'Dáng đứng' ở cuối dòng sông

Bắt nguồn từ chân núi Ngọc Rinh Rua thuộc huyện Ngọc Hồi, sông Sa Thầy (còn có tên gọi khác là Ia H'Drai) xuôi về hướng Nam, đi qua địa bàn các huyện Sa Thầy, Ia H'Drai thuộc tỉnh Kon Tum rồi hòa vào con sông thủy điện Sê San chảy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Trước khi hợp lưu với dòng Sê San, sông Sa Thầy 'nghiêng mình' uốn lượn qua khe núi, tạo nên những đường cong mỹ miều đẹp như tranh vẽ. Có một điều rất lạ là nằm cạnh 'thung lũng nước' tràn trề như thế, nhưng dải đất biên phòng (BP) nơi cuối dòng sông lại luôn khô khát và hạn hán dường như đã trở thành quy luật 'đến hẹn lại lên'…

Giữa miền biên khô khát, bên cạnh việc khai thác hiệu quả nguồn nước ngầm, những người lính Đồn BP Sa Thầy còn có hệ thống bồn chứa nước dự trữ khi nắng hạn. Ảnh: TKN

Giữa miền biên khô khát, bên cạnh việc khai thác hiệu quả nguồn nước ngầm, những người lính Đồn BP Sa Thầy còn có hệ thống bồn chứa nước dự trữ khi nắng hạn. Ảnh: TKN

Từ “vũ khúc” lợn khoe mông…

Gắn bó với đất rừng biên giới Tây Nguyên đã nhiều năm, tôi hiểu sự khắc nghiệt của kiểu thời tiết hai mùa (6 tháng nắng và 6 tháng mưa). Đành rằng mùa nào cũng có cái khó, cái khổ của nó, mưa xuống là âm u, nắng lên thì khắc khoải, thế nhưng 6 tháng nắng thì quả đúng là thử thách cực độ đối với các chủ nhân nơi đây, trong đó có lính BP. Cũng đã có nhiều thuật ngữ nói về cái nắng cao điểm tháng 3 Tây Nguyên, nhưng nắng nóng đến độ lợn phải chổng mông lên trời thì đúng là thứ “đặc sản” hiếm gặp, lần đầu tôi nhìn thấy ở Đồn BP Sa Thầy, BĐBP Kon Tum.

Cách đây khoảng 5 năm về trước - thời điểm Đồn BP Sa Thầy chuẩn bị di chuyển đến nơi ở mới (khu doanh trại hiện nay), thì một đợt hạn hán được xem là kỷ lục cả về mức độ lẫn thời gian làm cho mọi nguồn nước khai thác tại chỗ của bộ đội đều cạn kiệt. Cả một vùng biên rộng lớn khô khát, nước ăn phải chở từ nơi khác về dùng, còn tắm, rửa, giặt giũ thì lội bộ ra sông. Hàng ngàn cây xanh được cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Sa Thầy kỳ công ươm mầm, tạo dáng, mang ra trồng ở khu doanh trại mới, do không đủ nước tưới nên chết hàng loạt.

Tương tự, đàn gia súc, gia cầm của đơn vị cũng không cầm cự nổi qua đợt hạn hán, cứ thế lần lượt “rủ nhau” ra đi. Ngay đến cả loài vật nuôi chịu nóng tốt nhất là đàn lợn rừng lai hàng trăm con của đồn được chăn thả tự nhiên cũng phải “giương cờ trắng”. Ngày cũng như đêm, cả đàn bu quanh vũng nước thải phía sau nhà bếp để “mông chổng lên trời, đầu cắm xuống bùn” tránh nắng. Nhiều con thở không được, chết ngạt nhưng vẫn cứ phải bám quanh vũng bùn vì chẳng có cách nào “sáng nước” hơn.

Thật ra với người trong cuộc, màn... khoe mông của lũ lợn là không hề lạ, bởi năm nào cũng vậy, khi đất trời chạm đỉnh mùa khô thì “vũ khúc” ấy lại diễn ra. Sự khắc khoải này chỉ thật sự chấm dứt khi người lính chế ngự được điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên bằng sự dẻo dai của mình.

... Đến “ốc đảo xanh” giữa miền biên khô khát

Từ xưa đến nay, nắng hạn là điều không thể tránh khỏi khi mùa khô Tây Nguyên trở về. Chỉ có điều, nó trở nên gay gắt, dai dẳng hơn khi sông suối bị “nắn dòng” và những cánh rừng đầu nguồn bị thu hẹp vì nhu cầu phát triển kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa là khi hạn vừa qua thì lũ lụt lại đến, nhanh hơn và bất ngờ hơn.

Sống trong điều kiện như thế, lòng quyết tâm, sự nỗ lực vượt khó là điều cần phải có đối với những người lính Đồn BP Sa Thầy. Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, cấp ủy, chỉ huy đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Đất “khó” thì người phải “thuần” hơn. Để từng bước cải thiện môi sinh, phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây ăn quả trong khuôn viên đơn vị luôn được đẩy mạnh và trở thành việc làm mỗi ngày của người lính sau những giờ bám trụ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới.

Thiếu tá Lê Đình Kỳ, Đồn trưởng Đồn BP Sa Thầy cho biết: “Để giải bài toán về nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bên cạnh hệ thống bồn chứa nước inox (loại 10.000 lít) do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ, đơn vị tổ chức khảo sát, khoan thăm dò để tìm kiếm nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, phải sau rất nhiều lần thất bại, anh em mới tìm được mạch nước ngầm, nhưng phải khoan xuyên qua lớp đá ở độ sâu hơn 100 mét. Có được giếng nước sạch, mọi chuyện về tăng gia sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường mới trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, thử thách thì vẫn đồng hành với chúng tôi cho đến tận ngày hôm nay...”.

Sự đồng hành ngoài ý muốn mà Đồn trưởng Lê Đình Kỳ đề cập đến chính là sự “đỏng đảnh” của cây trồng khi đối diện với quy luật “đến hẹn lại lên” của hạn hán nơi cuối con sông Sa Thầy. Nhiều cây trồng, thậm chí thân đã phát tán, rễ đã bám chặt vào lòng đất nhưng vẫn “bỗng nhiên muốn khóc” để rồi người lính lại phải tái tạo theo kiểu chết một cây trồng lại ba cây.

Cán bộ, chiến sĩ chăm sóc vườn rau xanh của Đồn BP Sa Thầy. Ảnh: TKN

Cán bộ, chiến sĩ chăm sóc vườn rau xanh của Đồn BP Sa Thầy. Ảnh: TKN

Sự dẻo dai ấy cuối cùng đã được đền đáp bằng vườn cây xanh, cây ăn quả phủ kín sân đồn, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn giúp cho nhịp thở của người lính được nhẹ nhàng, trong trẻo hơn. Cùng với đó là hệ thống vườn rau, ao cá, chuồng trại chăn nuôi được duy trì theo công thức “công nghệ tự nhiên, quy trình khép kín” (nói không với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nhưng vẫn duy trì vòng tuần hoàn hữu cơ truyền thống giữa cây trồng và vật nuôi) để cho ra những loại thực phẩm tươi, sạch phục vụ đời sống của bộ đội.

Khắc chế được điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên đã giúp cho công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị ở Đồn BP Sa Thầy không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nếu như năm 2019, thu hoạch rau xanh các loại của đơn vị chỉ đạt khoảng 2 tấn, thì năm 2021, con số này đã tăng lên gấp 4 lần (xấp xỉ 8 tấn). Cùng với đó là đàn gia súc (bò, dê, lợn) được duy trì đều đặn gần 100 con và hàng trăm con gia cầm, đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội hơn 4.000 đồng/người/ngày.

Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm hậu cần tại chỗ gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh, chính quy, qua đó tạo “dáng đứng” vững chắc nơi cuối nguồn con sông Sa Thầy. Trong những năm gần đây, Đồn BP Sa Thầy luôn là một trong những lá cờ đầu trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” của BĐBP Kon Tum khi luôn bảo đảm 5 tiêu chuẩn theo quy định.

Năm 2020, đồn được Bộ Tư lệnh BĐBP công nhận đạt danh hiệu Đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Đây là sự ghi nhận cho quá trình nỗ lực vượt khó, khắc chế điều kiện tự nhiên và là nguồn khích lệ, động viên để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2021, Đồn BP Sa Thầy vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Thử thách không sờn lòng, khó khăn không chùn bước, những người lính BP nơi cuối con sông Sa Thầy vẫn luôn vững vàng tâm thế của người chinh phục và chiến thắng. Giữa miền biên khô khát, bằng lòng quyết tâm, sự dẻo dai và trên tất cả là tình yêu dành cho biên giới, người lính BP tạo dựng nên một “ốc đảo” màu xanh tràn đầy sức sống.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-dung-o-cuoi-dong-song-post450055.html