Đằng sau cuộc phế truất chớp nhoáng chủ tịch Hạ viện Mỹ

Ông Kevin McCarthy bị một nhóm đảng viên Cộng hòa bắt tay với đảng Dân chủ bỏ phiếu bãi nhiệm sau loạt vụ việc khiến nhóm này mất niềm tin vào ông.

Hôm 3-10 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã chính thức bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống.

Toàn bộ số phiếu thuận của 208 thành viên đảng Dân chủ và tám thành viên đảng Cộng hòa - được cho là thuộc phe cực hữu trong đảng cảm thấy mất niềm tin vào ông McCarthy sau khi thỏa thuận ngân sách chính phủ liên bang được thông qua hồi tuần trước mà không có hạng mục cắt giảm chi tiêu nào như phe này yêu cầu.

Ông McCarthy đã trở thành chủ tịch Hạ viện có thời gian nắm giữ chức vụ ngắn thứ hai trong lịch sử Mỹ với 269 ngày trước khi bị bãi nhiệm.

 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy họp báo sau khi bị bãi nhiệm ngày 3-10. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy họp báo sau khi bị bãi nhiệm ngày 3-10. Ảnh: REUTERS

Các bên liên quan nói gì?

Theo tờ The New York Times, Hạ nghị sĩ Matt Gaetz thuộc bang Florida là người dẫn đầu nhóm nghị sĩ Cộng hòa chống lại ông McCarthy. Ông Gaetz khẳng định ông McCarthy đã có nhiều “bước đi sai lầm” trong lúc xử lý cuộc khủng hoảng trần nợ công hồi tháng 6, tiếp đến là thỏa hiệp với đảng Dân chủ về thỏa thuận ngân sách chính phủ liên bang mà bỏ qua “những ưu tiên của đảng Cộng hòa” về việc giảm chi tiêu ngân sách.

Đáng chú ý, phe cực hữu trong đảng Cộng hòa ngay từ đầu đã gây nhiều khó khăn cho ông McCarthy lúc ông bắt đầu ngồi vào ghế chủ tịch hồi tháng 1 năm nay, thông qua các động thái không bỏ phiếu ủng hộ hoặc cản trở các kế hoạch làm việc của ông. Ông McCarthy đã phải nhiều lần nhượng bộ để lấy phiếu bầu của phe này trong lúc tranh cử. Trong đó, sự nhượng bộ lớn nhất và là nguyên nhân dẫn tới vụ việc lần này là ông đồng ý chỉ cần một thành viên đảng Cộng hòa kiến nghị là đủ để khởi xướng tiến trình bỏ phiếu bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện, giảm từ mức năm thành viên.

“Tôi hy vọng bạn nhận ra rằng mỗi ngày tôi đều thực hiện công việc, bất kể bạn có đánh giá thấp tôi hay không, tôi vẫn muốn làm điều đó với một nụ cười".

Ông McCarthy

Ông McCarthy phát biểu sau khi bị bãi nhiệm rằng ông không hối hận vì đã lựa chọn “lãnh đạo thay vì chia rẽ và tiếp tục phàn nàn”. “Đó là trách nhiệm của tôi và là công việc của tôi. Tôi sẽ tiếp tục tranh đấu và tham gia các công việc của đảng Cộng hòa nhưng ở một vai trò khác” - ông cho hay, đồng thời xác nhận sẽ không tái tranh cử chủ tịch Hạ viện.

Ông McCarthy còn nói với báo giới: “Tôi hy vọng bạn nhận ra rằng mỗi ngày tôi đều thực hiện công việc, bất kể bạn có đánh giá thấp tôi hay không, tôi vẫn muốn làm điều đó với một nụ cười”. Ông cũng chủ yếu cho rằng đảng Dân chủ là bên chịu trách nhiệm chính cho việc ông bị bãi nhiệm, chỉ trích phe này đang làm suy yếu Quốc hội. Nhóm tám nghị sĩ Cộng hòa nói trên, theo ông, chỉ tạo cơ hội để phe Dân chủ nắm quyền lực trong Quốc hội. “Họ không thể nói họ là những cánh hữu chân chính, họ chỉ thích hỗn loạn và gây chú ý” - ông McCarthy tuyên bố.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden mong muốn Hạ viện nhanh chóng bầu ra lãnh đạo mới để những công việc cấp bách của quốc gia không bị trì hoãn.

Hạ viện tìm người kế nhiệm ông McCarthy

Gần như ngay lập tức, Hạ nghị sĩ Patrick McHenry thuộc bang North Carolina và là một đồng minh lâu năm của ông McCarthy được chỉ định là chủ tịch Hạ viện lâm thời. Ông McHenry sẽ là người chủ trì cho quá trình bỏ phiếu bầu tân chủ tịch. Các nghị sĩ tại Hạ viện thông báo sẽ không tổ chức bỏ phiếu trong tuần này, nghĩa là sớm nhất phải đến tuần sau mới có một chủ tịch Hạ viện được bầu.

Sự bế tắc hiện nay được cảnh báo có thể đẩy Quốc hội vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa, vì các quy định của Hạ viện quy định rằng cơ quan này không thể giải quyết bất kỳ công việc lập pháp nào trước khi chủ tịch được bầu. Một chủ tịch Hạ viện mới phải được đa số hạ nghị sĩ bầu ra - một điều không hề dễ dàng, bởi vì đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với tỉ lệ rất sít sao và phe thiểu số Dân chủ đang nắm giữ nhiều lá phiếu quan trọng. Do các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện gần như chắc chắn sẽ phản đối bất kỳ ứng cử viên chủ tịch đảng Cộng hòa nào, người kế nhiệm ông McCarthy sẽ cần phải thuyết phục được ít nhất một số trong số tám nghị sĩ thuộc phe cực hữu.

Một số đảng viên Cộng hòa có tiếng nói, bao gồm cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, đã kêu gọi tẩy chay Hạ nghị sĩ Gaetz, thậm chí đòi khai trừ ông này khỏi đảng. Ông Dan Eberhart, một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa, cho biết: “Matt Gaetz, ông vừa phá hoại đảng của chúng ta bằng cách lừa người dân Mỹ rằng chúng ta không quan tâm gì đến lãnh đạo. Bằng cách theo đuổi những giá trị khó có thể đạt được, ông đã lật đổ một chủ tịch bảo thủ minh bạch và làm việc không mệt mỏi”.

Nhiều đảng viên Cộng hòa khác thì cảnh báo cuộc đấu đá nội bộ đang diễn ra tại Hạ viện sẽ làm suy yếu những nỗ lực của đảng khi đảng này chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội vào năm 2024. Ông Lindsey Graham, Thượng nghị sĩ Cộng hòa thuộc bang South Carolina, cho biết đảng Cộng hòa lúc này cần phải tập trung nỗ lực giành lấy chính quyền từ phe Dân chủ, chứ không phải loại bỏ lãnh đạo trong đảng.

Những bình luận của ông giống với ông Donald Trump, cựu tổng thống và hiện đang là ứng cử viên tổng thống của đảng. Trong một bài đăng trên mạng xã hội hồi đầu tuần này, ông Trump bày tỏ sự không đồng tình với các sự kiện đang diễn ra ở Hạ viện: “Tại sao đảng Cộng hòa luôn đấu tranh với nhau, tại sao họ không chiến đấu với đảng Dân chủ cánh tả đang hủy hoại đất nước chúng ta?”.•

Từng có một nỗ lực lật đổ chủ tịch Hạ viện Mỹ 100 năm trước

Ông McCarthy là chủ tịch Hạ viện đầu tiên bị bỏ phiếu bãi nhiệm trong lịch sử Quốc hội Mỹ. Trước đó, tờ The Washington Post cho biết có một số chủ tịch Hạ viện Mỹ của đảng Cộng hòa từng từ chức do áp lực nội bộ đảng phái như ông John A. Boehner năm 2015 và ông Newt Gingrich năm 1998.

Vào năm 1910, các nghị sĩ chỉ từng duy nhất một lần bỏ phiếu về khả năng bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện khi đó là ông Joseph Cannon (1836-1926) cũng thuộc đảng Cộng hòa. Lúc đó, một số bất đồng đã nổ ra trong nội bộ đảng Cộng hòa giữa các phe về các chính sách thuế và quy định về bầu cử. Một số thành viên đảng Cộng hòa cùng ông Cannon kiểm soát Hạ viện Mỹ quá cứng rắn và đã “bắt tay” với phe Dân chủ để tìm cách bãi nhiệm ông.

Qua nhiều ngày giằng co, ngày 19-3-1910, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu tước quyền lực của ông Cannon trong Ủy ban Quy tắc với 191 phiếu thuận và 156 phiếu chống. Hơn 30 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại ông Cannon.

Trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo về đề nghị miễn nhiệm chủ tịch Hạ viện do nghị sĩ đảng Dân chủ Albert Burleson khởi xướng, ông Cannon đã thắng thế khi 192 nghị sĩ phản đối việc miễn nhiệm ông, còn số người ủng hộ chỉ là 155 người.

Ông Cannon tiếp tục làm chủ tịch Hạ viện Mỹ đến khi cuộc bầu cử năm 1912 diễn ra và phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dang-sau-cuoc-phe-truat-chop-nhoang-chu-tich-ha-vien-my-post754884.html