Đằng sau bức ảnh CEO Nvidia ký tên lên ngực áo fan nữ
Các chuyên gia về giới từ lâu đã chỉ trích cách một số thương hiệu sử dụng hình ảnh phụ nữ hở hang để thu hút sự chú ý của nam giới tại các triển lãm công nghệ.
Tại Computex 2024 (triển lãm công nghệ thường niên lớn nhất châu Á) diễn ra ở Đài Loan, Trung Quốc, Jensen Huang - Giám đốc điều hành của Nvidia - gây tranh cãi khi ký tên lên phần ngực áo của một fan nữ.
"Bạn chắc chứ? Đó có phải là ý hay không?", CEO nói với vẻ phân vân, nhưng cuối cùng vẫn tiến đến và ký tên cho cô gái, trước sự chứng kiến của đám đông tham dự sự kiện.
Khi nhìn những hình ảnh này, Carmen Ruiz Repullo, giáo sư xã hội học tại Đại học Granada (Tây Ban Nha), nghĩ ngay đến "pornosocialization" (xã hội hóa khiêu dâm) - khái niệm đề cập đến cách mà nội dung khiêu dâm có thể định hình thái độ, niềm tin và hành vi đối với tình dục và các mối quan hệ.
Theo Repullo, trong chủ nghĩa tân tự do, xã hội hóa khiêu dâm thường truyền đạt cho các cô gái rằng họ có nhiều "vốn liếng tình dục" hơn các chàng trai.
"Sự trao quyền giả tạo đặt người phụ nữ vào tình thế duy nhất là tuân theo cái nhìn và ham muốn của nam giới. Do đó, khi ký tên lên ngực áo fan nữ trước mặt tất cả nhiếp ảnh gia, CEO Nvidia như thể muốn nói: 'Tôi sẽ mạo hiểm vì tôi biết điều này sẽ thu hút sự chú ý'", Repullo nói.
"Tôi không muốn bị đụng chạm"
Từ lâu các sự kiện công nghệ như Computex đã bị chỉ trích vì sử dụng hình ảnh những cô gái trẻ, gợi cảm, ăn mặc hở hang để thu hút sự chú ý của nam giới.
Một nhóm đàn ông đã chụp ảnh Weihsin trong khi cô mỉm cười và dùng tay tạo hình trái tim. Cô gái 25 tuổi mặc áo sơ mi, váy ngắn, đi boots cao gót và đội băng đô có tai màu xanh. Trên ngực người mẫu là dòng chữ DeepCool - tên của công ty mà cô quảng bá tại Computex năm nay.
Sau rất nhiều tranh cãi và chỉ trích, những "booth babe" hay "booth baby" như Weihsin không còn phổ biến tại các triển lãm công nghệ lớn như CES hay MWC, nhưng một số công ty vẫn chưa thể từ bỏ cách làm quen thuộc này nhằm thu hút sự chú ý của những người đàn ông tham dự.
Đối với một số chàng trai trẻ đang chờ chụp ảnh với Weishin, việc sử dụng các cô gái trong gian hàng tiếp thị có lẽ là chiến lược tốt. "Họ nên làm điều đó thường xuyên hơn", một người trong số này nói. Một người khác nói thêm: "Bạn chắc chắn sẽ mua nhiều sản phẩm có phụ nữ trẻ hơn là đàn ông lớn tuổi".
Họ đều là những sinh viên 24-25 tuổi quan tâm đến công nghệ và không thấy điều này có gì sai trái. "Các thương hiệu cũng có thể sử dụng những người đàn ông đẹp trai mà", một trong số này nói và từ chối nêu tên để "bảo vệ sự riêng tư".
Nhưng thực tế là tại triển lãm này, các công ty không sử dụng người mẫu nam nào ăn mặc hở hang, gợi cảm để quảng cáo sản phẩm.
Repullo, giáo sư xã hội học, chuyên gia về giới, tin rằng nên cấm việc sử dụng các cô gái trẻ trong gian hàng vì đó là hành vi "bóc lột cơ thể phụ nữ".
Weishin phải đứng trên bục cao tại gian hàng của DeepCool từ 9h đến 17h. "Họ chụp ảnh với tôi. Tôi nhảy hai lần và kiếm được 123-185 USD/ngày".
Cô không ngại chụp ảnh cùng khách tham dự. Nhưng khi họ đến quá gần, cô lại cảm thấy không thoải mái. "Nhiều lúc họ muốn chụp ảnh làm hình trái tim cùng tôi. Tôi không thích điều đó, tôi không muốn bị đụng chạm".
"Booth babe" dần biến mất
Một số công ty như Cooler Master đã từ chối thuê những cô gái ăn mặc hở hang để thu hút sự chú ý. "Đó không phải là cách tiếp cận đúng đắn. Chúng tôi không ở đây để bán vóc dáng, chúng tôi ở đây để bán sản phẩm", Carlos Villanueva, người đứng đầu bộ phận tiếp thị toàn cầu của công ty này, cho biết.
Trong số những công ty vẫn sử dụng người mẫu nữ gợi cảm cho các sự kiện này có Montech. Chris Chen, nhân viên công ty, không tin rằng điều đó là coi thường phụ nữ. Anh so sánh tình huống này với "một buổi biểu diễn". "Giống như khi một ca sĩ ăn mặc gợi cảm trên sân khấu. Nó không có nghĩa là có điều gì đó liên quan đến tình dục đang diễn ra, đó chỉ là vẻ bề ngoài mà thôi. Tôi không nghĩ nó tệ trừ khi bạn nhìn nhận một cách tiêu cực".
Người phát ngôn của DeepCool tuyên bố tôn trọng các quan điểm khác biệt: "Chúng tôi chỉ đơn giản làm công việc của mình. Nếu ai đó không thích, họ có thể nói như vậy và tiếp tục".
Tình hình dần thay đổi trong những thập kỷ gần đây. Các triển lãm thương mại như CES, được tổ chức hàng năm tại Las Vegas, đã điều chỉnh quy định về trang phục. Hiện tại, những người tham gia triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới "không được mặc trang phục hở hang hoặc có thể bị hiểu là đồ lót, bất kể giới tính; không được mặc quần áo để lộ quá nhiều da trần, đặc biệt là bộ phận sinh dục, ngực hoặc mông; không được mặc quần áo ôm sát cơ thể, ôm sát bộ phận sinh dục".
"Booth babe" đang dần biến mất. Christian Sanz, Giám đốc điều hành của kênh Toro Tocho Reviews, cho biết: "Tại các hội chợ như IFA hay MWC, bạn có thể thấy những nữ tiếp viên xinh đẹp nhưng họ không ăn mặc hở hang nữa".
Theo Sanz, tại Computex cũng có ít người mẫu hơn trước. Anh nhớ trước đây những cô gái ở mọi nơi, đến gần và nói với anh "bằng giọng điệu lãng mạn" rằng hãy đến thăm gian hàng của họ. "Tôi đã do dự, nhưng bạn có thể thấy nhiều người khác chạm vào cơ thể và túm lấy eo họ".
Liệu việc sử dụng phụ nữ trẻ để thu hút đàn ông có thực sự là một chiến lược giúp thương hiệu sinh lời hay có thể phản tác dụng? Ana Dolores Verdú Delgado, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, cho rằng nó không còn hiệu quả vì đang khiến nhiều người cảm thấy khó chịu.
Còn theo giáo sư Repullo, điều này "phụ thuộc vào khán giả nam và thái độ của xã hội đương thời". "Nếu điều này xảy ra ở Tây Ban Nha vào năm 2016-2017, sau phong trào #MeToo hoặc vụ cưỡng dâm tập thể La Manada, nó chắc chắn bị bác bỏ. Nhưng bây giờ chúng ta đang ở trong bối cảnh phản ứng gia trưởng chống lại các chính sách về nữ quyền và bình đẳng, nơi mà hệ thống tân tự do rất quan tâm đến việc khiến phụ nữ tiêu thụ câu chuyện này. Nó làm tôi lo lắng".