Đăng ký, quản lý mã vùng trồng cho nông sản - hướng đi mới cần được nhân rộng

Trong những năm trở lại đây, ở tỉnh Đồng Tháp, cây khoai lang trở thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, người trồng khoai lang vẫn trong tình trạng bấp bênh vì người nông dân tự ý phá vỡ quy hoạch khi gặp biến động thị trường. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến thương mại, bao tiêu đầu ra sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm này vẫn chưa được địa phương chú trọng. Để giảm thiểu rủi ro với người nông dân trồng khoai lang, nhất là đối với những vùng trồng chuyên canh như: xã Hòa Tân, xã Phú Long của huyện Châu Thành, ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ bà con xây dựng quy trình canh tác để đăng ký mã vùng trồng, sau khi người nông dân được đăng ký mã vùng trồng, việc tiêu thụ khoai lang đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Vùng trồng khoai lang tập trung của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Ái Vân

Vùng trồng khoai lang tập trung của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Ái Vân

Trên thực tế, cây khoai lang có giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa, khi thị trường giá khoai lang lên cao, người nông dân ồ ạt chuyển sang trồng loại cây này. Tuy nhiên, gần đây, thị trường xuất khẩu khoai lang cũng như giá cả của khoai không ổn định. Vì vậy, khi khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sẽ mở ra lối thoát cho người dân trồng cây khoai lang hiện nay, đầu ra cho sản phẩm ổn định sẽ giúp định hình các vùng sản xuất trọng yếu, đưa nông dân tiếp cận sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn.

Ông Phạm Văn Bé Tám, người dân trồng khoai ở xã Phú Long cho biết: "Trước khi có mã vùng trồng thì việc bán và tiêu thụ khoai lang rất khó khăn, khi đến vụ thu hoạch, người dân phải tự đi tìm thương lái để bán. Đến khi đăng ký được mã vùng trồng rồi thì các công ty tự tìm đến mình để hợp đồng mua sản phẩm trước khi khoai được thu hoạch. Trước đây, thương lái đến mua rồi ấn định ngày thu hoạch, người nông dân thu hoạch xong thì thương lái đến thu gom. Còn bây giờ có mã vùng trồng rồi thì doanh nghiệp thu mua, còn mình chỉ biết thu hoạch thôi. Chúng tôi cứ yên tâm sản xuất, đảm bảo cho sản phẩm đạt chất lượng tốt theo quy trình của VietGAP để xuất khẩu".

Với sự đòi hỏi về chất lượng, người dân trồng khoai lang bắt đầu quan tâm hơn đến quy trình canh tác an toàn, chất lượng khoai được nâng cao hơn trước đây. Khi chưa có mã số vùng trồng, mỗi hộ dân có quy trình canh tác khác nhau, nhất là về lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tùy theo kinh nghiệm trồng trọt của từng người. Sau khi đăng ký mã vùng trồng, bà con có quy trình canh tác thống nhất để đảm bảo chất lượng.

"Khi có mã vùng trồng, tôi làm theo quy trình từ khâu chuẩn bị đất, xuống giống rồi chăm sóc, ghi lại nhật ký bón phân và phun thuốc theo đúng hướng dẫn. Người ta kiểm tra việc mình bón phân, phun thuốc trừ sâu và thời gian cách ly để thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP, còn bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì phải theo danh mục cho phép. Gia đình tôi trồng theo mã vùng đăng ký là 1ha, bây giờ chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại là có thể biết được lúc nào nên bón phân và phun thuốc. Trước đây, chúng tôi dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khi thu hoạch, lượng thuốc còn trên đất tương đối nhiều. Bây giờ dùng đúng liều lượng quy định, khoai sẽ đảm bảo chất lượng và năng suất hơn" - ông Nguyễn Hữu Tâm, xã Phú Long cho biết.

Mã vùng trồng là điều kiện bắt buộc để truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu mang lại sự ổn định đầu ra, có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài việc hỗ trợ người trồng khoai lang canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, có doanh nghiệp ký kết sản phẩm đầu ra cho bà con nhằm đảm bảo lợi ích cho các hộ tham gia trong liên kết sản xuất. Để được cấp mã vùng trồng thì bà con nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cùng chung tay quản lý tốt nhất về sâu bệnh hại, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm.

Xây dựng mã vùng trồng là một trong những khâu then chốt trong việc xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng. Mã số vùng trồng là cơ sở để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa nông sản của mình, mục đích chính là kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại đến vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Tuy nhiên, một số hộ nông dân và chủ vườn chưa mặn mà lắm với việc đăng ký mã vùng trồng sầu riêng, nguyên nhân có thể là do giá cả sầu riêng hiện nay tương đối cao, tiêu thụ tương đối dễ dàng nên ít người quan tâm. Tuy nhiên, muốn sầu riêng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thì đòi hỏi đầu tiên phải có mã vùng trồng. Mã vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản.

Nên đăng ký vùng trồng khi cây sầu riêng ra hoa. Ảnh: Ái Vân

Nên đăng ký vùng trồng khi cây sầu riêng ra hoa. Ảnh: Ái Vân

Tuy nhiên việc cấp, quản lý và sử dụng mã vùng trồng sầu riêng còn gặp một số khó khăn như vùng sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết giữa đại diện vùng trồng và đơn vị xuất khẩu thiếu tính bền vững. Ngoài ra hầu hết ở vườn sầu riêng mới trồng, nhà vườn phải trồng xen kẽ với các loại cây khác để lấy ngắn nuôi dài, nên để thuận lợi cho việc đăng ký mã vùng trồng theo quản lý của ngành chuyên môn thì phải sau 4 năm thì sầu riêng có trái là thích hợp nhất. Mỗi mã vùng trồng là 10ha đăng ký cho một mã số, nếu diện tích không được tập trung thì sẽ gom lại một ấp hoặc một khu vực thì được 10ha thì sẽ đăng ký mã số vùng trồng theo quy định.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành cho biết: Để đăng ký sớm mã vùng trồng đối với cây sầu riêng cũng bất tiện vì diện tích trồng cây sầu riêng còn có những cây trồng xen kẽ khác trên cùng một diện tích. Chúng tôi vận động bà con đến năm thứ 4 thì đăng ký mã vùng trồng, vì đăng ký sớm quá, mình cũng chưa có sản lượng sầu riêng, năm thứ 4 cây mới cho ra hoa thì lúc đó mình đăng ký mã vùng trồng là hợp lý nhất.

Theo các nhà chuyên môn, để được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì những vườn trồng sầu riêng cần có chứng chỉ sản xuất nông nghiệp tốt hoặc hồ sơ ghi chép tại vùng trồng phù hợp với tiêu chuẩn GAP, việc quản lý vệ sinh vườn trồng phải được trú trọng như: cành tán phải được cắt tỉa, dọn dẹp tàn dư thực vật, chăm sóc kịp thời... Sầu riêng là loại cây ăn quả lâu năm, cầu đầu tư lâu dài, vốn lớn, vì vậy, xác định trồng sầu riêng phải tính tới hướng lâu dài để đạt năng suất và thuận lợi trong chăm sóc, quản lý, thiết kế mương, mật độ trồng, kỹ thuật đắp mô, nhất là khâu xử lý khi ra bông.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tâm cho biết thêm, huyện đang tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc liên kết và tiêu thụ. Hiện nay, toàn huyện được cấp 23 mã vùng, riêng xã Phú Long có 13 mã vùng trồng. Dự kiến, năm 2024 sẽ cấp mới 80 mã vùng trồng với diện tích khoảng 5.200ha.

Có thể nói, việc xây dựng mã vùng trồng đang góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện Châu Thành phát triển theo hướng bền vững. Qua đó, giúp nông dân tăng thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-ky-quan-ly-ma-vung-trong-cho-nong-san-huong-di-moi-can-duoc-nhan-rong-post472420.html