Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, Tổng thống Biden sẽ khó tới đâu?
Với việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sau bầu cử giữa kỳ, hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden được dự đoán sẽ gặp không ít khó khăn.
Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ cho thấy đảng Dân chủ giữ được quyền kiểm soát Thượng viện nhưng đảng Cộng hòa đã giành được đa số ghế ở Hạ viện. Điều này sẽ sắp xếp lại cán cân quyền lực ở Washington và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden trong hai năm tới, theo tờ New York Times.
Trước đó, hôm 9-11 - một ngày sau khi người dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử giữa nhiệm kỳ - Tổng thống Biden khẳng định: "Tôi sẵn sàng làm việc với các đồng nghiệp đảng Cộng hòa của mình. Tôi nghĩ người dân Mỹ đã nói rõ rằng họ mong đợi các đảng viên đảng Cộng hòa cũng sẵn sàng hợp tác với tôi".
Tuy nhiên, mong muốn của Tổng thống Biden khó có thể thành hiện thực.
Trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa đã công khai tuyên bố chống lại một số chương trình nghị sự của Nhà Trắng, cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Không đồng thuận trong nhiều chính sách đối nội
Theo đài NPR, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện có nghĩa là chương trình lập pháp của Tổng thống Biden về cơ bản khó thực hiện được, trừ khi ông có các đề xuất nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Giới quan sát nhận định trọng tâm chính sách của Tổng thống Biden trong hai năm cuối nhiệm kỳ có thể sẽ là bảo vệ những thành tựu nổi bật của hai năm đầu. Trong đó, đạo luật hạ giá thuốc theo toa và đầu tư hàng trăm tỉ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có thể là những ưu tiên hàng đầu.
Trước đó, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã cho biết họ muốn hủy bỏ một số đề mục được đề xuất trong chương trình nghị sự của chính quyền ông Biden hoặc hủy bỏ tài trợ cho nhiều chương trình trong số đó.
Để phục vụ cho mục tiêu này, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện - hạ nghị sĩ Kevin McCarthy đã thành lập nhóm công tác gồm 17 thành viên nhằm xây dựng các chính sách liên quan đến lĩnh vực y tế.
Trong khi đó, hồi tháng 6 Ủy ban Nghiên cứu đảng Cộng hòa đã công bố một gói đề xuất ngân sách dài 122 trang bao gồm một số thay đổi với chương trình Medicare (chương trình bảo hiểm y tế liên bang dành cho những người từ 65 tuổi trở lên) như điều chỉnh tuổi được hưởng ưu đãi, theo tờ The Washington Post.
Đảng Cộng hòa cũng được cho là sẽ không nhượng bộ với Tổng thống Biden trong các chính sách liên quan đến mức trần nợ, chính sách thuế và phân bổ ngân sách, theo tờ Barron’s.
Ngoài ra, Nhà Trắng cũng có thể phải đối mặt với làn sóng điều tra từ Hạ viện trên nhiều vấn đề.
Các thành viên cấp cao đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp và Giám sát Hạ viện đã cho biết họ có kế hoạch điều tra hoạt động kinh doanh của ông Hunter Biden - con trai Tổng thống Biden. Bên cạnh đó, các chính sách về biên giới của ông Biden, các vấn đề liên quan đại dịch COVID-19 và việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan cũng có thể được Hạ viện lật lại điều tra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vì sự chênh lệnh số đảng viên Cộng hòa với số đảng viên Dân chủ ở Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ không quá lớn nên đảng Cộng hòa có thể phải thu hẹp lại các mục tiêu điều tra ban đầu. Thay vào đó, đảng này có thể sẽ tập trung vào các lĩnh vực mà họ nắm nhiều ưu thế.
Quan điểm khác biệt trong đối ngoại
Với tư cách là đảng chiếm đa số tại Hạ viện, các đảng viên đảng Cộng hòa sẽ có vai trò quyết định luật nào được Hạ viện xem xét và nắm vai trò chủ chốt trong việc thiết lập chính sách chi tiêu, soạn thảo luật.
Tuy nhiên, ảnh hưởng tổng thể của đảng Cộng hòa đối với chính sách đối ngoại được đánh giá là khá hạn chế. Để trở thành luật, bất kỳ dự luật nào cũng phải được Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua và được Tổng thống Biden ký ban hành.
Dù vậy, các đảng viên đảng Cộng hòa có quyền thể hiện quan điểm trong các chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden trong hai năm tới.
Theo hãng tin Reuters, một trong những ưu tiên của các đảng viên đảng Cộng hòa trong thời gian tới là tập trung vào những chính sách thể hiện tính cạnh tranh với Trung Quốc.
"Chúng ta đang ở trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc với Trung Quốc. Họ (Trung Quốc) là đối thủ cạnh tranh số một của chúng ta và có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của chúng ta” - hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul trao đổi với hãng tin Reuters.
Theo đó, các đảng viên đảng đảng Cộng hòa sẽ tập trung vào việc tăng cường ủng hộ hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ, kiểm soát xuất khẩu, nhằm đảm bảo rằng các công nghệ bí mật của Mỹ không đến tay Trung Quốc.
Với xung đột tại Ukraine, đảng Cộng hòa tại Hạ viện được cho là sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn hỗ trợ từ Washington cho Ukraine.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cho biết đảng của ông sẽ không ủng hộ “một viện trợ không giới hạn” cho Ukraine trong bối cảnh người Mỹ phải đối mặt với suy thoái.
Các thành viên khác của đảng Cộng hòa cũng đưa ra khẳng định tương tự. Tuy nhiên, họ cho biết điều này không có nghĩa là đảng Cộng hòa không ủng hộ Ukraine hay sẽ không gửi viện trợ quân sự để giúp nước này.
Theo ông Eugene Rumer - giám đốc Chương trình nghiên cứu Nga và nghiên cứu Á-Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa Bình Quốc tế, chính sách của chính quyền ông Biden đối với Ukraine và Nga sẽ tiếp tục đi theo con đường đã có trong 9 tháng qua. Ngoài ra, NATO sẽ vẫn là nền tảng trong chính sách của Mỹ ở châu Âu.
Chính sách của Mỹ đối với Iran và các cuộc đàm phán về hạt nhân được dự đoán sẽ vẫn ở trong tình trạng bế tắc như hiện nay. Kết quả bầu cử giữa kỳ không dẫn đến sự thay đổi nào trong cách tiếp cận của Mỹ đối với các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran.
Tuy nhiên, các đảng viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ có thể sẽ chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ Iran-Nga, đặc biệt là sự ủng hộ của Iran cho Nga trong xung đột tại Ukraine, theo tờ Arab News.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu sẽ là một vấn đề gây tranh cãi tại Quốc hội giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trước bầu cử giữa kỳ, đảng Cộng hòa đã cam kết ngăn chặn chương trình nghị sự của Tổng thống Biden về biến đổi khí hậu nếu họ giành được quyền kiểm soát Quốc hội.
Dù kết quả hiện tại cho thấy đảng Cộng hòa không nắm toàn quyền kiểm soát, nhưng ít nhiều cũng sẽ có tác động đến chính sách của Nhà Trắng trong việc hợp tác với các nước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.