Đang mùa mưa, Cà Mau đã lo khô hạn năm tới
Hạn mặn thiếu ngọt, sụp lún kinh hoàng ở ven sông ngòi, đê biển… là những nỗi lo lắng của Cà Mau vào mỗi mùa khô. Nên mặc dù vẫn đang là mùa mưa 2024, nhưng tỉnh này vẫn đang tập trung chuẩn bị các giải pháp đối phó cho mùa hạn 2025.
Tỉnh duy nhất không có nước ngọt dòng sông MeKong
Biến đổi khí hậu đang diễn ra toàn cầu, trong đó Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những tâm điểm chịu ảnh hưởng nặng nề. Cà Mau với 3 mặt giáp biển, nên đối phó với biến đổi khí hậu luôn là thách thức của địa phương, bất kể tại thời điểm nào. Bởi vậy, câu chuyện mùa mưa – mùa hạn ở Cà Mau luôn kèm bao nỗi lo của chính quyền và người dân trước thiên tai.
Ông Đỗ Minh Điền, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết: “Cà Mau là tỉnh có 3 bên giáp biển, phía Bắc giáp Bạc Liêu, Kiên Giang. Chúng tôi là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung nên với tình trạng hạn hán kéo dài, vùng Bắc Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt; khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và mất áp lực nước lên bờ kênh dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, đường giao thông rất nghiêm trọng. Đối với vùng Nam Cà Mau, hạn hán kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn nước sông tăng cao, ảnh hưởng bất lợi đến nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm và khó khăn về nước sinh hoạt do mực nước ngầm sụt giảm.”
Nỗi lo sụp lún tại nhiều huyện thị trong tỉnh
Mùa khô năm 2023 - 2024 tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến gay gắt, dẫn đến hạn hán. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, mặc dù ít hơn những năm trước, nhưng mùa khô năm 2024 toàn tỉnh Cà Mau xuất hiện 730 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 19km, có 83 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài gần 2,2 km. Nguyên nhân xảy ra sạt lở, sụt lún không chỉ do mất phản áp của nước vào thành bờ sông mà còn do đặc điểm địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu.
Nhằm hạn chế tình trạng thiếu nước, làm ảnh hưởng các công trình thủy lợi, sụp lún đường giao thông như những năm trước, vùng ngọt hóa Cà Mau đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn khi dự báo mùa mưa năm nay hết sớm.
Cơ quan chức năng còn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không gieo sạ lúa vụ 3, nhằm đảm bảo đủ nước cho vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn huyện, hạn chế tình trạng thiếu nước, làm ảnh hưởng các công trình thủy lợi, sụp lún đường giao thông như những năm trước. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng vùng ngọt hóa Trần Văn Thời đã khẩn trương xuống giống hơn 20.000 ha lúa vụ Đông Xuân để kịp thời tranh thủ tận dụng nguồn nước mưa.
Theo cơ quan chức năng, bờ biển Cà Mau có tổng chiều dài các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm là trên 83 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm dài hơn 61 km, tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50 m, có những nơi lên đến 50-80 m; sạt lở nguy hiểm dài 22 km, tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 20-40 m.
Trong khu vực nội đồng, tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425 km trong tổng chiều dài 8.118 km toàn tỉnh. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm dài khoảng 120 km, chủ yếu xảy ra ở các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi; sạt lở nguy hiểm có chiều dài khoảng 305 km, chủ yếu xảy ra ở các đoạn bờ sông có mật độ dân cư thưa hơn và hạ tầng bên trong chủ yếu là giao thông nông thôn.
Chưa hết, thời điểm hiện tại, mực nước trên các sông, rạch trong tỉnh Cà Mau tiếp tục lên cao, đỉnh triều cao nhất tại các trạm đo ở mức trên báo động III. Dự báo trong những ngày tới, triều cường xuống chậm nhưng còn ở mức cao, vẫn còn nguy cơ gây ngập cục bộ ở vùng trũng thấp, tràn bờ bao, gây thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, tài sản và sạt lở đất ven sông, ven biển. Ngoài ra, gió mùa đông bắc có cường độ trung bình đến mạnh tiếp tục tăng cường sâu xuống phía nam. Năm 2024, thiên tai ở Cà Mau diễn biến phức tạp, gây thiệt hại 153 căn nhà, làm ngập úng 615ha lúa Hè Thu, hư hỏng nhiều công trình cầu bê tông, trụ điện, cáp viễn thông, cây xanh… Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ở Cà Mau vô cùng lớn.
Chủ động chống hạn ngay từ mùa mưa
Ngày 22/11/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã có phương án ứng phó với hạn mặn năm 2025. Tỉnh này nhận định, mùa mưa năm 2024 sắp kết thúc, chính vì vậy đề nghị các địa phương trong vùng ngọt hóa chủ động điều tiết và tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trong mùa khô năm 2024-2025. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn của cơ quan chức năng, kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, tổ chức có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh, ứng phó.
Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống, đập, trạm bơm,... để bảo vệ sản xuất. Tăng cường kiểm tra, rà soát và duy tu, sửa chữa các hệ thống công trình thủy lợi (cống, đập)... Đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh mương đã có chủ trương để tăng lượng trữ nước phục vụ sản xuất.
Khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô. Tuyên truyền người dân tích trữ nước mưa và sử dụng tiết kiệm nước, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt, thường xuyên theo dõi mực nước tại các kênh, rạch để điều tiết hợp lý và tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất trong mùa khô.
“Nhu cầu nguồn lực trong phòng chống thiên tai, sạt lở, sụp lún, hạn mặn là rất lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì các địa phương cần chủ động huy động nguồn lực từ nhiều nguồn, sự tham gia của nhiều bên, với nhiều cách thức khác nhau, hạn chế thấp nhất để bảo vệ người dân” - ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh nói.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dang-mua-mua-ca-mau-da-lo-kho-han-nam-toi.html