Đặng Hữu Lượng: Thơ với năng lượng tiếp cận và đánh thức hiện thực

Trên quê hương Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Vĩnh Bảo - Hải Phòng, trong đội ngũ những người cầm bút sáng tác, Đặng Hữu Lượng yêu văn chương và mê say sáng tác văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng, khi bước vào cuộc đời, anh lại làm một kỹ sư, nhiều năm dài gắn với vai trò chuyên gia 'Tư vấn, thiết kế xây dựng' cho cơ quan Thành ủy trên đất Cảng.

Làm xây dựng, nhưng Đặng Hữu Lượng luôn đề cao thơ, đề cao sự cao sang, thâm thúy của thơ. Anh nghiền ngẫm, chắt lọc. Anh đắn đo, thận trọng khi công bố, đăng tải những sáng tác của mình.

Lẽ ra, Đặng Hữu Lượng đã có vài ba tập cả thơ và văn xuôi từ năm, mười năm trước. Nhưng, “Cội nguồn năm tháng” - Tập thơ anh tuyển chọn trong tự thức “cứ chầm chậm đến mình” tới mùa thu này mới được “trình làng.” Với mỗi người cầm bút, có một quy luật riêng nào đó. Quả tình, những năm gần đây, khi tuổi đời đã qua nhiều trải nghiệm. Khi vốn sống, vốn chính trị, vốn hiểu biết… Nhất là, có một chấn động nào đó trong con tim thắp lửa, Đặng Hữu Lượng bỗng thăng hoa, nhập cuộc.

Anh viết nhiều. Viết hay. Viết như cày xới, ký thác những tâm tình, suy nghĩ của mình. Đặng Hữu Lượng viết nhiều về Hải Phòng, về Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Giang, Philippines, Thái Lan … Những miền quê, nơi anh từng đặt chân tới. Anh có tới gần bốn chục bài viết về các cây cầu thành phố. Nó như “một đặc sản riêng” của trang văn ở một đề tài, ở giá trị phản ánh trong mô tả, trong tái tạo và sáng tạo nghệ thuật.

Thơ Đặng Hữu Lượng là tiếng lòng của con tim thi sĩ. Thơ giàu chất trữ tình. Thơ ngọt lành, nồng đượm. Thơ thật xúc động khi viết về cha mẹ, về chị, về anh em, bạn bầu tri kỷ. Bài thơ “Ghen” đã làm nên thương hiệu của anh khi được nhiều bạn đọc yêu thích và nhớ.

Nhìn chung, thơ Đặng Hữu Lượng luôn nghiêng về ngoại giới. Thơ kiếm tìm vệt loang với sức lay động hồn mình qua những lát cắt biểu hiện một cách nhìn, cách nghĩ.

Thơ với năng lượng tiếp cận hiện thực, khai sáng hiện thực, Đặng Hữu Lượng đã tạo dựng được những bức tranh quê, qua đôi nét chấm phá giàu thi ảnh, thi liệu. Ví như:

Bên bờ sông Luộc, Quý Cao/Cây Quéo xòe ô cao vọi/Ngôi đền thiêng gần bảy trăm năm tuổi/ Quê tôi thờ Đại tướng quân - Nguyên soái Lương Toàn…”. Rồi: “Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò/ Những buổi cưỡi trên lưng con trâu già sứt mũi/ Buổi theo cha thả lờ, kéo lưới/ Bắt cá tôm bên Miếu Lác hoang sơ ...” (Đất quê mình).

Đấy là những nét khắc họa thuộc về trực giác. Thơ của Thi nhãn. Thơ của sự ôm trùm không gian. Thơ của lối thơ “Cảnh sinh Cảnh. Cảnh sinh Sự, sinh Tình”… Thơ Đặng Hữu Lượng đi vững trên nền truyền thống. Anh cứ dựa vào Không gian, Cảnh vật để qua đại giác mà tìm được cái “đại mộng” hồn mình. Những câu thơ thật “Gợi” khi bên cạnh chất trữ tình, chất ngọt ngào, thi vị… Là thơ hướng về chiều sâu trong tâm tình, trong giãi bày với sự bùng nổ của cảm rung, ngôn ngữ.

Ví như, khi đứng “Trên đỉnh Mẫu Sơn” anh viết: “Thả hồn trên đỉnh Mẫu Sơn/ Mây bay như thể sóng vờn xa xa/… Rồi: “Hồn ta thỏa sức vẫy vùng/ Hương thu đỉnh núi đã cùng ta say…”. Hoặc, khi trong phút bâng khuâng “Bên dòng Nho Quế”: “Cảnh quan đẹp đến không ngờ/ Sương giăng vách đá ảo mờ khỏa thân…”. Hoặc đây nữa, cùng trên mạch đi của thơ trong lối vận động ấy, khi “Về với Vị Xuyên, Hà Giang. Khi đến với Điện Biên, Tây Bắc. Khi lên miền linh thiêng Yên Tử. Hay khi đứng trước vùng mênh mang nước non Trà Cổ”... Đi đến đâu, Đặng Hữu Lượng cũng “nhân hứng tức sự,” hay, “tức cảnh sinh tình.”

Cùng các mảng đề tài được người viết quan tâm, Đặng Hữu Lượng còn mở rộng biên độ khai thác, như viết về hoa lan, về những người cao tuổi, về nhà giáo vùng cao… Một vệt đậm được Đặng Hữu Lượng khắc họa khá ấn tượng về những người thân yêu, máu thịt của mình. Và anh đã có được những câu thơ hay, ám ảnh khi những câu thơ thật sự đẻ ra từ tâm khảm hồn mình.

Ví như: Thơ: “Viết trong ngày giỗ Cha”: “Cả đời côi cút gọi cha/Chỉ nhìn di ảnh biết là cha thôi/ Mẹ nay cũng bỏ đi rồi/ Không cha, không mẹ con ngồi… lệ chan”. Hoặc, khi “Nhớ mẹ”: “Mẹ ơi con đã thất tuần/ Vẫn không quên được vũ vần mẹ xưa/ Một đời đội nắng chan mưa/ Một đời xuân sắc mà chưa được nồng/ Tròn trăng cất bước theo chồng/ Ngoại ba mươi đã gánh gồng con côi…”.

Hoặc, khi quặn lòng trong phút “Vĩnh biệt người anh”: “Mẹ già trĩu nặng tình thương/ Bên cha ai thắp tuần hương mỗi ngày/ Hồn thiêng anh hỡi có hay/ Đàn chim vắng một cánh bay bên trời…”. Mặc dù gia tài thi ca khiêm nhường song Đặng Hữu Lượng cũng đã để lại một số bài thơ hay, xúc động ở nhiều góc nhìn, góc khai thác, phát hiện nhiều thông điệp, phong phú, sâu sắc.

Với “Đặng Hữu Lượng - “Cội nguồn năm tháng” chính là sự nhập hòa, thống nhất giữa “Thơ và Gương mặt - Người thơ”.

Sau “Cội nguồn năm tháng”, Đặng Hữu Lượng còn một tập bút ký, truyện ngắn đang được anh hoàn chỉnh, chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc. Văn xuôi của Đặng Hữu Lượng là sự bộn bề, phong phú của “Cảnh huống, ảnh vật”... Của cái duyên tự sự, phẩm bình, của chiều sâu nơi tâm tình, ký thác.

Những trang viết của Đặng Hữu Lượng với gốc rễ của cái hay, giàu sức thuyết phục, đó là sự chân thực, tươi xanh, nồng đượm của hồn người cầm bút, nó giống như hạt thơm nơi mùa gặt. Hay, đấy là giọt nước mát lành?Hay tiếng xa vang nơi bến bờ kết đọng.

Đặng Hữu Lượng xứng đáng là một gương mặt thơ đáng yêu trong đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ của quê hương đất Cảng.

Kim Chuông

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/dang-huu-luong-tho-voi-nang-luong-tiep-can-va-danh-thuc-hien-thuc-i748954/