Đăng ký kinh doanh dạy thêm, giáo viên cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Theo quy định mới nhất của Bộ GD&ĐT, mọi tổ chức hoặc cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường đều phải đăng ký kinh doanh.

Căn cứ Điều 7, Thông tư 105/2020 của Bộ Tài chính, hộ kinh doanh, doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh dạy thêm cần thực hiện thủ tục đăng ký thuế lần đầu như sau:

Với hộ kinh doanh dạy thêm cần chuẩn bị các giấy tờ sau nộp tại chi cục thuế gồm:

Tờ khai đăng ký thuế;
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu có);
Bản sao thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam;
Bản sao hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

Với doanh nghiệp cần chuẩn bị các giấy tờ sau nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp gồm:

Tờ khai đăng ký thuế;
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Bản sao căn cước công dân/hộ chiếu của người đại diện pháp luật;
Giấy ủy quyền (nếu có).

Ngoài ra, ở một số trường hợp sẽ yêu cầu các giấy tờ khác, giáo viên cần tuân thủ đúng quy định:

Quyết định bổ nhiệm giám đốc, kế toán trưởng nếu doanh nghiệp đã có giám đốc, kế toán trưởng, cần cung cấp quyết định bổ nhiệm của họ.
Mẫu đăng ký phương pháp khấu hao tài sản cố định nếu doanh nghiệp có tài sản cố định, cần đăng ký phương pháp khấu hao tài sản cố định.
Tờ khai đăng ký hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn: Doanh nghiệp cần đăng ký hình thức kế toán (kế toán Việt Nam hoặc kế toán quốc tế) và đăng ký sử dụng hóa đơn (hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn giấy).
Giấy đề nghị cấp mã số thuế.

Có 3 việc cần làm sau khi đăng ký kinh doanh dạy thêm. (Ảnh minh họa)

Có 3 việc cần làm sau khi đăng ký kinh doanh dạy thêm. (Ảnh minh họa)

Niêm yết thông tin tại cơ sở dạy thêm

Theo quy định tại điểm b khoản 6 Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT, cá nhân, tổ chức kinh doanh dạy thêm phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về:

Các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp.
Địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm.
Danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Nộp báo cáo cho hiệu trưởng

Sau khi đăng ký kinh doanh dạy thêm, giáo viên cần nộp báo cáo cho người đứng đầu về việc dạy thêm. Điều này cũng được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2024.

Cụ thể, nếu giáo viên đang dạy học tại các nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Đồng thời, người dạy thêm phải đảm bảo có đầy đủ phẩm chất, đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học dạy thêm.

Anh Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dang-ky-kinh-doanh-day-them-giao-vien-can-chuan-bi-nhung-giay-to-gi-ar922213.html