Đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển: Cần 'chiến thuật' hợp lý

Từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7/2025, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Hoạt động tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2025. Ảnh: TG

Hoạt động tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2025. Ảnh: TG

Các chuyên gia lưu ý, thí sinh cần làm đầy đủ quy trình các bước và có “chiến thuật” đăng ký hợp lý để không sơ sẩy “trượt oan”.

Không dừng lại và thoát ra giữa chừng

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các ngành/chương trình phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh phải thực hiện hết quy trình đăng ký xét tuyển từ đầu đến cuối, cho đến khi những nguyện vọng này được Hệ thống xác nhận. Thí sinh không được dừng lại và thoát ra giữa chừng, vì như vậy các thao tác chưa được Hệ thống ghi nhận.

Khi đổi nguyện vọng, thí sinh thực hiện tương tự, phải chú ý tới các bước cuối cùng. Ở các mùa tuyển sinh trước, có thí sinh đã điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng nhưng lại không thực hiện đến bước cuối cùng, do đó, Hệ thống không ghi nhận sự thay đổi mà quay trở lại nguyện vọng đăng ký trước. Với thí sinh trúng tuyển thẳng, cơ sở đào tạo phải đưa lên Hệ thống để xử lý nguyện vọng theo lịch chung.

Để tránh sơ suất, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội tư vấn, khi nhập nguyện vọng lên Hệ thống, thí sinh cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) đến các nguyện vọng tiếp theo. Dù xét tuyển bằng phương thức nào, thì thí sinh cũng nên đặt nguyện vọng thực sự yêu thích nhất, mong muốn trúng tuyển nhất lên đầu tiên (nguyện vọng 1). Điều này đảm bảo quyền lợi, giúp các em có cơ hội trúng tuyển nguyện vọng cao nhất, tốt nhất trong tất cả nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Do đó, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại khuyên thí sinh không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng. Điều này vô hình trung làm giảm cơ hội trúng tuyển. Các em nên có chiến lược, chiến thuật đăng ký nguyện vọng một cách phù hợp. Theo đó, không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào một nhóm những ngành, trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

“Ở mùa tuyển sinh trước, có trường hợp đăng ký hơn 100 nguyện vọng. Điều này không cần thiết, thậm chí gây lãng phí”, ông Nguyễn Quang Trung chia sẻ, đồng thời khuyến nghị, thí sinh nên chia nguyện vọng thành các nhóm: Trường tốp đầu, tốp trung, tốp dưới, nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Nghĩa là các em không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà nên dàn trải “danh mục đầu tư nguyện vọng” của mình để giảm thiểu rủi ro.

 Thí sinh dự thi năng khiếu vào Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: NTCC

Thí sinh dự thi năng khiếu vào Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: NTCC

Tránh “trượt oan”

Nhấn mạnh, thí sinh không được bỏ qua tiêu chí phụ (nếu có), GS.TS Lê Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, một số trường đại học có đưa ra tiêu chí phụ khi xét tuyển, nếu thí sinh không chú ý có thể dẫn đến “trượt oan”.

Theo hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (trang Nghiệp vụ) về thông tin tuyển sinh, nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tốt nghiệp, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, V-SAT (nếu có), điểm kết quả học tập cấp THPT (đối với các thí sinh đang học lớp 12 năm 2025), các minh chứng về ưu tiên và phần mềm xét tuyển (các cơ sở đào tạo phải cập nhật đúng phiên bản phần mềm xét tuyển)... để giúp các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh thuận lợi.

Cơ sở đào tạo cần lưu ý, Hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào cơ sở đào tạo khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà cơ sở đào tạo gửi lên Hệ thống, không có chức năng điều chỉnh chỉ tiêu, điểm chuẩn mà cơ sở đào tạo đã xác định. Hệ thống không xét tuyển thay cho các cơ sở đào tạo.

Bộ GD&ĐT cho biết, cơ sở đào tạo sẽ nhận được đầy đủ thông tin ưu tiên của thí sinh sau khi thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống. Các cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển không được đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho thí sinh trái với quy định của Chính phủ về bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính.

Các cơ sở đào tạo phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định về danh sách trúng tuyển. Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào cơ sở đào tạo là được Hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại cơ sở đào tạo (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do cơ sở đào tạo tải lên Hệ thống) sau khi xử lý nguyện vọng lần cuối ngày 20/8/2025. Các cơ sở đào tạo tuyệt đối không được điều chỉnh Danh sách trúng tuyển chính thức này.

Thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành. Vì vậy, các cơ sở đào tạo có sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp để xét tuyển thì phần mềm phải xét tuyển tất cả phương thức, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh (nếu thí sinh đáp ứng các quy định) theo đúng thông tin tuyển sinh đã công bố.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở đào tạo phải bố trí bộ phận thường trực, gồm: Cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, nắm vững quy chế để giải đáp thắc mắc liên quan đến công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh được sử dụng các phòng máy tính nối mạng Internet của cơ sở đào tạo để thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển (nếu thí sinh có nhu cầu).

Bộ GD&ĐT lưu ý, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh, quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo, không đăng ký nguyện vọng vào ngành, chương trình đào tạo không đủ điều kiện. Trường hợp cơ sở đào tạo có tổ chức các hình thức đăng ký xét tuyển riêng, nộp hồ sơ và các minh chứng trực tiếp hoặc trực tuyến tại cơ sở đào tạo, thí sinh vẫn thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo nhưng đồng thời phải đăng ký trên Hệ thống để được xét tuyển chung với tất cả thí sinh khác.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dang-ky-dieu-chinh-bo-sung-nguyen-vong-xet-tuyen-can-chien-thuat-hop-ly-post740352.html