Đăng kiểm 'không giấy' tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Không cần phải xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ, doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm ô tô mới chỉ cần ngồi nhà thực hiện qua môi trường điện tử.
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Anh Phạm Trường, nhân viên phụ trách làm thủ tục, giấy tờ kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện nhập khẩu của công ty chuyên về kỹ thuật tại Hà Nội chia sẻ, cách đây 9 năm, để xin cấp giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật cho lô xe nhập khẩu, anh và đồng nghiệp phải sắp xếp thời gian đến Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) từ sớm để xếp hàng, chờ nộp hồ sơ, cùng nhân viên tiếp nhận đối chiếu danh sách các giấy tờ, ký xác nhận, sau đó về nhà chờ.
Đợt nào hồ sơ nộp lên bị thiếu, chờ văn bản trả lời của Cục thông qua đường công văn, anh lại tất bật hoàn thiện, xếp hàng lại lần 2 nộp giấy tờ và chờ đợi. Sau 5 ngày có kết quả lại đến Cục để lấy.
"Việc nộp hồ sơ thủ công vừa mất thời gian, mất thêm chi phí khi phải đi lại nhiều lần, việc tiếp nhận thông tin liên lạc giữa doanh nghiệp và Cục cũng chậm trễ vì phải qua trao đổi văn bản", anh Trường nói và cho biết: Tình trạng này đã chấm dứt vào tháng 5/2015, khi Cục Đăng kiểm triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với việc cấp giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Theo anh Trường, chỉ cần ngồi ở công ty nộp hồ sơ online, chừng vài phút thao tác, anh sẽ nhận được mã số hồ sơ được tiếp nhận trên cổng dịch vụ công trực tuyến, mà không cần phải đến Cục Đăng kiểm.
"Nếu hồ sơ chưa đủ sẽ được người tiếp nhận xử lý hướng dẫn, đề nghị bổ sung trực tiếp qua mạng, giấy chứng nhận cũng được nhận trực tuyến mà còn nhanh hơn so với trước (chỉ khoảng 2 ngày sau khi hồ sơ được tiếp nhận thay vì tối đa 5 ngày như trước). Vừa tiết kiệm thời gian lại tiết kiệm chi phí vì không phải đi lại nhiều. Ước chừng giảm đến một nửa thời gian chờ đợi và tiết kiệm 80% chi phí", anh Trường nói.
Liên thông dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước
Chị Đoàn Thanh Thảo, một khách hàng thường xuyên làm thủ tục trong lĩnh vực trên cho biết thêm, không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận qua môi trường điện tử, Cục ĐKVN còn thực hiện liên thông Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, xe sản xuất lắp ráp trong nước với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Nhờ đó, chị Thảo không cần phải đến Cục ĐKVN nhận bản giấy để mang sang các đơn vị trên khi nộp thuế cũng như thông quan phương tiện, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ngoài được liên thông với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Giấy chứng nhận của phương tiện được cấp trực tuyến lên Cổng thông tin một cửa quốc gia do đó, còn được cơ quan công an sử dụng để làm thủ tục đăng ký xe cho người dân hay đơn vị đăng kiểm sử dụng để kiểm định xe lưu hành.
Ông Nguyễn Quang Đạt, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm chuyển đổi số, dữ liệu phương tiện quốc gia và tập huấn nghiệp vụ (Cục ĐKVN) cho biết, sau 2 năm triển khai tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử cho các lĩnh vực theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tham gia cơ chế một cửa điện tử quốc gia, đến năm 2017, 100% doanh nghiệp nhập khẩu hoạt động trong lĩnh vực trên đã chuyển sang phương thức hồ sơ điện tử.
Ông Trần Hoàng Phong, Quyền Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Phòng VAQ), Cục ĐKVN cho biết thêm, hiện nay, dữ liệu đăng kiểm xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được số hóa hoàn toàn nên có thể đáp ứng được các yêu cầu về chia sẻ dữ liệu phương tiện với các cơ quan nhà nước có liên quan, đồng thời, giúp quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu của phương tiện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu toàn quốc.
Thống kê cho thấy, những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Phòng VAQ xử lý trên 300.000 hồ sơ phương tiện 100% trực tuyến.
Theo ông Phong, khi chưa có hệ thống trực tuyến, lượng phương tiện tuy ít vẫn mất đến 5 ngày làm việc vất vả mới xử lý xong các công đoạn và trả kết quả cho doanh nghiệp thì nay dù lượng phương tiện lớn, chỉ mất tối đa 2 ngày để hoàn thành.
Do đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn giúp Phòng Chất lượng xe cơ giới nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.
Theo quy định, doanh nghiệp nhập khẩu phương tiện cơ giới cần phải được Cục Đăng kiểm VN cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu mới được thông quan xe về Việt Nam.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trước khi xuất xưởng phương tiện cũng phải thực hiện thủ tục xin cấp "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng" cho phương tiện, trước khi ra mắt và bán trên thị trường.