Đằng sau cáo buộc của Nga về chiến tranh ủy nhiệm
Ngoại trưởng Nga cáo buộc phương Tây thực hiện chiến tranh ủy nhiệm, trong khi phát ngôn của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tỏ ý về cuộc đối đầu trực tiếp giữa Washington và Moscow.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov hôm 25/4 cảnh báo phương Tây đã "châm ngòi" chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) với Nga, thông qua Ukraine. Ông cảnh báo cuộc chiến này có thể leo thang thành chiến tranh thế giới với vũ khí hạt nhân.
“Rủi ro nghiêm trọng này có thể xảy ra. Không nên đánh giá thấp điều đó”, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói hôm 25/4, theo Reuters. “Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể để Chiến tranh thế giới thứ 3 xảy ra. Không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân”, ông nói.
Ông Lavrov cho rằng phương Tây đang gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột lớn hơn bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine. “Về bản chất, NATO sẽ gây chiến với Nga thông qua một bên ủy nhiệm và đang trang bị cho bên ủy nhiệm đó”.
Theo ông, việc phương Tây cung cấp vũ khí tinh vi, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, xe bọc thép và máy bay không người lái tiên tiến, là những biện pháp khiêu khích, được tính toán để kéo dài cuộc xung đột, hơn là kết thúc nó.
Hôm 26/4, Đức cho biết họ sẽ giao tổ hợp pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard cho Ukraine, chấm dứt sự lưỡng lự từ lâu trong việc gửi vũ khí hạng nặng cho Kyiv. Mỹ cũng liên tục tung ra các gói viện trợ quân sự mới cho Kyiv trong những ngày gần đây.
Chiến lược nhiều rủi ro
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nhấn mạnh ông không muốn biến xung đột ở Ukraine thành một cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Nga. Thay vào đó, ông chỉ giúp một đất nước đấu tranh tự bảo vệ mình.
“Cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ là Chiến tranh Thế giới thứ 3, điều mà chúng ta phải cố gắng ngăn chặn”, ông nói vào đầu tháng 3, chỉ hai tuần sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow bắt đầu.
Ông Biden đã vạch rõ ranh giới, cam kết không để quân đội Mỹ tham chiến và phản đối việc áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, khi chiến sự leo thang, ranh giới này ngày càng mờ đi và các tuyên bố càng sắc bén hơn.
Sau chuyến thăm đến Kyiv hôm 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nói kiềm chân Nga về mặt quân sự để không thể tiếp tục chiến dịch ở Ukraine.
Đến nay, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm ngăn quân đội Nga phát triển và sản xuất vũ khí mới, đồng thời nỗ lực cắt đứt nguồn thu từ dầu và khí đốt của Moscow.
Một số quan chức Mỹ cho biết tuyên bố của ông Austin đã được tính toán cẩn thận, với mục đích tạo ra “sự nâng đỡ mạnh mẽ nhất có thể” cho Ukraine trong một thỏa thuận ngừng bắn có thể được thảo luận vào những tháng tới.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Austin sẽ củng cố nhận định rằng cuộc chiến thực sự phục vụ cho mong muốn của phương Tây nhằm ngăn chặn quyền lực của Nga. Và tương lai tranh giành quyền lực liên tục trong nhiều năm với Moscow ngày càng trở nên rõ ràng.
Hôm 25/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích lập trường “kỳ lạ” của Liên minh châu Âu và Mỹ. Ông cho rằng "các nhà ngoại giao cấp cao ở châu Âu và Mỹ" đã tham gia vào một "chính sách ngoại giao kỳ lạ", thúc giục Ukraine làm mọi điều có thể để "giành thắng lợi trên chiến trường", theo TASS.
New York Times nhận định chính quyền Biden và đồng minh đã thống nhất phát biểu cởi mở và lạc quan hơn về khả năng chiến thắng của Ukraine trong vài tháng tới, dù trên lý thuyết, quân đội Nga có lợi thế hơn.
Tuy nhiên, đó là một chiến lược tiềm ẩn rủi ro.
“Nếu Moscow tin rằng các lực lượng quân sự thông thường của mình đang bị bó buộc, họ sẽ chuyển sang tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng, vũ khí của phương Tây, hoặc thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân", ông James Arroyo, cựu quan chức an ninh cấp cao của Anh, hiện là Giám đốc Quỹ Ditchley, cho biết.
"Khả năng này khó có thể tưởng tượng cách đây 8 tuần, nhưng giờ đây thường xuyên được nhắc tới”, ông nói thêm.
Tăng cường động viên Ukraine
Hiện nay, Nga đã chuyển trọng tâm đến những khu vực có lợi thế hơn. Đường tiếp tế của họ đến vùng Donbas ngắn hơn nhiều so với Kyiv. Lãnh thổ tranh chấp ở phía nam và phía đông Ukraine cũng phù hợp hơn với các cuộc tấn công bằng pháo binh kiểu Nga.
Chuyến đi của ông Austin và ông Blinken muốn khẳng định rằng Nga có lợi thế hơn, nhưng cơ hội thực sự nghiêng về người Ukraine. Phần lớn là vì họ có động lực bảo vệ quê hương.
“Bước đầu tiên để giành chiến thắng là tin rằng bạn có thể thắng”, cựu Tư lệnh quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Philip M. Breedlove cho biết.
Ông nói thêm rằng ông đồng tình với phát ngôn của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, dù có nguy cơ khiêu khích Nga, vì “người Ukraine phải tin rằng chúng tôi có ý định cung cấp cho họ những gì họ cần” để giành chiến thắng.
Những gì Ukraine đang cần là pháo hạng nặng. Tuy nhiên, khi chính quyền Biden và các quốc gia NATO khác gấp rút giao vũ khí đó cho Kyiv, Moscow càng cảnh báo rằng các chuyến hàng này là một hành động tham chiến và có thể trở thành mục tiêu.
Kiềm chân lâu dài
Tuyên bố của ông Austin về việc ngăn chặn Nga “làm điều tương tự” với các nước láng giềng ở Ukraine đã nêu rõ một chiến lược, vốn được thể hiện cả trong các tuyên bố công khai và lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt suốt 8 tuần qua.
Hệ quả lớn nhất của các lệnh trừng phạt là hạn chế xuất khẩu các bộ phận công nghệ cao mà ngành công nghiệp quốc phòng Nga cần để sản xuất vũ khí mới. Nga có khả năng tự sản xuất chip rất hạn chế và hầu như không thể nếu không có công nghệ của phương Tây.
Các quan chức quản lý tham gia sâu vào chiến lược trừng phạt cũng cho biết các biện pháp này được xây dựng để gây hậu quả nặng nề theo thời gian.
Khi nguồn cung chip cạn kiệt và doanh thu từ năng lượng giảm, hậu quả sẽ trở nên rõ ràng hơn. Theo thời gian, nó sẽ tràn sang hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, tính hiệu quả của chiến lược được ám chỉ trong tuyên bố của ông Austin vẫn là một câu hỏi lớn. Các tổng thống Mỹ từ thời Harry Truman đều cố gắng siết chặt Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt. Giờ đây, kho vũ khí hạt nhân của họ vẫn lớn hơn bao giờ hết.
Cựu Tổng thống Donald Trump cũng từng nói rằng 1.500 lệnh trừng phạt mà ông áp đặt lên Iran sẽ buộc nước này vào bàn thương lượng, “cầu xin” một thỏa thuận. Nhưng điều đó không xảy ra.
Giờ đây, cố vấn của ông Biden hiểu rằng chỉ riêng các biện pháp trừng phạt không thể thay đổi cục diện, điều cần thiết là sự phối hợp chặt chẽ giữa các biện pháp trừng phạt, áp lực quân sự và ngoại giao. Trước một đất nước có quy mô và tiềm lực quân sự như Nga, chiến lược này rủi ro hơn nhiều.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-cao-buoc-cua-nga-ve-chien-tranh-uy-nhiem-post1312351.html