Đảng lãnh đạo văn hóa là sự tất yếu, khách quan
Văn hóa có sức mạnh đặc biệt đối với nền tảng tư tưởng của bất kỳ xã hội nào. Với sức mạnh của mình, văn hóa có thể trở thành sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần quan trọng thúc đẩy xã hội, cộng đồng chung tay thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước; nhưng đồng thời cũng có thể gây ra những xáo trộn, bất ổn nếu không được lãnh đạo, quản lý, điều hành phù hợp.
Nền văn hóa Việt Nam nói riêng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung đều được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng nên đã không ngừng phát triển, đưa đời sống tinh thần của người dân đi lên, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Với âm mưu chống phá Đảng và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, các thế lực thù địch thường xuyên có những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt trên lĩnh vực văn hóa, cho rằng “Đảng, Nhà nước làm mất tự do trong văn hóa”.
* Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa
Trong cuốn Văn hóa và phát triển của NXB Lý luận chính trị có nêu: “Các - mác và Ăngghen đều coi văn hóa, đặc biệt là văn học, nghệ thuật như một hoạt động nhằm thức tỉnh về trí tuệ cho quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ xã hội mới”.
Tiếp đến, Lênin khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là phải làm cho văn hóa, văn học, nghệ thuật trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm Mác xít, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vai trò quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển đất nước. Ngay từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), trong tình trạng hơn 90% người Việt mù chữ và những khó khăn chồng chất của giai đoạn đầu làm cách mạng, Đảng đã khẳng định: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế - chính trị - văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc xác định mục đích “nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” của văn hóa đã chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế - chính trị - xã hội. Trong đó văn hóa được đặt ngang hàng với chính trị - kinh tế - xã hội, văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị để tạo thành những vấn đề chủ yếu của cách mạng.
* Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn
Chính từ định hướng trên, Đảng đã tập hợp được đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ tham gia thực hiện các mục tiêu văn hóa nâng cao trình độ dân trí, tạo nên những điều kiện quan trọng có ý nghĩa quyết định tới những thành quả to lớn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Không chỉ vậy, thực tiễn của Việt Nam trong những năm qua cho thấy quá trình toàn cầu hóa đã mang lại nhiều thành tựu đối với nhân loại, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những tác động tích cực cũng có những tác động tiêu cực trên lĩnh vực văn hóa như: nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nguy cơ xâm lăng văn hóa, xuất hiện những khuynh hướng không lành mạnh, phản giá trị, phức tạp về văn hóa xã hội như chạy theo nhu cầu thị hiếu giải trí tầm thường, thậm chí cực đoan, bóp méo lịch sử…
Bên cạnh đó là các hoạt động chống phá điên cuồng, liên tục, thâm độc của các thế lực thù địch trong những thập niên gần đây. Các thế lực một mặt phủ nhận thành tựu của nền văn hóa cách mạng Việt Nam, một mặt ra sức làm rối loạn hệ thống giá trị đích thực của nền văn hóa Việt Nam, tạo sự mơ hồ trong thụ hưởng văn hóa của người dân Việt Nam.
Các đối tượng thực hiện âm mưu trên thông qua nhiều hình thức như: kích động, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ đi theo hướng cực đoan, đối lập cách mạng, khuyến khích cho ra đời và ca ngợi những sản phẩm văn hóa cực đoan, tiêu cực, lệch lạc về tư tưởng, quan điểm chính trị; đồng thời, tập trung truyền bá lối sống thực dụng, tuyên truyền lưu hành văn hóa phẩm đồi trụy, tác động vào đạo đức lối sống của người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ rường cột, chủ nhân tương lai của đất nước.
Không những thế, để thực hiện hiệu quả âm mưu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, đối với những sự việc cụ thể, các thế lực thù địch thường xuyên đăng tải các video clip trên mạng xã hội để “phân tích, bình luận” vấn đề theo chiều hướng xấu, độc; qua đó tìm mọi cách thúc đẩy văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông theo xu hướng “tự do hóa”, làm cho văn hóa độc lập với mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Thực tế này đặt ra một yêu cầu thiết yếu đối với nền văn hóa, đó là phải đặt dưới sự định hướng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có như vậy, Việt Nam trong quá trình phát triển mới giữ vững được bản sắc văn hóa của dân tộc, đảm bảo phát triển bền vững, đảm bảo con đường tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái, hành vi thâm độc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.