Đang phân vân dùng nồi ủ hay nồi áp suất điện thì đọc ngay tư vấn cực hữu dụng dưới đây
Giống nhau ở nhiều yếu tố nhưng chỉ 1 khác biệt nhỏ này cũng đủ giúp bạn đưa quyết định sáng suốt.
Từ vài năm nay, các loại nồi ủ nhiệt, nồi hầm, nồi áp suất điện khá phổ biến trên thị trường với nhiều mẫu mã, thương hiệu đa dạng, tuy nhiên các chị em nội trợ đứng trước lựa chọn nên mua loại nồi nào vẫn rất băn khoăn, làm sao để chọn mua được chiếc nồi ưng ý, hợp lý khi sử dụng, tránh việc mua về rồi vứt xó.
Câu hỏi mới đây của chị Linh (đang sinh sống tại Hà Nội) trong một group các bà nội trợ cũng được nhiều người quan tâm và tư vấn. Cụ thể, chị Linh thắc mắc: "Em đang phân vân không biết nên mua nồi ủ hay nồi áp suất. Ai đã từng dùng cho em xin review về ưu và nhược điểm của hai nồi này".
Quả thật, sự phân vân của chị Linh cũng chính là câu hỏi thắc mắc của khá nhiều người. Việc mua đúng chiếc nồi với nhu cầu sử dụng của gia đình sẽ giúp chị em tránh được việc lãng phí, mua về lại vứt xó trong khi có nhu cầu cần lại không có để sử dụng.
Cùng nghe lời khuyên từ chị Hoàng Lan, một bà nội trợ đã có kinh nghiệm sử dụng cả hai loại nồi này chia sẻ về sự khác nhau để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với gia đình mình nhé.
Nồi áp suất điện
Đây là sản phẩm nên có trong gian bếp để nấu các món cần có thời gian ninh, nấu lâu như ninh xương, thịt bò hầm, bò kho, chân giò giả cầy, soup… giúp tiết kiệm thời gian và nhiên liệu. Nồi áp suất điện có hai loại, loại cơ và loại điện tử.
Một sản phẩm nồi áp suất điện loại cơ của thương hiệu Okatashi, Nhật Bản có giá bán khoảng 780k trên thị trường. Nguồn ảnh: Internet.
Nồi áp suất điện loại điện tử của thương hiệu Sanaky đang được bán trên thị trường với giá 1,6 triệu đồng. Nguồn ảnh: Trịnh Thúy Hường.
Cũng theo chị Hoàng Lan: "Trên phần điều khiển của nồi áp suất điện cả loại cơ và loại điện tử đều có những chỉ dẫn về thời gian nấu các món, ví dụ hầm xương thì vặn 30 phút, kho cá 10 phút… Tuy nhiên thực tế sử dụng thì bạn dựa theo kinh nghiệm của mình để điều chỉnh thời gian thích hợp.
Chẳng hạn khi nấu món thịt bò kho, bạn cho nguyên liệu và gia vị vào nồi, sau đó chỉ vặn khoảng 5 phút, hết thời gian này nồi sẽ chuyển sang trạng thái giữ nóng và từ từ xả van nhiệt, lúc này nhiệt trong nồi còn lớn và sẽ giúp thịt chín thêm khá nhiều cho đến khi nhiệt được xả ra hết, sau đó bạn mở nồi để thăm chừng xem thịt đã mềm đến đâu, gia vị vừa vặn chưa, đảo đều để thịt được chín đều, tiếp đó bạn mới vặn thêm khoảng 5-7 phút nữa là thịt chín vừa ăn.
Nếu bạn vặn 15-20 phút ngay từ đầu thì thịt có thể bị chín quá mức (bị nát) và gia vị nêm nếm có thể chưa vừa ý, hơn nữa sẽ lãng phí điện, không tận dụng được lượng nhiệt khi nồi nén áp suất".
Nồi ủ
Nồi ủ trên thị trường khá đa dạng dao động từ vài trăm tới cả triệu/chiếc.
Nồi ủ có cách sử dụng khác hẳn nồi áp suất. Ưu điểm lớn nhất: Tiết kiệm nhiên liệu.
Bạn chỉ cần cho thức ăn vào nồi nấu và đặt lên bếp (bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại), đun khoảng 5-7 phút cho nước sôi lên đồng thời nồi tích đủ nhiệt. Cho nồi nấu vào phần lồng ủ, đậy kín và để đó, nhiệt đã được tích bởi vòng hợp kim giúp nồi tiếp tục làm chín thức ăn, đồng thời giữ nóng thức ăn từ 8-10 tiếng.
Giống như nồi áp suất, bạn cũng có thể dùng nồi ủ để ninh xương, hầm cháo, hầm đậu, nấu soup.
Nhưng do cần thời gian ủ khá lâu nên nồi không dành cho những ai bị hạn hẹp về thời gian bếp núc. Nếu muốn sử dụng phải bố trí thời gian hợp lý.
"Mình chuẩn bị cho bữa sáng bằng cách nấu sôi thức ăn và đặt vào nồi ủ từ tối hôm trước hoặc nếu muốn có món hầm cho bữa chiều thì cuẩn bị từ sáng, đặt vào nồi ủ và đi làm, chiều về nấu sôi lại một chút là có đồ ăn", chị Hoàng Lan chia sẻ thêm.
Tuy nhiên thị trường nồi ủ hiện nay có rất nhiều loại và đặc biệt là có hai phân khúc giá khác biệt rõ rệt. Loại nồi ủ đa năng của những thương hiệu tới từ Trung Quốc, Việt Nam như Makxim, Homemax, Magic Home, Kangaroo, Khaluk, Saiko, Xihuo, Magic One, Decker, Helios… giá thấp nhất chỉ khoảng 550K/chiếc, loại đắt hơn giá từ 1,2-1,5 triệu đồng.
Trong khi đó loại nồi ủ Nhật Bản nổi tiếng nhất là Tiger có giá từ 3-5 triệu đồng tùy dung tích, hay Zojirushi có giá từ 4,5-6,5 triệu đồng, nồi ủ Thermos cũng được ưa chuộng với dung tích từ 3 - 4,5 lít, giá từ 3,5-4,5 triệu đồng.
Tổng kết:
Điểm chung: Đều có thể giúp bạn ninh xương, hầm cháo, hầm đậu, nấu soup, thịt bò hầm, bò kho, chân giò giả cầy,... các món đều nhừ ngon.
Đối với nồi áp suất: Nấu ngay nên phù hợp cho người muốn nấu ăn nhanh và ăn luôn. Vài trăm ngàn là bạn có thể sở hữu được một nồi áp suất dạng bình dân.
Đối với nồi ủ: Tiết kiệm điện nhưng đòi hỏi thời gian ủ lâu. Không dành cho những ai bị hạn hẹp về thời gian bếp núc. Giá bán tương tự như nồi áp suất.