dịch bất động sản ở Thạch Thất, Hà Nội cho biết, hiện giá đất tại nhiều khu vực từng là điểm “nóng” giờ trở nên nguội lạnh, giao bán nhiều, nhưng không có giao dịch thành công.
Nguyên nhân ban đầu là cơ quan quản lý yêu cầu kiểm soát việc giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp…
Nhiều môi giới nhà đất tại các vùng ven của Hà Nội cũng thừa nhận, trước đây, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tìm mua những mảnh đất rộng rồi tách thửa bán lại thì nay những mảnh đất đó hầu như không có người mua.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho rằng, đất nền khu vực ngoài trung tâm được ghi nhận là phân khúc gặp nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay và có thể tiếp tục chịu sức ép giảm giá. Giá các sản phẩm này đã được đẩy lên quá cao trong thời gian qua.
Cũng theo bà Hằng, các nhà đầu tư loại hình này thường sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn so với các loại hình khác. Do đó, khi lãi suất vay điều chỉnh, áp lực thanh toán và trả lãi tăng cao nên giá có khả năng bị điều chỉnh nhiều hơn.
Vị chuyên gia này khuyến cáo, người mua đang càng trở nên cẩn trọng hơn khi tham gia thị trường vì giá bán tăng cao và nhiều dự án không đảm bảo về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cùng chính sách, quy định mới như loại bỏ khung giá đất hay mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều đất, nhà ở, bỏ hoang hoặc chậm sử dụng… được thông qua sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ, giúp thanh lọc và gia tăng chất lượng dự án, đồng thời đem lại tính minh bạch, sự an toàn cho thị trường và tạo niềm tin cho người mua.