Đang làm đồng, người phụ nữ đột nhiên liệt cả 2 chân

Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa thông tin, vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân đột ngột bị liệt 2 chân khi đang lao động ngoài đồng ruộng.

Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Cụ thể, bệnh nhân nữ tên là T. T. L (56 tuổi, cư trú tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Theo lời người nhà bệnh nhân thông tin lại, trong khi bệnh nhân đang làm ruộng thì cảm thấy đau lưng sau đó 2 chân đột ngột không đi lại được.

Bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng 2 chân bị tê liệt, đau lưng.

Sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhận định, nguyên nhân đột ngột gây liệt 2 chân của bệnh nhân không xuất phát từ hệ thống cơ xương khớp. Kết quả siêu âm mạch máu ghi nhận bệnh nhân bị tắc động mạch chi cấp tính do huyết khối 2 chi dưới.

Bệnh nhân được hội chẩn chuyên khoa phẫu thuật Mạch máu, Chấn thương và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy huyết khối. Sau phẫu thuật 7 ngày, bệnh nhân phục hồi tốt, mạch mu chân hai bên rõ, các ngón chân ấm, chân cử động bình thường, sức khỏe ổn định đang được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

BS. Mai Thành Thắng – Khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, Trưởng kíp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: “Bệnh nhân bị tắc mạch chi dưới cấp tính trên nền rung nhĩ, hiện tại sau phẫu thuật lấy huyết khối, hai chân đã ổn định và cử động được.

Tuy nhiên, trường hợp của bệnh nhân T.T.L phẫu thuật mới chỉ là điều trị xong hậu quả của tình trạng hẹp tắc mạch máu. Bệnh nhân vẫn phải tiếp tục được hội chẩn các chuyên khoa Nội Tim mạch, Chấn thương để theo dõi, tiếp tục điều trị và kiểm soát các bệnh lý tim mạch".

Hình ảnh huyết khối được phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Hình ảnh huyết khối được phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Tắc động mạch chi cấp tính là một cấp cứu nội - ngoại khoa mạch máu, đòi hỏi phải được chẩn đoán kịp thời, điều trị nhanh và kết hợp cả dùng thuốc và phẫu thuật, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ tử vong của bệnh vẫn còn cao (20-25%) và tỷ lệ tàn phế do cắt cụt chi cũng chiếm đến 30% do đa số người bệnh được điều trị bệnh ở giai đoạn muộn.

Quá trình hoại tử chi bắt đầu diễn ra 4 giờ sau khi có tình trạng tắc mạch chi. Trước đây, phẫu thuật điều trị tắc mạch chi cấp tính chỉ có một phương pháp duy nhất là cắt cụt chi.

Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của y học cũng như hiểu biết đầy đủ về cơ chế sinh bệnh, điều trị tắc động mạch chi đã có rất nhiều thay đổi, trong đó phải kể đến sự ra đời của kỹ thuật lấy cục máu gây tắc bằng dụng cụ đặc biệt, gọi là Fogarty và kỹ thuật tái lập lưu thông mạch máu bằng phẫu thuật cầu nối.

Bác sĩ Mai Thành Thắng cho biết thêm: “Để phòng tránh tắc mạch chi dưới cấp tính, cần điều trị tốt các bệnh lý có thể là nguyên nhân dẫn đến tắc mạch cấp và quan trọng nhất là khi có biểu hiện bất thường, cần nhanh chóng đến Bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Hiện nay, đa số bệnh nhân đến viện vẫn còn ở giai đoạn muộn dẫn đến khả năng bảo tồn chi còn rất hạn chế.

Một số người bệnh có đến viện nhưng không đúng chuyên khoa cũng dẫn đến mất cơ hội bảo tồn chi và làm giảm kết quả điều trị, vì vậy trong tắc động mạch chi cấp tính, vấn đề chẩn đoán kịp thời và thời gian được điều trị là rất quan trọng".

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dang-lam-dong-nguoi-phu-nu-dot-nhien-liet-ca-2-chan-post631533.html