Đằng sau chuyện vỡ nợ của Argentina giữa dịch Covid-19
Đây không phải là lần đầu tiên quốc gia Nam Mỹ vỡ nợ, song nguyên nhân và tác động lần này dường như đã khác. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Vỡ nợ không còn xa lạ với Argentina, nhưng đang trở thành một xu thế đáng báo động trên toàn cầu trong và sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)
Ngày 22/5, nền kinh tế lớn thứ ba tại Mỹ Latin chính thức vỡ nợ sau khi không thể chi trả 500 triệu USD tiền lãi cho các chủ nợ quốc tế. Chính phủ Tổng thống Alberto Fernandez đã không thể đạt thỏa thuận tái cấu trúc 65 tỷ USD khoản nợ nước ngoài với các chủ nợ trái phiếu, vốn bao gồm cả số trái phiếu phát hành sau đợt tái cấu trúc khí nước này vỡ nợ năm 2001.
Sau khi vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử và lần thứ 2 trong 20 năm, Bộ trưởng Kinh tế Martin Guzman đã yêu cầu gia hạn thời gian thanh toán các khoản nợ nước ngoài đến ngày 2/6 để “tiếp tục thảo luận mang tính xây dựng.” Trong các vòng đàm phán mới nhất, phương án của Buenos Aires ở thời điểm là kéo dài thời gian ân hạn 3 năm đối với các khoản thanh toán, giảm 62% các khoản thanh toán lãi và giảm 5,4% cho số tiền gốc, song đề xuất này đã bị các chủ nợ từ chối.
Việc Argentina vỡ nợ lần thứ 9 đã được dự đoán từ trước, khi quốc gia Nam Mỹ liên tục hứng chịu khủng hoảng chính trị - kinh tế kéo dài. Các nhà lãnh đạo mới, dù là Tổng thống Alberto Fernandez hay Phó Tổng thống Fernandez Kirchner, nhân vật quen thuộc với chính trường Argentina, chưa có nhiêu giải pháp. Tham nhũng vẫn là vấn đề lớn, dù đã cải thiện nhiều thời gian gần đây. Đồng peso mất giá khiến người dân tăng cường rút tiền, trong khi chính phủ, thay vì thắt chặt chi tiêu công, lại giải quyết bằng cách in tiền hoặc vay ngoại tệ. Đại dịch Covid-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất tiêu dùng là giọt nước tràn ly. Về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến đồng peso ngày một suy yếu và khiến quốc gia này chịu sức ép ngày một lớn từ các khoản nợ.
Trên bình diện khu vực, việc Argentina vỡ nợ không tạo ra nhiều ảnh hưởng tài chính ở khu vực, song việc Nam Mỹ trở thành tâm dịch mới đã khiến các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn. Brazil, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, đang oằn mình chống chọi đại dịch Covid-19 sau thời gian đầu bối rối trước thứ Tổng thống Jair Bolsonaro từng gọi là “cúm mùa”. Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai của Nam Mỹ, dự kiến sẽ đánh mất 1 triệu việc làm năm 2020. Colombia cũng có cái khó riêng: Người trồng cà phê hưởng lợi từ sự sụt giá của đồng nội tệ với đồng USD, khiến giá thu mua hạt thành phẩm trên thị trường ở mức cao. Tuy nhiên, đại dịch đã gây nên tình trạng thiếu hụt người thu hoạch, tác động tiêu cực tới thu nhập từ ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia này.
Trên bình diện thế giới, Argentina là nạn nhân mới nhất, nhưng chưa phải cuối cùng trong làn sóng vỡ nợ trên thế giới trong đại dịch Covid-19. Trước đó, hồi tháng 4, Ecuador đã phải hoãn nợ đến tháng 8, trong khi Lebanon cũng đã lần đầu tiên vỡ nợ vào tháng 3. Fitch Ratings dự báo danh sách quốc gia vỡ nợ sẽ gia tăng thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, Buenos Aires cần nhượng bộ trong đàm phán với các chủ nợ và xem xét khả năng về gói cứu trợ mới từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù điều này đồng nghĩa rằng quốc gia Nam Mỹ sẽ phải “thắt lưng buộc bụng” hơn trong chi tiêu công. Đây là điều không mong muốn, song cần thiết để Argentina rũ mình khỏi những khoản nợ, khôi phục vị thế khu vực và thế giới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dang-sau-chuyen-vo-no-cua-argentina-giua-dich-covid-19-116358.html