Đằng sau 'cơn sốt' taxi tự hành trên mạng xã hội Trung Quốc

Nỗ lực phát triển robotaxi (taxi tự hành hoàn toàn) trong nhiều năm qua của Trung Quốc đang bắt đầu thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng nhưng ngược lại cũng khiến các tài xế taxi lo lắng về tương lai việc làm khi gia tăng cạnh tranh.

Robotaxi của hãng Apollo Go ở Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Robotaxi của hãng Apollo Go ở Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Ngay khi Cruise của GM và Waymo của Alphabet tung ra các loại taxi không người lái ở San Francisco, bang California và Phoenix, bang Arizona, thì ở Trung Quốc, chính quyền địa phương, từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, cũng đã cho phép các công ty trong nước triển khai dịch vụ robotaxi cho người dân.

Gần đây, robotaxi cũng trở thành nội dung thu hút sự quan tâm trên các nền tảng xã hội Trung Quốc như mạng Douyin, phiên bản TikTok nội địa Trung của Bytedance. Ngày 10/7, từ khóa Apollo Go- chi nhánh robotaxi của Baidu- đã trở thành một trong 10 từ khóa gắn kèm (hashtag) xu hướng hàng đầu trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo sau loạt tin tức đưa về việc dịch vụ của Baidu được hành khách ở thành phố Vũ Hán đón nhận nhiệt tình. Công ty bắt đầu vận hành dịch vụ xe taxi tự hành hoàn toàn 24/7 ở một số quận của Vũ Hán từ hồi tháng 3. Vũ Hán là khu vực hoạt động lớn nhất của Apollo Go, một trong những hãng robotaxi lớn nhất ở Trung Quốc. Công ty có hơn 500 robotaxi hoạt động trong thành phố và có kế hoạch tăng lên 1.000 vào cuối năm nay.

Dư luận Trung Quốc ngày càng quan tâm tới dịch vụ robotaxi trong bối cảnh các thành phố lớn của Trung Quốc cũng đang tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực này trong khi các thành phố nhỏ hơn bắt đầu hạn chế các ứng dụng gọi xe trong vài tháng qua. Điều này cũng kéo theo những lo ngại từ các doanh nghiệp taxi truyền thống và các tài xế khi có những dự báo rằng các dịch vụ robotaxi có thể sắp được triển khai trên toàn quốc.

Cuối tháng 6 vừa qua, trên mạng xã hội đã chia sẻ một bài đăng của một công ty taxi ở Vũ Hán kêu gọi giảm các loại thuế với các hãng truyền thống và tăng biện pháp hạn chế đối với robotaxi Apollo Go cũng như các dịch vụ gọi chung xe.

Tháng 1/2024, nhiều bộ của Trung Quốc đã công bố kế hoạch thúc đẩy sử dụng các loại ô tô kết nối đám mây, trong đó có việc thử nghiệm ít nhất 200 phương tiện không người lái tốc độ thấp ở mỗi khu vực thí điểm. Trong số 20 thành phố thí điểm ban đầu có thủ đô Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh và Vũ Hán. Những thành phố này cho phép các doanh nghiệp robotaxi thử nghiệm ô tô ở khu vực ngoại ô.

Được biết, thủ đô Bắc Kinh đã bắt đầu cho phép Apollo Go của Baidu và công ty khởi nghiệp Pony.ai thu tiền vé từ người dân sử dụng dịch vụ robotaxi nhưng có người lái xe từ tháng 11/ 2021. Đến năm ngoái, Bắc Kinh bắt đầu cho phép các doanh nghiệp vận hành robotaxi mà không có người lái. Tháng 5 vừa qua, Giám đốc điều hành của Baidu, Robin Li, đảm bảo với với các nhà đầu tư rằng hơn 70% số chuyến robotaxi của Apollo Go trong tháng 4 là hoàn toàn không có người lái và không có nhân viên bên trong. Ông dự đoán rằng tỷ lệ này sẽ đạt 100% trong những quý tới - và cho phép Apollo Go hòa vốn trước tiên ở Vũ Hán.

Dù vậy, hiện nay, các dịch vụ robotaxi công cộng đang được trợ cấp, người dân gần như không phải thanh toán hoặc có giá giảm chỉ bằng một nửa so với các dịch vụ khác và số lượng phương tiện trên đường vẫn thấp hơn nhiều so với taxi truyền thống. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc cũng khẳng định trong ngắn hạn, xe tự lái chưa thể thay thế người lái xe.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/o-to-xe-may/dang-sau-con-sot-taxi-tu-hanh-tren-mang-xa-hoi-trung-quoc-20240711183545484.htm