Điểm sáng Viettel Solutions trong Đề án 06: May đo với tôn chỉ vì lợi ích người dân

Đồng hành cùng các bộ ban ngành ở Trung ương và các địa phương trong suốt 2,5 năm qua, các giải pháp công nghệ của Viettel Solutions góp phần thực hiện Đề án 06 đang tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống thường ngày của người dân.

Hệ sinh thái giải pháp Make by Viettel

Trong những ngày cuối tháng 6, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ đô Hà Nội vừa công bố vận hành Ứng dụng nền tảng công dân số iHaNoi. Đây là một trong nhiều nền tảng, ứng dụng của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). iHaNoi là sản phẩm do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), một thành viên thuộc Tập đoàn Viettel, phát triển.

Ra đời với sứ mệnh thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp thông qua tương tác số, ứng dụng gồm 4 chức năng chính là tương tác với chính quyền qua phản ánh, kiến nghị; tiện ích đô thị thông minh; tiếp nhận tin tức, thông tin chính thống từ thành phố và tiếp nhận sáng kiến đóng góp.

Theo nhà phát triển, ứng dụng được thiết kế với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống người dân theo hướng linh hoạt, tiện lợi. Với iHaNoi, người dân có thể thông qua tiện ích camera giao thông để lựa chọn lộ trình phù hợp, tránh ách tắc giao thông nhờ dữ liệu theo thời gian thực được truyền về từ hệ thống camera giám sát giao thông của thành phố.

Tuân thủ tinh thần thúc đẩy hợp tác, iHaNoi được thiết kế là một nền tảng dữ liệu mở, cho phép dễ dàng tích hợp, chia sẻ thông tin với các hệ thống khác. Nhờ đó, tương lai người dân sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều tiện ích trên ứng dụng như: Tra cứu điểm đỗ xe và đặt chỗ trước, thanh toán;…

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, iHaNoi cũng cung cấp tiện ích Sổ sức khỏe điện tử, trong đó có đầy đủ thông tin sức khỏe của một người dân sống trên địa bàn thành phố Hà Nội từ lúc sinh ra cho tới hết cuộc đời. Đây là yếu tố then chốt để tạo ra sự nhất quán trong chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố. Bên cạnh những lợi ích “sát sườn” dành người dân, ứng dụng cũng được thiết kế để cải thiện các thủ tục hành chính, qua đó giúp tối ưu hóa hoạt động công để phục vụ người dân tốt hơn….

Với Hà Nội, ứng dụng Công dân số thủ đô là sản phẩm mới và hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong Ứng dụng công dân số (Viettel Citizen App) mà Viettel Solutions phát triển. Sự khác biệt nằm ở chỗ tùy thuộc vào tình hình thực tế và mong muốn của từng địa phương, ứng dụng sẽ được tùy biến để phù hợp nhất.

Trước đây, các ứng dụng công dân số và đô thị thông minh của Viettel Solutions đã được triển khai ở nhiều địa phương, có thể kể đến YenBai-S ở Yên Bái với nhiều đánh giá tích cực. Các ứng dụng đều được nhà phát triển tích hợp những công nghệ mới, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, để đáp ứng các nhiệm vụ phức tạp đồng thời bước đầu cho phép người dân Việt Nam hưởng lợi từ các công nghệ ưu việt trong kỷ nguyên số.

Ngoài các ứng dụng công dân số, Viettel Solutions cũng đang chú trọng phát triển nhiều nền tảng, ứng dụng khác theo Đề án 06. Tính tới thời điểm hiện tại, Viettel Solutions có đầy đủ năng lực để triển khai ứng dụng công nghệ cho gần 30/43 mô hình thuộc Đề án 06 với nhiều hiệu quả tích cực.

Có thể lấy ví dụ với mô hình khám bệnh sử dụng QRcode CCCD, VNeID. Thay vì mang theo nhiều giấy tờ, thủ tục, người dân chỉ cần đưa ra một trong hai loại “giấy tờ” này tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ giúp giảm thiểu hơn nữa sự có mặt của nhân viên y tế làm công tác đón tiếp. Số sức khỏe điện tử trên VNeID sẽ tích hợp thông tin, tạo sự đồng bộ, nhất quán trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Hay trong lĩnh vực giám sát hình ảnh, giải pháp camera an ninh dựa trên dữ liệu dân cư (Viettel VMS) cũng góp phần đáp ứng các mô hình 14, 15, 16 của Đề án 06 trong việc sử dụng camera AI giám sát ra/vào khu công nghiệp, nhà ga, bến tàu và các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Trong mô hình 17 và mô hình 18, giải pháp camera an ninh sẽ giúp giám sát thi cử, sát hạch xe và xử phạt vi phạm giao thông. Hoạt động giám sát diễn ra tự động với AI hỗ trợ, giúp giảm công sức của con người….

Vượt rào cản với góc nhìn người trong cuộc

Trong vai trò của doanh nghiệp trực tiếp phát triển các ứng dụng, giải pháp cho Đề án 06, ông Lê Thành Công, Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions, nhấn mạnh: “Sau 2,5 năm thực hiện, Đề án 06 đã đem lại những kết quả thiết thực. Người dân thấy được giá trị công nghệ, chuyển đổi số đem lại với những thay đổi hiệu quả và thiết thực trong cuộc sống. Với cơ quan quản lý, ứng dụng công nghệ giúp cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân tốt hơn”.

Ông Lê Thành Công, Phó TGĐ Viettel Solutions cho biết, 2 cụm từ quan trọng trong tiến trình thực hiện Đề án 06 là Chia sẻ và Đồng bộ.

Ông Lê Thành Công, Phó TGĐ Viettel Solutions cho biết, 2 cụm từ quan trọng trong tiến trình thực hiện Đề án 06 là Chia sẻ và Đồng bộ.

Nói về thuận lợi trong quá trình phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng các giải pháp thực hiện Đề án 06, ông Công khẳng định mức độ sẵn sàng là rất lớn. Không chỉ nhận thức rõ ràng, các đơn vị cũng thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai Đề án 06 để kết quả thực chất.

Tuy nhiên, hành trình này vẫn tồn tại những điểm nghẽn khi triển khai và cần tháo gỡ. Đối với địa phương, điểm nghẽn là nguồn vốn, cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng cũng như các vấn đề khác trong liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, vấn đề về an toàn thông tin, lừa đảo trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức to lớn. Thực tế, việc chuyển đổi số giúp người dân có nhiều thuận lợi hơn nhưng cũng đối mặt với nguy cơ bị kẻ xấu tấn công trên môi trường số.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Lê Thành Công cho biết Viettel Solutions nói riêng, Tập đoàn Viettel nói chung, đã tích cực tham gia với các cơ quan trung ương và địa phương để có thể tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế. Với kinh nghiệm của nhà phát triển, Viettel Solutions cũng đưa ra những đề xuất về tiêu chuẩn, quy chuẩn để sớm có quy định chung nhằm thúc đẩy thị trường.

“Về an toàn thông tin, chúng tôi tuân thủ quy định của Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông để đảm bảo mức độ an toàn. Là nhà mạng, chúng tôi cũng thực hiện việc ngăn chặn truy cập vào những trang web lừa đảo từ đầu”, ông Lê Thành Công chia sẻ.

Tuy nhiên, để bảo mật đạt được mức độ tối ưu, đại diện Viettel Solutions cho rằng cần nâng cao ý thức của người dùng trong việc đảm bảo an toàn thông tin của chính mình. Các địa phương cần đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền cho người dân theo cách phù hợp với đặc thù riêng.

Ông Lê Thành Công cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của 2 cụm từ trong tiến trình thực hiện Đề án 06. Với việc chia sẻ, đây là yếu tố quan trọng, quyết định thành công của Đề án. Chỉ riêng cơ sở dữ liệu về dân cư là không đủ tạo ra thay đổi và cần sự tích hợp giữa nhiều cơ sở dữ liệu, nhiều nguồn giữ liệu. Chia sẻ chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Về đồng bộ, Đề án 06 được xây dựng để hướng tới người dân nên cần các giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Thu Hương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/diem-sang-viettel-soltuions-trong-de-an-06-may-do-voi-ton-chi-vi-loi-ich-nguoi-dan-post1659499.tpo