Đăng ký xét tuyển đại học: Ưu tiên chọn ngành hay ưu tiên trúng tuyển đại học?
Trong buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức chiều 29-7, rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của thí sinh (về những tính toán khi xác nhận nguyện vọng trúng tuyển sớm, cách thức tham khảo khi đăng ký thêm nguyện vọng, kiểm tra lại nguyện vọng đăng ký...) đã được các chuyên gia, đại diện cơ sở đào tạo giải đáp.
* 17 giờ ngày 30-7: Kết thúc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT
Chọn ngành để quyết định tương lai
Gửi câu hỏi đến buổi giao lưu, em Nguyễn Thị Hằng Nga (huyện Củ Chi, TPHCM) băn khoăn: “Giữa chọn ngành và trúng tuyển đại học, nên ưu tiên chọn cái nào trước? Nhiều anh chị trước em học một ngành này mà ra trường lại làm ngành khác, vậy lựa chọn thế nào là đúng nhất. Kính nhờ các thầy giải đáp giúp?”. Th.S Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, chia sẻ: “Học một ngành nhưng khi ra trường chúng ta có thể làm nhiều công việc khác sau. Khi chọn một công việc cũng cần phải học thêm nhiều kiến thức để bổ trợ. Do đó, các anh/chị trước em học một ngành, ra trường lại làm ngành khác, nhưng ngành đó vẫn phù hợp với kiến thức mà anh/chị đã lựa chọn thì vẫn phát triển tốt. Thầy muốn nhấn mạnh là, mình cần chọn nghề trước (dựa trên năng lực, sở thích, sở trường của bản thân) rồi mới chọn ngành học. Tiếp đó, các em chọn môi trường học sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, với khả năng của bản thân”.
Giải đáp câu hỏi của em Nguyễn Quốc Bảo (Gia Lai) về “những tiêu chí quan trọng để chọn đúng ngành, chọn đúng trường học”, Th.S Thái Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM, nhấn mạnh, “chọn ngành học là chọn tương tai” và lưu ý các thí sinh cần vượt qua những tác động tư tưởng, quan điểm mang tính áp đặt hoặc chưa phù hợp với bản thân (như: chọn theo người thân, theo bạn bè, theo “mác” của ngành, của trường) mà không nghĩ đến các yếu tố cá nhân hoặc nghề nghiệp... Cùng đó, các em cần tìm hiểu nhiều nhất có thể về nghề, ngành muốn theo học, như tính chất công việc, khối lượng công việc, yêu cầu của nghề nghiệp, môi trường làm việc, những cơ hội, những thách thức, khó khăn, thuận lợi của nghề nghiệp đó...
Theo Th.S Trà Thanh Trung, sau khi kết thúc đăng ký điều chỉnh nguyện vọng, từ ngày 31-7 đến ngày 6-8 thí sinh phải thực hiện nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu không thực hiện nộp lệ phí thì các nguyện vọng đã đăng ký trên hệ thống, kể cả những nguyện vọng đã trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị và hệ thống sẽ loại bỏ khi thực hiện xét tuyển. Do đó, thí sinh nên nắm kỹ các thời hạn thanh toán theo từng khu vực mà Bộ GD-ĐT quy định để hoàn thành đúng thời hạn quy định.
Còn một ngày để thí sinh tính toán
Trước những lo lắng của thí sinh về việc làm sao để chắc chắn trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm, Th.S Lưu Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, dành lời khuyên: “Thí sinh đã trúng tuyển vào các trường bằng các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, điểm các kỳ thi riêng, xét tuyển theo đề án tuyển sinh của các trường, nếu không muốn đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoặc điều chỉnh, lựa chọn ngành nghề khác thì các em chỉ cần xác nhận lại trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT và để nguyện vọng 1. Trong hôm nay (30-7), các em nên kiểm tra lại lần cuối để đảm bảo các thông tin đăng ký đã chính xác. Các em đã trúng tuyển vào đúng ngành mình đã lựa chọn cũng nên đặt nguyện vọng 1 trên hệ thống.
Th.S Trà Thanh Trung, Trưởng phòng Phụ trách bộ phận đại học chính quy, Ban Đào tạo Đại học, Đại học Quốc gia TPHCM, lưu ý thêm, hiện nay, cơ bản các em đã hoàn tất việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vào các trường đại học. Tuy nhiên, sẽ không thừa khi ngày cuối cùng các em nên đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra lại lần cuối các nguyện vọng mình đã đăng ký. Hiện có rất nhiều em đã trúng tuyển sớm ngành Khoa học máy tính ở trường khác nhưng với điểm thi tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) đạt 25 điểm đã điều chỉnh, đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM). Việc này rất phiêu lưu vì điểm chuẩn 2 năm gần nhất của ngành Công nghệ thông tin ở hai trường này là trên 26 đến 28 điểm. Do đó, thí sinh nên tận dụng ngày cuối của đợt xét tuyển để tính toán lại cho chắc để không rơi vào tình thế từ đậu thành rớt.
Ngày 29-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024.
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến 12 giờ ngày 29-7, đã có 702.762 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Hệ thống trong những ngày qua hoạt động ổn định. Thời điểm kết thúc đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT là 17 giờ ngày 30-7.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, đến thời điểm này, các quy trình về tuyển sinh diễn ra thuận lợi. Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT hoạt động trơn tru. Về việc có nhiều phương thức tuyển sinh, xét tuyển sớm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, cần thống nhất để nghiên cứu, điều chỉnh quy chế tuyển sinh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nhưng đặt lợi ích của người học lên hàng đầu.
Theo quy chế tuyển sinh, từ ngày 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 31-7, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên hệ thống. Trước 17 giờ ngày 19-8, thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Chậm nhất là 17 giờ ngày 27-8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
LÂM NGUYÊN
>> Chi tiết buổi giao lưu trực tuyến