Dâng hương tưởng niệm 150 năm ngày mất ông tổ nghề nhiếp ảnh

Nhân kỷ niệm 150 năm (1874-2024) ngày mất danh nhân Đặng Huy Trứ, sáng 19/7, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà).

 Lễ dâng hoa, dâng hương tại nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà)

Lễ dâng hoa, dâng hương tại nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà)

Đặng Huy Trứ, tự Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tỉnh Trai, người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, nay thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cụ là một nhà Nho yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp thế kỷ XIX, một quan chức lớn triều Nguyễn có tư tưởng canh tân, cả cuộc đời cụ là một tấm gương sáng vì dân, vì nước, đồng thời là một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao.

Cụ còn được xem là thủy tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam khi cho thành lập hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường vào năm 1869 tại Hà Nội.

Cụ Đặng Huy Trứ xuất thân từ một dòng họ “danh gia vọng tộc”, ông nội là Đặng Quang Tuấn người hay chữ, hay thơ; bác ruột là Đặng Văn Hòa làm quan qua nhiều triều vua Nguyễn, làm tổng đốc nhiều tỉnh, thành và thân phụ là Đặng Văn Trọng nhiều lần được làm quan nhưng đều từ chối, xin đi theo con đường dạy học.

Được sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, lại được tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, Đặng Huy Trứ có dịp bộc lộ khí phách và tài năng, có những đóng góp tích cực và nổi trội về nhiều mặt cho quê hương và đất nước. Trong cuộc đời làm quan của mình, Đặng Huy Trứ đã làm được nhiều việc ích nước, lợi dân mà sử sách và đời sau còn ghi công tích. Với những cống hiến đó, Đặng Huy Trứ xứng đáng là một nhân tài xuất sắc đất Thuận Hóa, xứng danh là nhân vật văn hóa đặc sắc của dân tộc.

 Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ cụ Đặng Huy Trứ

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ cụ Đặng Huy Trứ

Sự nghiệp của cụ thể hiện trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, kinh tế, quân sự, văn học. Ở lĩnh vực nào Đặng Huy Trứ cũng có những nét đặc sắc riêng, đặc biệt là lĩnh vực thơ ca để lại cho nhân loại nhiều áng thơ sâu sắc, ý nghĩa nhưng tất cả đều tập trung vào một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân, đất nước. Cụ được xem là ngôi sao sáng trên vòm trời tri thức Việt Nam, càng nhìn càng sáng.

Cụ từ trần vào ngày 7/8/1874 (tức ngày 25/6 năm Giáp Tuất) tại Phú Thọ. Sau đó thi hài của cụ được đưa về quê và chôn tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Ban đầu mộ cụ được đắp bằng đất nằm trên khu đồi cao với con sông Bồ uốn khúc đằng xa là dãy núi Trường Sơn trùng trùng điệp điệp, với một phong cảnh hùng vĩ nên thơ. Đến năm 1930 để báo hiếu ông bà cha mẹ tổ tiên, bà Đặng Thị Sâm (còn gọi là Đặng Thị Sim - cháu nội của Đặng Huy Trứ sinh năm 1886 - con của ông Đặng Hữu Vĩ) đã bỏ tiền ra xây lăng cho cụ Đặng Huy Trứ.

Cũng vào năm 1930, cùng với việc xây mộ bà Sâm đã bỏ tiền của đứng ra xây dựng nhà thờ ngay tại mảnh đất của dòng họ ở làng Thanh Lương. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu nhà rường truyền thống gồm một gian hai chái lợp bằng ngói liệt, cửa được thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Di tích ngoài nhà thờ còn có các công trình như cổng, bình phong, tượng và phù điêu cụ Đặng Huy Trứ, nhà bia, sân.

Nhà thờ và lăng mộ của cụ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) Quốc gia vào năm 1991.

N. MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/dang-huong-tuong-niem-150-nam-ngay-mat-ong-to-nghe-nhiep-anh-143477.html