Đằng sau cuộc tái định hình Meta của Mark Zuckerberg

Mark Zuckerberg, CEO Meta, đang thực hiện những thay đổi lớn về chính sách nội dung của công ty trong bối cảnh áp lực từ cả chính quyền và xã hội.

 Quyết định về các chính sách mới của Mark Zuckerberg đang gặp nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Reuters.

Quyết định về các chính sách mới của Mark Zuckerberg đang gặp nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Reuters.

Sau chuyến thăm Tổng thống đắc cử Donald J. Trump vào tháng 11/2024, Mark Zuckerberg đã quyết định nới lỏng các chính sách về ngôn luận của Meta. Quyết định này được giao cho một nhóm nhỏ triển khai trong vòng vài tuần.

The New York Times cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Joe Rogan vào ngày 10/1, Mark Zuckerberg chia sẻ rằng đã đến lúc Meta quay trở lại "sứ mệnh ban đầu" là trao quyền chia sẻ cho mọi người, đồng thời nhấn mạnh rằng: "Tôi đã có cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách mà chúng ta nên áp dụng và đây sẽ là hướng đi mới".

Cuộc gặp Mar-a-Lago và quyết định bất ngờ

Tháng 11 năm ngoái, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ đã tạo ra bước ngoặt lớn. Mark Zuckerberg đã bay đến Mar-a-Lago vào Lễ Tạ ơn để gặp ông Trump, Meta đồng thời quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức của tổng thống đắc cử.

Sau đó, Zuckerberg bắt đầu kế hoạch thay đổi chính sách ngôn luận của Meta. Zuckerberg đã chọn ra một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo chính sách, truyền thông và một số nhân sự khác để bàn thảo về việc thay đổi cách quản lý ngôn luận trên nền tảng.

Nhóm gồm không quá một chục cố vấn thân cận, bao gồm Joel Kaplan - một giám đốc chính sách lâu năm với mối quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng hòa; Kevin Martin - Trưởng bộ phận chính sách Mỹ và David Ginsberg - Trưởng bộ phận truyền thông. Theo một vài nguồn tin thân cận, Zuckerberg đã yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối về sự việc.

Trong suốt vài tuần, Zuckerberg và nhóm chọn lọc đã họp qua Zoom, gọi điện và trao đổi trong các cuộc trò chuyện nhóm đến tận đêm muộn. Nhiều nhân viên phải rời khỏi bữa tối gia đình và các buổi tập trung lễ để làm việc, trong khi Zuckerberg liên tục gửi ý kiến từ San Francisco Bay Area và hòn đảo Kauai.

Zuckerberg cũng quyết định thăng chức cho ông Kaplan lên làm Trưởng bộ phận chính sách công toàn cầu của Meta thay cho Nick Clegg - cựu Phó thủ tướng Anh để thực hiện các thay đổi này và thắt chặt mối quan hệ với chính quyền sắp tới của ông Trump.

Đêm trước khi Meta công bố các thay đổi, ông Kaplan đã có các cuộc gọi riêng với các nhà sáng tạo nội dung bảo thủ hàng đầu trên mạng xã hội.

Vào ngày 7/1, Zuckerberg công bố các chính sách ngôn luận mới thông qua video trên Instagram.

Ông Kaplan cũng xuất hiện trên chương trình "Fox & Friends" - một trong những chương trình yêu thích của ông Trump và tuyên bố rằng các đối tác kiểm chứng thông tin của Meta “có quá nhiều định kiến chính trị”.

 Mark Zuckerberg đăng video giải thích về quyết định thay đổi chính sách. Ảnh: AAP.

Mark Zuckerberg đăng video giải thích về quyết định thay đổi chính sách. Ảnh: AAP.

Theo các nhân viên, cố vấn hiện tại và trước đây của Meta, quá trình này khác hẳn so với bình thường. Thay vì quá trình sửa đổi chính sách thường kéo dài hàng tháng và có sự tham gia của các nhà lãnh đạo cộng đồng, Zuckerberg chỉ mất 6 tuần để biến điều này thành hiện thực.

Những thay đổi gây chấn động

Nhóm chọn lọc của Meta đã thay đổi chính sách “Ngôn từ Thù địch” của Meta, đổi tên thành “Hành vi Thù địch”, chuyển trọng tâm từ việc kiểm duyệt ngôn ngữ sang giảm vai trò của Meta trong việc giám sát nội dung.

Ông Kaplan và ông Martin được cho là những người ủng hộ nhiệt tình cho những thay đổi này.

Các thay đổi chính bao gồm loại bỏ chương trình kiểm tra sự thật, giao trách nhiệm điều chỉnh thông tin sai sự thật cho người dùng; tăng cường nội dung chính trị trong bảng tin - ngược lại so với trước đây - và đưa các nội dung nhạy cảm như nhập cư, giới tính cùng xu hướng tính dục vào thảo luận rộng rãi hơn.

Trong những thay đổi này, Meta đã nới lỏng các quy định để cho phép người dùng đăng tải các tuyên bố bày tỏ sự thù ghét với các nhóm người dựa trên chủng tộc, tôn giáo hoặc xu hướng tính dục, bao gồm cả việc cho phép “các cáo buộc về bệnh tâm thần hoặc bất thường dựa trên giới tính hoặc xu hướng tính dục”.

Công ty cho biết sự thay đổi này xuất phát từ các cuộc thảo luận chính trị về quyền của người chuyển giới. Ngoài ra, Meta cũng loại bỏ quy định cấm người dùng tuyên bố rằng một số chủng tộc nhất định chịu trách nhiệm cho việc lây lan virus Corona.

Một số tài liệu đào tạo mà Meta tạo ra cho các chính sách mới này bị đánh giá là khó hiểu và mâu thuẫn, theo hai nhân viên đã xem xét tài liệu. Một số đoạn viết rằng việc tuyên bố "người da trắng mắc bệnh tâm thần" sẽ bị cấm trên Facebook, nhưng việc nói rằng "người đồng tính mắc bệnh tâm thần" lại được cho phép.

Meta đã khóa quyền truy cập nội bộ vào các chính sách và tài liệu đào tạo này vào cuối ngày 9/1, chỉ vài giờ sau khi The Intercept công bố một số trích đoạn.

Cùng ngày, Meta cũng gỡ bỏ các “chủ đề” liên quan đến người chuyển giới và phi nhị giới trên ứng dụng Messenger, cho phép người dùng tùy chỉnh màu sắc và hình nền ứng dụng, theo hai nhân viên cho biết.

Ngày 10/1, Meta tiếp tục cải tổ các chương trình đa dạng và hòa nhập. Công ty đã bãi bỏ vai trò Giám đốc đa dạng, ngừng các mục tiêu tuyển dụng phụ nữ cùng các nhóm thiểu số và không còn ưu tiên thuê các doanh nghiệp thuộc sở hữu thiểu số.

Trong bài đăng nội bộ, Janelle Gale, Phó giám đốc nhân sự Meta, viết: "Chúng tôi sẽ tập trung vào việc áp dụng các quy trình công bằng và nhất quán nhất để giảm thiểu định kiến, bất kể xuất thân của bạn".

Phản ứng từ nội bộ và xã hội

Thực tế, 72.000 nhân viên Meta chỉ biết về kế hoạch này cùng lúc với cả thế giới. Meta tuyên bố nới lỏng các hạn chế về ngôn luận trên các nền tảng như Facebook, Instagram, WhatsApp và Threads.

 Các nhân viên của Meta chỉ biết thông tin về sự thay đổi chính sách cùng lúc với thế giới. Ảnh: The New York Times.

Các nhân viên của Meta chỉ biết thông tin về sự thay đổi chính sách cùng lúc với thế giới. Ảnh: The New York Times.

Các thay đổi này đã gây ra sự chia rẽ lớn trong nội bộ Meta. Một số nhân viên ủng hộ, nhưng không ít người công khai phản đối. Trên Workplace, phần mềm nội bộ của Meta, nhân viên bắt đầu tranh luận về các thay đổi.

Trong nhóm @Pride, nơi tập trung các nhân viên ủng hộ quyền LGBT+, nhiều người bày tỏ sự thất vọng, thậm chí tuyên bố rời khỏi công ty. Một trong số đó có Roy Austin, Phó chủ tịch phụ trách quyền dân sự của Meta.

Trong khi đó, ông Alex Schultz, Giám đốc tiếp thị của Meta, bảo vệ các chính sách mới và nhấn mạnh rằng việc nới lỏng hạn chế sẽ tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận xã hội diễn ra tự nhiên hơn.

Bên ngoài Meta, dư luận cũng dậy sóng. Những người ủng hộ ông Trump hoan nghênh động thái này, trong khi các nhóm bảo vệ quyền LGBT+ lo ngại rằng những thay đổi sẽ làm gia tăng tình trạng quấy rối trực tuyến và ngoài đời thực.

Các nhóm kiểm chứng thông tin và các nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch chỉ trích Meta đã từ bỏ trách nhiệm kiểm duyệt. Bên cạnh đó, Nhà Trắng gọi quyết định này là "đáng xấu hổ".

Động cơ của Zuckerberg và tương lai của Meta

Theo nhiều nhân viên và cố vấn, những thay đổi này không chỉ phục vụ bối cảnh chính trị hiện tại mà còn phản ánh quan điểm cá nhân của Zuckerberg. Ông muốn Meta vận hành theo tư duy riêng của mình mà không cần che giấu ý kiến nữa.

Zuckerberg từng thảo luận với bạn bè và đồng nghiệp, bao gồm Marc Andreessen, Thành viên Hội đồng Quản trị Meta, về lo ngại rằng phe cấp tiến đang kiểm soát ngôn luận.

Ông cũng bất mãn với lập trường chống công nghệ của chính quyền Biden và áp lực từ truyền thông cũng như lực lượng lao động của Thung lũng Silicon.

Vào ngày 10/1, Zuckerberg được cho là đã đến Palm Beach, Florida và có mặt tại Mar-a-Lago.

Trong cuộc phỏng vấn với Joe Rogan, Zuckerberg phủ nhận việc thực hiện các thay đổi lớn để làm hài lòng chính quyền ông Trump nhưng thừa nhận rằng cuộc bầu cử đã ảnh hưởng đến quyết định của ông.

"Chúng ta đã đến một điểm mà có những điều không thể nói ra, dù đó là những cuộc trò chuyện phổ biến trong xã hội", CEO Meta chia sẻ.

Zuckerberg tin rằng Meta đang đi đúng hướng để thúc đẩy tự do ngôn luận và mở rộng các cuộc thảo luận công khai, bất chấp những tranh cãi xung quanh.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/dang-sau-cuoc-tai-dinh-hinh-meta-cua-mark-zuckerberg-post1524289.html