Đang có 20 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch
Chiều nay, tại Bộ Y tế đã diễn ra buổi hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân COIVD-19 giữa các chuyên gia đầu ngành và đầu cầu một số bệnh viện trên cả nước. Thông tin tại buổi hội chẩn cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị có 20 bệnh nhân tiên lượng nặng và nguy kịch, trong đó 13 ca rất nặng, 7 ca tiên lượng nguy kịch và nguy cơ tử vong...
Tại điểm cầu Bệnh viện C Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng các thành viên của bộ phận thường trực tham gia hội chẩn.
Tại điểm cầu Bộ Y tế có TS Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, GS. TS Ngô Quý Châu- Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam
Tại điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai có GS.TS Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện; GS.TS Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ hôi chẩn, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Buổi hội chẩn kết nối trực tuyến đến nhiều điểm cầu các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 trên cả nước gồm Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Hòa Vang, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam...
Thông tin tại cuộc hội chẩn trực tuyến các ca bệnh COVID-19 nặng diễn ra chiều ngày 18/8, do Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 và Hội đồng chuyên môn tổ chức cho biết, hiện các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị có khoảng 20 bệnh nhân COVID-19 tiên triển rất nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, ECMO, trong đó có 13 tiến triển rất nặng, 7 ca tiên lượng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.
Các bệnh nhân nặng tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hòa Vang...
Thông tin từ đầu cầu Trung tâm y tế Hòa Vang hiện đang điều trị nhiều ca bệnh, trong đó có một vài bệnh nhân đang trong tình trạng nặng hơn với các triệu chứng khó thở trên nền suy thận mạn.
TS Đỗ Ngọc Sơn- Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ tại đây và cho biết, Trung tâm y tế Hòa Vang hiện có 10 bệnh nhân điều trị hồi sức, trong đó có 5 bệnh nhân thở máy, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao, sức khỏe kém. Trung tâm đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia dinh dưỡng giỏi vào hỗ trợ điều trị nâng cao thể trạng cho những bệnh nhân suy kiệt do phải nằm viện lâu ngày. Các bác sỹ cũng xin ý kiến các chuyên gia về tình hình điều trị đối với bệnh nhân 761, 83 tuổi.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết, có 2 bệnh nhân phải sử dụng ECMO. Đó là BN 416 và BN 742. Hai bệnh nhân được Hội đồng chuyên môn đề nghị xem xét vấn nhiễm trùng bệnh viện, tìm nguyên nhân xem xét vấn đề kháng kháng sinh đối với một số vi khuẩn bệnh viện. Qua phân tích các chuyên gia nhận thấy tình trạng của bệnh nhân này khá giống với ca bệnh 91.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) hiện có 2 bệnh nhân nặng đang phải thở máy, trong đó bệnh nhân có tiền sử COPD hơn 10 năm và trên nền ung thư miệng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 có 3 bệnh nhân nặng, trong đó nặng nhất là BN 812 hiện đang được theo dõi sát.
Các chuyên gia đã tập trung vào hội chẩn các ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều bệnh lý nền, phải thở máy, ECMO... Tại buổi hội chẩn các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về vấn đề sử dụng thuốc phù hợp, điều chỉnh dinh dưỡng... Các chuyên gia đề nghị bệnh viện phải làm sao thông thoảng bệnh phòng và phòng làm việc của nhân viên y tế. Tập trung vào kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viên; sử dụng hệ thống để đảm bảo không khí được lưu thông
Đặc biệt các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề dinh dưỡng vô cùng quan trọng cho bệnh nhân COVID-19 nặng giúp cho người bệnh nâng cao thể trạng, nhanh chóng được hồi phục sức khỏe tiến tới khỏi bệnh.
Hiện đã có khoảng 30 nhân viên y tế dương tính trong đợt dịch COVID-19 này, do đó các chuyên gia khuyến cáo Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nói chung và các bệnh viện trên cả nước cần đặc biệt quan tâm đến kiểm soát lây nhiễm, lau, khử khuẩn các bề mặt bệnh phòng, cầu thang, giường bệnh…
Đồng thời các chuyên gia cũng lưu ý trang phục bảo hộ nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị trước tình trạng xuất hiện một số loại khẩu trang giống với khẩu trang N95 không đảm bảo an toàn phòng chống dịch...
Tại buổi hội chẩn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, các chuyên gia đã hội chẩn từng ca bệnh nặng chi tiết về diễn biến từng ngày của bệnh nhân. Các chuyên gia nhắc nhở các bệnh viện kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện, tăng cường dinh dưỡng bệnh viện, tăng cường thông khí bệnh phòng; lưu ý vấn đề phối hợp sử dụng thuốc đối với bệnh nhân có nhiều bệnh đi kèm. Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị các Bệnh viện thành lập các Team điều trị có đầy đủ các bác sỹ Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, Chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng, phục hồi chức năng….hỗ trợ và điều trị hiệu quả bệnh nhân.
TS Cao Hưng Thái cũng đề nghị các bệnh viện lưu ý các trang phục phòng hộ cho cán bộ y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế. Các bệnh viện cũng có các phương án để vừa kiểm soát tình hình dịch bệnh vừa duy trì hoạt động bình thường của các bệnh viện, tránh tình trạng tái nhiễm trở lại.