Đằng sau cuộc tái đụng độ Trung - Ấn
Đụng độ dọc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ không có gì mới nhưng một lần nữa lại bùng lên, cho thấy những toan tính chiến lược hậu Covid-19 của không chỉ những 'người trong cuộc' là Bắc Kinh và New Delhi…
Những tuần qua, hàng nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã vướng vào một cuộc đối đầu căng thẳng ở phía Đông khu vực Ladakh, sau một vụ đụng độ giữa 250 binh sĩ của 2 nước được cho đã dùng gậy và đá tấn công lẫn nhau ở khu vực dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC). Điểm nóng thường xuyên tranh chấp này giữa Ấn Độ và Trung Quốc trải dài 3.488km, được xem là đường biên giới dài nhất giữa 2 quốc gia bất kỳ trên thế giới.
“Sức mạnh và kiềm chế”
Mâu thuẫn bắt đầu từ hôm 5/5, khi Bắc Kinh cáo buộc quân đội Ấn Độ xâm phạm lãnh thổ nhằm “đơn phương thay đổi hiện trạng” của vùng biên giới ở Sikkim và Ladakh. Ấn Độ đã bác bỏ điều này, khẳng định họ không xâm phạm mà chỉ thực hiện các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng thông thường dọc biên giới. Đồng thời, New Delhi đổ lỗi cho Trung Quốc gây hấn trước khi cho xây dựng các hầm trú ẩn ở phía Ấn Độ, cản trở hoạt động tuần tra thông thường của quân đội nước này. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố nước này đã phát hiện sự xâm nhập của Trung Quốc tại 3 địa điểm của khu vực sông Galwan ở Ladakh.
Tình hình hiện tại dường như vượt quá khả năng giải quyết của các chỉ huy quân đội địa phương. Đối đầu bạo lực đã nổ ra xung quanh khu vực hồ Pangong Tso ở Ladakh, được cho đã khiến hơn 100 binh sĩ của cả 2 phía bị thương. Một cuộc đụng độ khác cũng đã xảy ra sau đó ở Bắc Sikkim vào ngày 9/5, trong đó cả 2 bên thậm chí đã triển khai các vũ khí hạng nặng, cùng binh lính tại hàng nghìn vị trí trên lãnh thổ của mỗi nước. Trong một cuộc đối đầu khác giữa 150 binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc gần đèo Naku La ở khu vực Sikkim, các máy bay phản lực Sukhoi-30 của không quân Ấn Độ đã được triển khai sau khi một số trực thăng của Trung Quốc bay lượn trên LAC trong thời gian xảy ra cuộc ẩu đả.
Dù đến nay chưa ghi nhận trường hợp binh sĩ thiệt mạng nào, quân đội của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đang được đặt trong tình trạng báo động cao ở biên giới. Không bên nào tỏ ra chịu lùi bước, bất kể nhiều vòng đàm phán giữa các lãnh đạo quân sự hàng đầu đã diễn ra. Truyền thông Ấn Độ cho biết nước này đang triển khai các binh lính xung quanh một cây cầu chiến lược gần Daulat Beg Oldi - đồn quân sự cuối cùng ở phía Nam đèo Karakoram để ngăn chặn các lực lượng Trung Quốc và đối phó với thách thức đến từ láng giềng bằng “sức mạnh và sự kiềm chế”.
Không chỉ vì biên giới
Hầu hết các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, diễn biến các cuộc đụng độ dọc biên giới Trung - Ấn ở Ladakh và Sikkim lúc này không có gì mới, khi so sánh với 73 ngày đối đầu dữ dội ở ngã ba Doklam năm 2017, từng làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh thực sự.
Thời điểm đó, vấn đề cuối cùng đã được giải quyết bằng những cuộc thảo luận ở cấp cao nhất. Để tăng cường thông tin liên lạc và gia tăng niềm tin giữa 2 bên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức đầu tiên vào tháng 4/2018 tại TP Vũ Hán và ban hành chỉ thị chiến lược cho quân đội 2 quốc gia tại điểm nóng biên giới.
Từ đó, một số chuyên gia tin rằng, xung đột biên giới bất ngờ bùng nổ như hiện nay nhiều khả năng là thông điệp cảnh báo mà Bắc Kinh gửi tới New Delhi về một loạt vấn đề khác nhau, bao gồm các quy định đầu tư nước ngoài mới, dự kiến sẽ siết chặt dòng FDI từ 7 quốc gia có chung đường biên giới với Ấn Độ. Tương tự như Nhật Bản hay Australia, quyết định này của Ấn Độ được cho nhằm tránh làn sóng thâu tóm bởi các DN Trung Quốc trong thời điểm nền kinh tế trở lại hậu giãn cách còn nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Satish Chauhan - chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại tại ĐH McGill, Canada, nhận định: “Bắc Kinh đang bắt đầu các đòn bẩy để gia tăng sức ép với một Ấn Độ đang lên, trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19”.
Thật vậy, với nhiều chính sách hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là về đất đai và nhân công giá rẻ, Ấn Độ hiện là một trong những đối thủ đáng gờm của Trung Quốc trong vai trò là “công xưởng thế giới”. Chính phủ New Delhi được cho đã chuẩn bị một khu đất rộng gấp đôi diện tích Luxemburg, để sẵn sàng tiếp cận 1.000 công ty đa quốc gia của Mỹ. Kế hoạch này, theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên, là một phần trong chính sách mới của New Delhi nhằm nắm bắt nhu cầu đa dạng chuỗi cung ứng cấp thiết của nhiều quốc gia sau cú sốc “đứt gãy” bởi Covid-19 vừa qua.
Cùng với đó, Mỹ được xem là một yếu tố khác “thêm dầu vào lửa” cho những căng thẳng lúc này giữa 2 quốc gia láng giềng châu Á. Trong khi quan hệ Mỹ - Trung đang trên đà tụt dốc, mối quan hệ Mỹ - Ấn lại phát triển mạnh mẽ với những toan tính chiến lược của cả Washington và New Delhi. Ngay từ khi tranh chấp Trung - Ấn bùng lên cách đây gần 1 tháng, Washington đã nhắc nhở Ấn Độ phải cảnh giác trước các bước đi của Trung Quốc, mà Mỹ đánh giá là “hung hăng”, ở khu vực biên giới.
Hôm 27/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với lời đề nghị làm trung gian hòa giải cho “cuộc đối đầu nguy hiểm” ở Ladakh. Thế nhưng, càng bất ngờ hơn là lời đề nghị đó gần như lập tức bị cả New Delhi và Bắc Kinh cự tuyệt. Đồng minh Ấn Độ của Mỹ nhấn mạnh rằng họ không cần bên thứ 3 cho “vấn đề song phương” của mình.
Kẹt giữa 2 cường quốc
Giới phân tích cho rằng, việc lựa chọn xử lý vấn đề tranh chấp biên giới với Trung Quốc bằng con đường đàm phán song phương thể hiện sự thận trọng của Ấn Độ khi ở thế kẹt giữa mối quan hệ của 2 cường quốc Mỹ - Trung. Chiến lược New Delhi đang theo đuổi dường như là sự cân bằng giữa khai thác tối đa lợi thế có được từ quan hệ đối tác với Mỹ, đồng thời thoát khỏi hoặc tham gia hờ hững trước các sáng kiến do Mỹ đứng đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc, chẳng hạn như nhóm Bộ Tứ Kim Cương (Quad).
Chủ nghĩa dân tộc ở cả Trung Quốc và Ấn Độ được cho luôn là yếu tố cản trở Bắc Kinh và New Delhi chấm dứt thù địch, khiến căng thẳng biên giới lãnh thổ giữa 2 quốc gia trở thành một trong những cuộc tranh chấp kéo dài và phức tạp nhất tại châu Á. Tuy vậy, 2 nước đến nay đã ký kết 4 thỏa thuận nhằm tạo cơ chế quản lý biên giới, xây dựng lòng tin giữa đôi bên cũng như khuôn khổ để đàm phán song phương và tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh ở khu vực biên giới.
Gác lại bất đồng về vấn đề biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn có quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại 2 chiều đạt hơn 70 tỷ USD năm 2019. Là một thị trường lớn, cùng triển vọng thu hút đầu tư đáng kể, Trung Quốc chắc chắn là một trong những ưu tiên ngoại giao của New Delhi, buộc Ấn Độ phải xử lý khéo léo.
Vì vậy, mặc cho các tác động bên ngoài đang chực chờ, mọi quan tâm hiện đổ dồn về cuộc gặp gỡ quan trọng của Trung tướng Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 6/6, một trong những nỗ lực tiếp nối nhằm tháo ngòi nổ chiến tranh biên giới lúc này. Nghĩa là tất cả vẫn đang hoàn toàn nằm trong tay những người trong cuộc.
Bắc Kinh đang bắt đầu các đòn bẩy để gia tăng sức ép với một Ấn Độ đang lên, trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dang-sau-cuoc-tai-dung-do-trung-an-386224.html