Đang đọc sách bỗng 'va' phải chi tiết 18+
Thông thường, ít trường hợp trang bìa có cảnh báo cuốn sách chứa nội dung nhạy cảm. Bạn đọc ứng xử ra sao khi đột nhiên đọc phải các tình tiết đó trong sách?
Một cuốn sách có thể phản ánh nhiều mặt đời sống, trong đó có cả những chi tiết nhạy cảm, như chuyện giường chiếu. Các chi tiết đề cập tới cảnh quan hệ tình dục, tính dục không phải quá hiếm trong văn chương. Bạn đọc có phản ứng ứng khác nhau khi gặp các chi tiết nhạy cảm trong sách.
Tình cờ đọc phải chi tiết 18+
Đối với nhiều người, việc đọc các chi tiết 18+ thường không đến từ việc bị bạn bè lôi kéo hay chủ động tìm đến. Đa phần họ tình cờ đọc được từ trong tủ sách của gia đình, thư viện công cộng…
Nguyễn Hồng Hạnh (một bạn trẻ tại Hà Nội) chia sẻ rằng năm 10-11 tuổi, khi đọc một cuốn sách, cô gặp chi tiết có nội dung 18+ mà không được biết trước. Chạm “cảnh nóng”, Hạnh chỉ thấy khó hiểu nhưng rồi cũng đọc qua và không suy nghĩ gì nhiều. Hạnh cũng không đặt ra những câu hỏi này với người lớn hay bạn bè xung quanh.
“Những cảnh nóng được mô tả khá chi tiết nhưng khi đó mình chỉ hiểu rằng một người đang ép người còn lại làm điều họ không muốn. Lớn hơn rồi mới hiểu đấy là hành vi cưỡng bức”, Hạnh cho biết.
Khi ở độ tuổi vị thành niên, Võ Văn Thành (sinh viên tại Đại học Văn Lang) cũng từng đọc các chi tiết giường chiếu trong sách. Thành chia sẻ: “Lúc đó tuổi còn nhỏ nên mình chỉ cảm thấy nó rất mới mẻ và chưa hiểu hết các nội dung và ý nghĩa mà tác giả truyền đạt”. Giống Hạnh, Thành cũng không hề thắc mắc về các vấn đề nhạy cảm mình đọc trong sách với người lớn.
Dù tiếp xúc với các chi tiết vượt quá độ tuổi của mình nhưng cả Hạnh và Thành đồng tình rằng chúng đã động viên họ cởi mở, tự tin hơn khi nói về các vấn đề tình dục. Câu chuyện trong cuốn sách giúp họ nhận biết đúng sai, khi nào là xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra.
“Những điều này chưa chắc đã ai hướng dẫn cho chúng ta biết hoặc có thể không được học đầy đủ ở trường lớp, nhưng những cuốn sách thì có thể”, Hồng Hạnh cho biết.
Còn với trường hợp của Phương Dung (24 tuổi, Hà Nội), cô tiếp xúc các chi tiết 18+ từ năm 15 tuổi, khi đọc truyện trên các trang mạng. Cho đến nay, Dung đã ngừng đọc chúng, bởi các nội dung truyện trên mạng không còn phù hợp với nhìn nhận về giới tính của bản thân nữa. Dung cũng nhận thấy rằng khoảng thời gian tiếp xúc với những chi tiết 18+ trong sách truyện đã giúp mình hiểu hơn về giới.
Định hướng đọc và dán nhãn
Trường hợp của ba bạn trẻ trên cho thấy những điểm chung như sau: Thiếu định hướng dẫn đến việc đọc sách chưa đúng tuổi; Không thể chia sẻ với người khác về những điều mình đọc được.
Từ góc độ giáo dục có thể thấy rằng việc xây dựng nguồn tài liệu cho con là cần thiết. Do đó, tủ sách gia đình rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Đây không chỉ là nơi thúc đẩy văn hóa đọc mà còn giúp phụ huynh có thể hiểu nhu cầu thông tin của con cái. Phụ huynh có thể lựa chọn nói chuyện với con về những cuốn sách bị dán nhãn, những cuốn sách có thể chứa nội dung nhạy cảm và lý do những cảnh báo đó là cần thiết.
Thứ hai, các chi tiết 18+ là những vấn đề nhạy cảm đòi hỏi một nhận thức rõ rệt và thế giới nhận thức đã được hình thành tương đối đầy đủ. Đối với các bạn trẻ, chủ đề này khá nhạy cảm khi chia sẻ với người lớn hay bạn bè. Nhiều phụ huynh tránh né nói về điều này trong khi ở một độ tuổi nhất định, các bạn trẻ cần phải biết thêm thông tin để bảo vệ bản thân. Rất khó để kiểm soát những thông tin mà trẻ tiếp xúc, do đó, giao tiếp là phương pháp tốt nhất để phụ huynh biết khi nào con cái đã tiếp xúc các chi tiết 18+ độc hại.
Hơn hết, các chi tiết nhạy cảm không phải lúc nào cũng có thể bị coi là dung tục và tầm thường. Võ Văn Thành (sinh viên tại Đại học Văn Lang) cho biết: “Nếu tác giả chỉ mô tả cảnh quan hệ xác thịt từ đầu đến cuối, chi tiết không liên kết đến nội dung câu chuyện, hoặc câu chuyện từ đầu đến cuối chỉ là quan hệ tình dục thì các chi tiết 18+ đó sẽ là sự tục tĩu”.
Hồng Hạnh cũng chia sẻ rằng nếu tác giả sử dụng cảnh 18+ để câu view và thiếu tôn trọng phụ nữ, đấy mới là những chi tiết cần phải bị lược bỏ hoặc kiểm duyệt.
Mỗi chi tiết trong một tác phẩm đều có ý nghĩa nhất định của nó. Mặc dù việc giới hạn độ tuổi là điều cần thiết, độc giả vẫn có thể đánh giá đúng giá trị thông tin trong sách nếu được trang bị kiến thức và sự hướng dẫn của người hiểu biết.
Nguồn Znews: https://znews.vn/doc-gia-cam-nhan-ra-sao-ve-cac-noi-dung-18-trong-sach-post1474708.html