Đảng gần dân, dân một lòng theo Đảng. Bài 2: Bám cơ sở, sâu sát thực tiễn

Những cấp ủy viên cấp trên tham dự sinh hoạt chi bộ đã và đang trở thành 'cầu nối' giữa ý Đảng với lòng dân, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng tại các địa bàn. Đặc biệt, quá trình về cơ sở để tham gia sinh hoạt chi bộ đã góp phần tôi luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho mỗi cấp ủy viên, từ đó nâng cao năng lực công tác, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn.

Giúp cho cơ sở cũng là tự giúp mình

Bằng tinh thần vượt khó, mang theo quyết tâm đổi mới, khát vọng phát triển, những cấp ủy viên cấp trên và cán bộ được phân công về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản, khu dân cư luôn mong muốn được đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng các chi bộ ngày càng vững mạnh, trong sạch, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.

Đảng viên Chi bộ thôn Klu, xã Đakrông hăng hái tham gia ý kiến trong sinh hoạt chi bộ có Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trí Tuân tham dự -Ảnh: L.N

Đảng viên Chi bộ thôn Klu, xã Đakrông hăng hái tham gia ý kiến trong sinh hoạt chi bộ có Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trí Tuân tham dự -Ảnh: L.N

Từ cuối năm 2020 đến nay, tháng nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, dù là vào buổi tối hay ngày nghỉ cuối tuần, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hải Lăng Hoàng Phước Hiền đều vượt hơn 10 km từ huyện đến thôn Phương Hải để dự sinh hoạt chi bộ.

Đặc biệt, ông Hiền đã dành thời gian tìm hiểu đời sống đảng viên và cuộc sống của Nhân dân; điều kiện phát triển KT-XH; những mặt đạt, chưa đạt của chi bộ được phân công dự sinh hoạt. Từ đó, bàn bạc, đề ra chủ trương, đưa ra thảo luận trong sinh hoạt chi bộ để thống nhất, tập trung lãnh đạo Nhân dân thực hiện.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Phước Hiền bộc bạch: “Nhờ làm tốt việc quán triệt thực hiện quy định của Điều lệ Đảng nên sinh hoạt chi bộ tại thôn Phương Hải ngày càng đi vào nền nếp và có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, cách thức sinh hoạt”.

Cụ thể, chi bộ luôn coi trọng đổi mới nội dung sinh hoạt theo hướng thiết thực gắn với thực tiễn của địa phương, trên cơ sở bám sát vào tài liệu sinh hoạt chi bộ hằng tháng của Tỉnh ủy để thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng cũng như tình hình trong tỉnh. Nhờ phát huy tốt dân chủ trong thảo luận nên đã khơi dậy được trí tuệ, sự sáng tạo của đảng viên trong chuẩn bị và phát biểu ý kiến, thảo luận về một số vấn đề nổi lên tại địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, sinh hoạt chuyên đề cũng được chi bộ chú trọng, các buổi sinh hoạt chuyên đề đã thu hút được nhiều ý kiến đảng viên tham gia, tập trung vào các vấn đề như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới (NTM), chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng “Chi bộ bốn tốt”...

“Việc duy trì tốt nền nếp sinh hoạt đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS đảng, phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Đồng thời, thông qua tham gia sinh hoạt chi bộ, tôi đã nắm tình hình, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, văn bản của cấp trên để từ đó tập trung nghiên cứu, trau dồi thêm kiến thức nhằm gợi mở các giải pháp khắc phục, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở”, ông Hoàng Phước Hiền khẳng định.

Công tác tại địa bàn vùng khó, theo Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, Thể dục thể thao huyện Đakrông Hồ Thị Sáu, việc thực hiện đưa đảng viên là cán bộ, công chức cấp huyện về sinh hoạt chi bộ thôn, khóm của các xã, thị trấn là một chủ trương đúng đắn, qua đó tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng cấp trên lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với chi bộ đảng cơ sở.

Đối với bà Sáu, được cử về sinh hoạt cùng chi bộ nông thôn là cơ hội tốt để bản thân nắm bắt được rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó cùng chi bộ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, giúp cán bộ, đảng viên nông thôn thông suốt về chủ trương, đường lối của Đảng để thực hiện tốt hơn.

“Đối với một địa phương miền núi, vấn đề thực hiện chương trình xây dựng NTM không hề dễ dàng. Do vậy, ngay khi được lựa chọn về đích thôn NTM trong năm 2023, từ cán bộ, đảng viên đến người dân thôn Phú Thành đều băn khoăn, trăn trở nhiều vấn đề liên quan đến thực hiện các tiêu chí về thu nhập, vệ sinh môi trường hay phát triển các mô hình kinh tế...

Tham gia sinh hoạt chi bộ, tôi đã tiếp thu ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ để địa phương yên tâm, nỗ lực thực hiện các tiêu chí nhằm sớm hoàn thành kế hoạch đề ra. Qua việc dự sinh hoạt chi bộ tôi thấy cán bộ cấp huyện nên về cơ sở thường xuyên để nắm tình hình thực tế, gần dân hơn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.

Đây cũng là cơ hội giúp mỗi cán bộ, đảng viên thêm trưởng thành hơn, có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, bà Hồ Thị Sáu chia sẻ.

Đưa cán bộ về gần dân hơn

Ngày 28/8/2018, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Đakrông đã ban hành kế hoạch về “Đưa đảng viên là cán bộ, công chức cấp huyện về sinh hoạt chi bộ thôn, khóm của các xã, thị trấn”. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến việc tổ chức sinh hoạt chi bộ và việc tham gia sinh hoạt chi bộ của các cán bộ, công chức được phân công chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Từ đầu tháng 7/2023, BTV Huyện ủy Đakrông tiếp tục phân công, giới thiệu cán bộ, công chức cấp huyện về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, khóm thuộc đảng ủy các xã, thị trấn. Phân công Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy, Ủy viên BTV, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư các xã, thị trấn mình phụ trách.

Bí thư Huyện ủy Đakrông Nguyễn Trí Tuân cho biết: “Đảng bộ huyện Đakrông hiện có 45 TCCS đảng, 158 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và 78 chi bộ thôn, khóm. Việc phân công, giới thiệu cán bộ, công chức cấp huyện về tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, khóm thuộc Đảng ủy các xã, thị trấn là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó tạo điều kiện cho cán bộ, công chức cấp huyện được tiếp cận, sâu sát với cơ sở hơn, nắm rõ tình hình các địa phương, từ đó có sự chỉ đạo, lãnh đạo tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, qua hoạt động này cũng giúp chi bộ, đảng viên được tiếp cận thông tin nhanh chóng về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, có kỹ năng, nghiệp vụ công tác góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ngoài ra, năm 2023, Đảng bộ huyện Đakrông đã đề ra chủ đề “Vượt mọi khó khăn, nêu cao trách nhiệm, bám sát thực tiễn, hiệu quả hàng đầu” làm phương châm nên việc đưa cán bộ về sinh hoạt ở địa bàn dân cư càng mang ý nghĩa thiết thực”.

Mô hình chăn nuôi dê đem lại thu nhập khá của một đảng viên ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông -Ảnh: L.N

Mô hình chăn nuôi dê đem lại thu nhập khá của một đảng viên ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông -Ảnh: L.N

Theo đó, khi tham dự sinh hoạt tại chi bộ, cán bộ, công chức cấp huyện sẽ theo dõi, giám sát, nắm tình hình chi bộ khu dân cư tổ chức sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng.

Cung cấp cho chi bộ những thông tin mới nhất về tình hình thời sự nổi bật quốc tế, trong nước, thông tin về chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và những nội dung liên quan đến nhiệm vụ của địa phương, ngành, đoàn thể, lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách theo đề nghị của chi bộ, đảng ủy cơ sở.

Tham gia với chi bộ, cấp ủy, chính quyền cơ sở đề xuất BTV Huyện ủy, HĐND, UBND huyện hướng giải quyết những vấn đề nổi cộm ở địa phương, nhất là các vấn đề cấp ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của đảng ủy cơ sở và chi bộ nông thôn, thời gian qua, Huyện ủy Hải Lăng đã có kế hoạch cụ thể phân công cán bộ cấp huyện và thành lập Tổ chỉ đạo xã, thị trấn tham dự sinh hoạt chi bộ nông thôn.

Giúp cho đội ngũ cán bộ cấp huyện được phân công tham dự sinh hoạt chi bộ nông thôn sâu sát hơn với cơ sở, am hiểu thực trạng ở nông thôn và gắn trách nhiệm của mình với đơn vị, địa phương được phân công phụ trách.

Nắm, phản ánh tình hình, thực trạng ở cơ sở để tham mưu cho BTV Huyện ủy giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, nảy sinh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng ủy xã, thị trấn và chi bộ nông thôn, xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch vững mạnh, gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hải Lăng Hoàng Thị Phương Nam cho biết thêm: “Các đảng viên được phân công tham dự các kỳ sinh hoạt hằng tháng với chi bộ thường xuyên nghiên cứu, cập nhật, nắm vững chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của huyện, của xã, thị trấn và của chi bộ được phân công để tham gia ý kiến với chi bộ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTXH, đảm bảo QP- AN, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Tham gia ý kiến cùng chi bộ duy trì tốt và nâng cao chất lượng sinh hoạt, nâng cao năng lực lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của chi bộ. Giữ vững nguyên tắc sinh hoạt Đảng, phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ cá nhân gắn với trí tuệ tập thể; đoàn kết, chung sức xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch vững mạnh. Đồng thời, đây cũng là “cầu nối” thông tin hai chiều giữa cơ sở và huyện. Có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo huyện về tình hình của cơ sở và những vấn đề vướng mắc, bức xúc, nổi cộm. Quan tâm sắp xếp, bố trí thời gian để nắm tình hình cơ sở, từ đó có sự định hướng để lãnh đạo cũng như báo cáo với cấp trên. Làm tốt công tác truyền đạt chủ trương, chính sách của cấp trên về cơ sở và kịp thời khâu nối để giải quyết, xử lý các đề xuất, kiến nghị của cơ sở”.

Đi đôi với việc phân công cán bộ cấp huyện về dự sinh hoạt chi bộ cơ sở, Huyện ủy Hải Lăng còn thành lập các tổ về chỉ đạo xã, thị trấn. Theo đó, mỗi xã, thị trấn sẽ thành lập 1 tổ do Huyện ủy viên chỉ đạo xã, thị trấn làm tổ trưởng. Các tổ sẽ theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị để tham gia ý kiến với đảng ủy xã, thị trấn.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hải Lăng Hoàng Thị Phương Nam khẳng định thêm: “Việc phân công cán bộ cấp huyện tham dự sinh hoạt chi bộ nông thôn hằng tháng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là công tác Đảng, góp phần nâng cao vai trò của cấp ủy, chi ủy. Trước hết, khâu chuẩn bị các nội dung buổi sinh hoạt chu đáo và chặt chẽ hơn, các hoạt động của chi bộ trong tháng được đánh giá một cách khách quan và đầy đủ, trong đó có những việc làm được, chưa được để rút kinh nghiệm và bổ sung tháng tới. Bên cạnh đó, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được chuyển tải đến tận người dân một cách đầy đủ và kịp thời hơn. Mặt khác, cấp ủy viên về dự sinh hoạt với chi bộ nông thôn có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với thôn, khóm, góp phần nâng cao nhận thức, kinh nghiệm trong thực tiễn. Nhờ vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn ngày càng được nâng lên”.

Thanh Lê - Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/dang-gan-dan-dan-mot-long-theo-dang-bai-2-bam-co-so-sau-sat-thuc-tien/180185.htm