Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2025: Thí sinh phải biết 'liệu cơm gắp mắm'
Thí sinh sẽ còn gần 1 tuần nữa để đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường trong mùa tuyển sinh đại học năm 2025. Sau 17h, ngày 28-7-2025, hệ thống đăng ký xét tuyển đại học của Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ chính thức đóng lại để thực thiện quy trình tiếp theo là lọc nguyện vọng ảo và sẽ công bố kết quả trúng tuyển.

Thí sinh Đồng Nai tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào đại học năm 2025 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Trường đại học Lạc Hồng (phường Trấn Biên). Ảnh: Công Nghĩa
Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó giám đốc Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào đại học sắp kết thúc, thí sinh phải thật thận trọng khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Đặc biệt, thí sinh phải biết “liệu cơm gắp mắm” khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, từ đó gia tăng cơ hội trúng tuyển”.
Thận trọng khi đăng ký nguyện vọng
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025, em Nguyễn Thị Thu Hương, học sinh Trường THPT Trấn Biên, đạt 26 điểm ở 3 môn Toán, Hóa, Sinh. Với điểm số này thì ước mơ trở thành sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) của em khó thành hiện thực. Sau khi phân tích kỹ cơ hội trúng tuyển, em quyết định chuyển hướng sang đăng ký học ngành thương mại điện tử của Trường đại học Ngoại thương (Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong khi đó, em Đoàn Nguyễn Thắng, cựu học sinh Trường THPT Ngô Quyền (phường Trấn Biên), cho biết trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 em được 29 điểm ở 3 môn Toán, Lý, Hóa. Với số điểm này, em cơ bản an tâm về cơ hội trúng tuyển vào ngành sư phạm toán của Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. “Các năm trước, điểm chuẩn vào ngành sư phạm toán từ 27 điểm. Năm nay, điểm thi tốt nghiệp ở môn Toán thấp hơn các năm trước, vì vậy em hy vọng điểm chuẩn sẽ thấp hơn chút nữa” - Thắng bày tỏ.
Không chỉ các thí sinh, nhiều phụ huynh cũng cảm thấy lo lắng trước quyết định lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học của con mình. Anh Nguyễn Minh Trường, ở xã Long Thành, chia sẻ: “Con tôi có nguyện vọng xét tuyển vào Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ở tổ hợp xét tuyển 3 môn là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, con chỉ đạt 23 điểm. Với điểm số này, tôi cũng rất băn khoăn khi điểm chuẩn các năm trước của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đều cao hơn đáng kể”.
Anh Trường chia sẻ thêm, để trúng tuyển đại học nguyện vọng 1, anh đã thống nhất với con chưa đưa ra quyết định đăng ký xét tuyển đại học trước ngày 26-7-2025, để anh còn nhờ các giáo viên và những người có kinh nghiệm tư vấn. Nếu cơ hội trúng tuyển vào Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh không cao, anh sẽ cùng con đưa ra quyết định chọn học ngành kinh tế ở một trường đại học khác, vừa tầm với lực học của con hơn.
Tiến sĩ ĐOÀN MẠNH QUỲNH, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai:
Không nên “soạn” quá nhiều nguyện vọng xét tuyển
Thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng và số lần điều chỉnh nguyện vọng khi xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, không nên “soạn” cho mình quá nhiều nguyện vọng, trong đó ưu tiên cao nhất vẫn là nguyện vọng 1. Đối với nguyện vọng 1 thì phải suy nghĩ thấu đáo về cơ hội trúng tuyển, sở thích, sở trường với nguyện vọng này ra sao trước khi đăng ký xét tuyển.
Khó đoán điểm chuẩn cao hay thấp
Đến nay, nhiều trường đã đưa ra mức điểm sàn xét tuyển đại học năm 2025. Có trường đưa ra mức điểm sàn từ 16-20 điểm, nhưng có trường đưa ra ngưỡng điểm sàn rất rộng, từ 16-24 điểm với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Đối với điểm thi đánh giá năng lực, các trường có mức thấp nhất là 620 điểm đến 850 điểm. Mức điểm sàn xét tuyển năm nay của các trường được đánh giá là tương đương các năm trước. Tuy nhiên, thí sinh cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm trúng tuyển hoàn toàn khác nhau, có thể điểm chuẩn trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn rất nhiều.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh, một trong những yếu tố quan trọng, tác động hình thành mặt bằng điểm chuẩn năm nay chính là phổ điểm thi, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, thời gian xét tuyển ngắn và tập trung chỉ trong thời gian ngắn. Với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã được Bộ Giáo dục và đào tạo công bố ngày 16-7 vừa qua, các chuyên gia tuyển sinh dự đoán, điểm chuẩn năm nay của các trường đại học tốp trên có thể sẽ giảm từ 0,5-1 điểm so với các năm trước, trong khi đó các trường tốp dưới vẫn có thể ổn định.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng điểm chuẩn tuyển sinh đại học năm 2025 khó đoán. Khó đoán nhất vẫn là ở những trường, nhóm ngành có mức điểm chuẩn của các năm trước trong khoảng 20-24 điểm (cũng là mức điểm phổ biến trong kỳ thi năm nay). Vì vậy, thí sinh càng phải thận trọng hơn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, đặc biệt là nguyện vọng 1, bởi đây là nguyện vọng quan trọng và cần được ưu tiên nhất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường đại học Lạc Hồng (phường Trấn Biên), thí sinh cần căn cứ điểm số mình đạt được trong kỳ thi đánh giá năng lực và tốt nghiệp THPT để đưa ra quyết định đăng ký xét tuyển. Nếu thí sinh có điểm thi cao thì có thể tự tin “cạnh tranh” ở những trường tốp trên, nhưng nếu điểm thi chỉ từ 20 điểm trở xuống/3 môn thì thí sinh phải lượng sức mình để đưa ra lựa chọn phù hợp. Cần tránh tự gây áp lực cho bản thân, hay tự đặt mình vào rủi ro khi điểm thi không cao mà vẫn cố đăng ký vào những trường tốp trên, có mức độ cạnh tranh rất gay gắt.