Đang diễn ra tọa đàm 'Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM'
Tọa đàm 'Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM' được tổ chức với mong muốn kết nối trí tuệ Việt toàn cầu vì tương lai của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ngày 22-4, tại trụ sở báo Pháp Luật TP.HCM đã diễn ra tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM”.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, chủ trì tọa đàm.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai và ông Nguyễn Đức Hiển chủ trì tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM”. Ảnh: NGUYỆT NHI
Hiện nay, TP.HCM cùng cả nước đang thực hiện các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Trong suốt hành trình 50 năm qua, lực lượng kiều bào đã trở thành một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam vì có những đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
TP.HCM có khoảng 500 chuyên gia, trí thức kiều bào từ nhiều quốc gia trở về làm việc, hợp tác lâu dài. Cùng với đó, hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư đang hoạt động tại TP với tổng số vốn lên tới hơn 45.000 tỉ đồng.
Mỗi năm, trung bình có hơn 500.000 lượt kiều bào nhập cảnh về TP.HCM qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, trao đổi với bà Vũ Thị Huỳnh Mai bên lề tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Từ năm 2012 đến 2024, TP.HCM đã tiếp nhận hơn 77 tỉ USD kiều hối qua các kênh chính thức. Riêng trong năm 2024, lượng kiều hối đạt 10,03 tỉ USD (tương đương khoảng 260.000 tỉ đồng).
Không chỉ có nhiều đóng góp về chuyên môn, tài chính, giới thiệu các cơ hội hợp tác, kêu gọi đầu tư… lực lượng kiều bào với kinh nghiệm phong phú trong nhiều lĩnh vực cũng là nguồn cung cấp sáng kiến quý báu cho sự phát triển của TP.
Sắp tới đây, theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước cùng nguyện vọng của nhân dân, TP.HCM sẽ mở rộng không gian bao gồm cả Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nguồn lực và tiềm lực từ kiều bào đóng góp cho TP.HCM sẽ còn nhân lên gấp bội phần.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, trao đổi với đại biểu bên lề tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Từ thực tiễn trên, tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” được tổ chức với mong muốn kết nối trí tuệ Việt toàn cầu vì tương lai của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đồng thời, cũng là dịp gặp gỡ giữa lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các chuyên gia kiều bào đến từ nhiều lĩnh vực – trong đó có công nghệ, AI, giáo dục, y tế, môi trường, pháp luật và chính sách công.
Quan trọng hơn hết, tọa đàm còn là nơi lắng nghe những câu chuyện, hiến kế quý báu, những gợi mở mang tính hành động, có thể đưa vào thực tiễn; những tầm nhìn chiến lược cũng như kinh nghiệm quốc tế của các kiều bào để xây dựng một thành phố phát triển nhanh, bền vững và có chiều sâu trí tuệ.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước – đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức lẫn kỳ vọng: từ chuyển đổi số, hạ tầng đô thị, biến đổi khí hậu, môi trường đầu tư, đến công nghệ, giáo dục, y tế và thể chế quản trị hiện đại…
Nhưng cũng chính TP.HCM là nơi đang mở ra nhiều cơ hội bứt phá để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, xanh và bền vững; trở thành trung tâm tài chính, khoa học, đổi mới sáng tạo của khu vực.
“Chúng ta cần nguồn lực trí tuệ; cần những hiến kế sâu sắc, thực tiễn và có tầm nhìn; cần sự trở về, không nhất thiết về địa lý, mà về mặt tri thức, tinh thần và sự kết nối lâu dài. Chúng tôi tin rằng mỗi chuyên gia kiều bào là một hạt nhân lan tỏa tri thức, là nhịp cầu kết nối Việt Nam với thế giới.
Đây không chỉ là ‘hiến kế’ cho TP mà còn là khơi gợi một kết nối lâu dài giữa chính quyền – chuyên gia – cộng đồng, cùng chung tay tạo nên giá trị mới cho TP.HCM và cả nước”- ông Hiển nói.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho biết TP có mối liên hệ với khoảng 3 triệu trên tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và TP luôn nhất quán coi nguồn lực kiều bào là một trong những nguồn nội lực trong quá trình phát triển.
Bà Mai nhìn nhận, từ sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công tác phát huy nguồn lực kiều bào tập trung vào việc huy động kiều bào tham gia vào công cuộc khôi phục, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thời điểm đó, nhiều trí thức kiều bào đã về nước trao đổi, giảng dạy, giới thiệu công nghệ mới. Bà con kiều bào cũng tích cực gửi hàng hóa, vật phẩm, kiều hối… về giúp đỡ thân nhân, gia đình trong nước và bước đầu hình thành dòng kiều hối chuyển về cho thân nhân.
Ngoài ra, trong quá trình đổi mới, phát triển, TP.HCM cũng chú trọng việc thu hút, trọng dụng nhân tài và đội ngũ trí thức, nhà khoa học kiều bào, nhất là trí thức đầu đàn trong các ngành nghề mũi nhọn và những lĩnh vực quan trọng.
Bên cạnh đó là nguồn lực của lực lượng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện ở bốn khía cạnh gồm: tài chính (thông qua đầu tư trực tiếp và nguồn kiều hối); chuyển giao công nghệ; đóng góp chất xám và là lực lượng tiếp thị hữu hiệu nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa ra thị trường các nước.
“Có thể nói, trong 50 năm qua, với tiềm năng to lớn nhiều mặt, cùng mong muốn xây dựng đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng giàu mạnh, kiều bào ta đã đem công sức, trí tuệ, tài chính đóng góp xây dựng quê hương dưới nhiều hình thức”- bà Mai đánh giá.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bà Mai khẳng định: “Những thành tựu mà TP.HCM đạt được là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự gắn kết giữa Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Một cộng đồng tuy xa quê hương nhưng luôn hướng về Tổ quốc, về cội nguồn, là cánh tay nối dài của đất nước tại khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới”.
Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nhận định TP.HCM đang đứng trước thời cơ và vận hội chưa từng có khi hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành một siêu đô thị, với định hướng trở thành “TP toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Tại tọa đàm hôm nay, thay mặt lãnh đạo TP.HCM tôi mong muốn quý đại biểu tập trung thảo luận, hiến kế để TP tận dụng được yếu tố “hội tụ đa tầng” giữa không gian đất, biển, hạ tầng sau khi hợp nhất. Để đến năm 2030 trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có vị trí nổi trội ở khu vực Đông Nam Á”- bà Mai gửi gắm.
Nhiều chính sách thông thoáng với kiều bào
Cũng tại tọa đàm, Luật sư Lâm Quang Quý (Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM) cho biết kể từ khi được thành lập vào tháng 1-2009 đến nay, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nhằm mục đích hỗ trợ mọi điều kiện thuận lợi cho kiều bào quay trở về quê hương tham quan, du lịch, thăm thân nhân, an cư, an dưỡng tuổi già bên gia đình và đặc biệt là mang những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, về đầu tư kinh doanh lâu dài tại Tp.HCM.
Theo ông Quý, trong những năm gần đây, chủ trương đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước càng ngày càng mở rộng với nhiều điều kiện thông thoáng, thuận lợi, để thu hút kiều bào trở về quê hương an cư, an dưỡng tuổi già và đầu tư kinh doanh…
Luật sư Lâm Quang Quý, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kiều bào TP.HCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Cụ thể, như mở rộng các quy định cho kiều bào được sở hữu nhà, đất, khắc phục được tình trạng nhờ người thân đứng tên giùm như trước đây, dẫn đến các hệ lụy là phát sinh tranh chấp, nhiều bà con kiều bào bị chiếm đoạt nhà, đất, mất hết tài sản, đánh mất tình thân trong gia đình. Giờ đây kiều bào có thể an tâm mua nhà và được đứng tên sở hữu nhà ở.
Kiều bào cũng dễ dàng xác nhận nguồn gốc Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, nhằm mục đích đăng ký tạm trú, thường trú; đề nghị cấp hộ chiếu Việt Nam. Giấy tờ miễn thị thực nhập cảnh, Thẻ tạm trú dài hạn, tăng thời hạn cư trú khi nhập cảnh về Việt Nam lên đến 90 ngày, kiều bào không lo bị phạt vi phạm thời hạn tạm trú như trước đây. Và kiều bào có đủ điều kiện được đứng tên sở hữu nhà, đất, được thừa hưởng di sản của người thân để lại, đăng ký đầu tư, thành lập công ty khởi nghiệp tại Việt Nam…
Tuy nhiên, cũng theo Luật sư Quý, sau thời gian dài sinh sống tại nước ngoài, nhiều kiều bào gặp khó khăn khi trở lại Việt Nam do chưa kịp bắt nhịp với cuộc sống, thiếu thông tin và kiến thức về pháp luật, không am hiểu thủ tục hành chính, riêng đối với kiều bào trẻ, gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp bằng tiếng Việt…
Nguồn PLO: https://plo.vn/dang-dien-ra-toa-dam-kieu-bao-hien-ke-phat-trien-tphcm-post845645.html