Đằng sau chuyện ông Trump đổi thái độ với TikTok
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đưa ra quan điểm thay đổi rõ ràng đối với TikTok, một ứng dụng mà ông từng tìm cách cấm vì lo ngại về quyền sở hữu của Trung Quốc.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình tại Nhà Trắng và trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ứng cử viên của đảng Cộng hòa nhiều lần thể hiện tự hào vì thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, nêu ra chuyện áp mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc mà vẫn được duy trì đến hiện tại.
Nhưng khi đạo luật về TikTok được thúc đẩy với tốc độ cực nhanh ở Quốc hội Mỹ, ông Trump lại lên tiếng phản đối cấm ứng dụng này.
Sự thay đổi thái độ của ông diễn ra sau cuộc gặp gần đây giữa cựu tổng thống với một tỷ phú là nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa, người đã đầu tư nhiều vào ByteDance - gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sở hữu TikTok. Điều này khiến các chuyên gia suy đoán rằng lợi ích kinh tế đang tác động đến quan điểm của ông Trump về TikTok.
Cựu tổng thống Mỹ gần đây lập luận rằng nếu Mỹ đóng cửa với TikTok, các đối thủ cạnh tranh như Facebook sẽ có lợi thế quá mức.
“Không có TikTok, bạn có thể giúp Facebook lớn hơn và tôi coi Facebook là kẻ thù của mọi người”, ông Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn ngày 11/3.
Khi được hỏi về những lo ngại của ông trước đây về ứng dụng này, cựu Tổng thống Trump trả lời rằng “có rất nhiều điều tốt và cũng có rất nhiều điều xấu” với TikTok. “Có rất nhiều trẻ nhỏ trên TikTok sẽ phát điên nếu không có nó”, ông nói.
Năm 2020, khi còn là tổng thống, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp để xóa ứng dụng này khỏi tất cả các kho ứng dụng của Mỹ, đồng thời yêu cầu ByteDance thoái vốn trong vòng 90 ngày.
Một tòa án liên bang đã ra phán quyết chống lại sắc lệnh, gọi đó là hành động "tùy tiện và thất thường". Phán quyết được những người ủng hộ TikTok ca ngợi, cho rằng lệnh cấm vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về đảm bảo quyền tự do ngôn luận.
Đến nay, các nghị sĩ của cả hai đảng Mỹ tăng cường nỗ lực loại bỏ TikTok, khi ứng dụng này đã thu hút khoảng 170 triệu người dùng ở Mỹ, vì những lo ngại mới về quyền riêng tư dữ liệu, ảnh hưởng của nước ngoài và các lỗ hổng an ninh mạng.
Ngày 11/3, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines nói trước Ủy ban Tình báo Hạ viện rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng TikTok để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2024 của Mỹ.
Ngày 13/3, Hạ viện Mỹ thông qua một cách áp đảo dự luật đặt thời hạn cho ByteDance 6 tháng để thoái vốn khỏi TikTok, nếu không ứng dụng này sẽ đối mặt với lệnh cấm. Sau khi được thông qua tại Hạ viện, dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện Mỹ.
Những khoản tiền lớn để vận động
ByteDance đã chi hàng triệu đô la Mỹ để vận động hành lang kể từ khi lệnh hành pháp của ông Trump bị bác.
Theo Open Secrets, một nhóm phi lợi nhuận tại Washington chuyên theo dõi và công bố dữ liệu về tài chính tranh cử và vận động hành lang, ByteDance đã chi hơn 8 triệu USD trong năm 2023 cho việc này.
Năm 2021, tức 1 năm sau khi ông Trump tuyên bố ý định cấm TikTok, ByteDance chi 4,7 triệu USD để vận động hành lang, sau đó tăng gần gấp đôi lên 8,7 triệu USD trong năm ngoái, Open Secrets cho biết.
Báo chí Mỹ cho rằng việc ông Trump thay đổi quan điểm liên quan đến nhà tài trợ Jeff Yass. Công ty của tỷ phú này nắm 15% cổ phần của ByteDance.
Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Yass năm 2023 ước tính là 28,5 tỷ USD, nhờ vào việc kinh doanh cổ phiếu. Năm 1987, Yass đồng sáng lập tập đoàn đầu tư Susquehanna và giữ chức giám đốc điều hành.
Theo Open Secrets, năm 2022, Yass quyên góp khoảng 49 triệu USD cho các nhóm ủng hộ nhiều ứng cử viên chính trị bảo thủ khác nhau ở Mỹ.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc ông Trump thay đổi lập trường có thể gây tổn hại hình ảnh cứng rắn với Trung Quốc của ông.