'Đang có một khoảng trống pháp lý liên quan đến việc đưa đón học sinh'
LS Đặng Văn Cường cho rằng, thực tế đang có một khoảng trống pháp lý liên quan đến việc đưa đón học sinh đến trường ở Việt Nam.
Khỏi tố tội danh vô ý làm chết người chỉ là bước đầu
Tình huống xảy ra ở trường Gateway, Hà Nội năm 2019 hay vừa mới đây ở trường mầm non Hồng Nhung đã cướp đi sinh mạng của hai em học sinh độ tuổi còn rất nhỏ, để lại nỗi đau khó nguôi và không gì bù đắp cho gia đình, người thân các em.
“Cá nhân tôi rất đau xót, đau lòng khi hình dung lại bối cảnh cháu bé có thể vì ngủ quên, khi tỉnh dậy thấy mình bị nhốt trong xe sẽ hoảng loạn, sợ hãi khi xung quanh không có ai và chắc chắn cháu sẽ khóc, khóc đến kiệt sức và tử vong khi nhiệt độ tăng lên cao như những ngày vừa rồi, cộng hưởng nhiệt độ trong xe đóng kín” - TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ cảm xúc trước thông tin em học sinh ở Thái Bình tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón.
Ngay trong đêm 29/5 đã có lệnh khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với nhân viên được giao nhiệm vụ đưa đón học sinh với tội danh vô ý làm chết người. Tiếp đó là khởi tố bị can với lái xe và hai cô giáo trông lớp.
TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ những vấn đề liên quan đến pháp luật nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống xe đưa đón học sinh tại phòng thu VOV2.
Ở góc độ quy định của pháp luật, LS Đặng Văn Cường cho biết, Bộ Luật hình sự quy định tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128, áp dụng chung cho tất cả các chủ thể là bất kỳ ai có lỗi vô ý dẫn đến chết người. Hình phạt áp dụng trong trường hợp này sẽ là cải tạo không giam giữ và phạt tù, mức cao nhất đến 10 năm tù và không có hình phạt bổ sung.
Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự còn có tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính. Tội này áp dụng đối với các các cơ quan có quy tắc nghề nghiệp hoặc có quy tắc hành chính nhưng cán bộ được giao thực hiện triển khai quy tắc đó lại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng dẫn đến hậu quả làm chết người. Tội danh này được quy định tại Điều 129 với hình phạt cải tạo, giam giữ cao nhất là 12 năm và có hình phạt bổ sung cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm.
Theo LS Đặng Văn Cường, việc khởi tố về tội vô ý làm chết người chỉ là khởi điểm khởi đầu để điều tra. Sẽ cần một quy trình điều tra bóc tách để đánh giá đúng việc vi phạm của từng cá nhân trong việc để xảy ra sự việc với em học sinh ở trường mầm non Hồng Nhung, Thái Bình.
Chính vì vậy, ngày 31/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Thái Bình ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Không để thêm những đứa trẻ thiệt mạng
LS Đặng Văn Cường cho rằng, vụ việc đã bộc lộ những lỗ hổng trong quy trình, quy định, quy tắc liên quan đưa đón học sinh ở cơ sở giáo dục hiện nay và rất cần sự kiểm tra, rà soát và phải thống kê cũng như có những giải pháp khắc phục, chấn chính ngay lập tức.
LS Đặng Văn Cường cũng cho rằng, thực tế đang có một khoảng trống pháp lý liên quan đến việc đưa đón học sinh đến trường ở Việt Nam. Cụ thể nằm ở quy trình, quy định đưa đón này không được áp dụng thống nhất cũng như chưa có quy định cụ thể như các phương tiện, điều kiện về con người với những tiêu chí, tiêu chuẩn để tham gia đưa đón học sinh.
Cũng theo LS Đặng Văn Cường, đưa đón học sinh tới trường cần phải trở thành vấn đề được nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quan tâm và chung tay mới hi vọng về sự an toàn. Trước hết, nhiệm vụ thuộc về phía ngành giáo dục.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có Thông tư ban hành quy tắc, quy chuẩn để các cơ sở giáo dục, các bậc học phải áp dụng thống nhất quy trình đưa đón học sinh như đặc điểm của phương tiện với thông số kỹ thuật cụ thể, quy định về nhân lực tham gia đưa đón học sinh và cần phải có quy định về nơi đỗ xe, nơi dừng xe, nơi đón trả khép kín.
Tiếp theo cần có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến Bộ Giao thông vận tải rồi đến các bộ, ngành khác như Bộ công an với những quy tắc về quá trình tham gia giao thông trên đường ra sao, tổ chức các điểm đón trả thế nào...?
Quá trình triển khai cần có sự tham khảo, học tập kinh nghiệm cũng như áp dụng những giải pháp kĩ thuật của các quốc gia có kinh nghiệm đưa đón học sinh tới trường như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Nhưng trên hết vẫn nằm ở yếu tố con người bằng việc tập huấn các bộ phận thực hiện nghiêm túc, thống nhất và đồng bộ những quy định, quy tắc đồng thời có giám sát chặt chẽ mới hi vọng chấm dứt những trường hợp trẻ em, học sinh thiệt mạng do bị bỏ quên trên xe.