Đằng sau cuộc thương chiến cùng thua giữa Nhật Bản–Hàn Quốc
'Đây là một trong những tình huống tồi tệ nhất mà chúng tôi từng trải qua', một quan chức cao cấp Samsung nói về căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản - Hàn Quốc. 'Các chính trị gia không chịu trách nhiệm gì về hỗn loạn này, kể cả khi nó đang giết chết chúng tôi'.
Hầu hết các dịp cuối tuần, cửa hàng Uniqlo tại Trung tâm thương mại Hyundai, phía Bắc Seoul đều tấp nập khách tới lựa chọn những món đồ quần áo giá rẻ và hợp mốt của chuỗi thời trang Nhật Bản. Nhưng những ngày chủ nhật trong tháng 7 vừa qua, nơi đây vắng ngắt, hầu như không có khách – hậu quả của chiến dịch “Tẩy chay Nhật Bản” đang lan rộng khắp xứ kim chi.
Người Hàn Quốc cũng đã dừng mua ô tô, bia, mỹ phẩm và gần như mọi thứ có dán nhãn “Made in Japan”. Nhiều người thậm chí còn hủy cả kỳ nghỉ hè ở Nhật Bản. “Chúng tôi đã lên kế hoạch đi Okinawa vào tháng 8, nhưng đã chuyển hướng tới Jeju”, ông Ha, một giám đốc quản lý tài chính ở Seoul nói với tờ Nikkei Asian Review. “Vợ tôi cũng bảo tôi không mua đồ Uniqlo nữa”.
Những chiến dịch phản đối có tổ chức diễn ra khá phổ biến ở Hàn Quốc, và thường kết thúc tương đối nhanh. Nhưng chiến dịch tẩy chay lần này thì khác, bởi đó là một chiến dịch có gốc rễ từ vấn đề lao động cưỡng bức trong Thế chiến thứ II, vốn còn nặng nề trong tâm lý người Hàn Quốc, khiến ngay cả những công ty Nhật Bản thành công nhất cũng trở thành đối tượng tấn công.
Phong trào trên đã được khởi động rất nhanh sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 4/7 tuyên bố siết chặt kiểm soát xuất khẩu ba loại nguyên liệu hóa học quan trọng mà các nhà sản xuất TV và smartphone Hàn Quốc sử dụng để chế tạo thiết bị bán dẫn và màn hình phẳng.
Các doanh nghiệp lao đao
Bằng cách chặn nguồn cung cấp những hóa chất - mà Nhật Bản chiếm thị phần tới trên 90% - chính quyền Thủ tướng Abe muốn nhằm vào “động cơ” tạo sức mạnh cho nền kinh tế công nghệ cao của Hàn Quốc.
Động thái trên của Tokyo đã kích hoạt một cuộc tranh cãi thương mại gay gắt giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á, và đang gây nhiều lo ngại đối với chính nền kinh tế nội địa của họ, cũng như với hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Các nhà phân tích tài chính cảnh báo rằng chuỗi cung cấp toàn cầu thiết bị công nghệ cũng có thể bị gián đoạn.
Samsung Electronics, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, cũng như các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn khác như SK Hynix, hiện đã cảm nhận được sức nóng từ căng thẳng với Nhật Bản. “Đây là một trong những tình huống tồi tệ nhất mà chúng tôi từng trải qua”, một quan chức cao cấp Samsung giấu tên cho biết. “Các chính trị gia không chịu trách nhiệm gì về hỗn loạn này, kể cả khi nó gần như đang giết chết chúng tôi”.
Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-young trong tháng 7 đã thăm Nhật Bản với hy vọng nhận được những bảo đảm về nguồn cung cấp. Tuy nhiên khi ông trở về Seoul, Samsung đã gửi một lá thư tới các khách hàng trong nước đề nghị họ tích trữ lượng hóa chất Nhật Bản dùng trong 3 tháng. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc cũng nháo nhào đổ đi tìm kiếm các nguồn nguyên liệu khác.
Samsung cũng đã chính thức thừa nhận những thách thức từ cuộc chiến thương mại với Nhật Bản khi công bố kết quả tài chính hôm 31/7 vừa qua. “Chúng tôi đang đối mặt nhiều khó khăn do gánh nặng từ thủ tục cấp phép xuất khẩu mới (của Nhật Bản), và những bất ổn mà thủ tục này đưa tới. Triển vọng là thấp”, Phó Chủ tịch Samsung Lee Myung-jin nói về kết quả doanh thu quý 2 năm nay.
Chính quyền Thủ tướng Abe dự kiến "đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng" với nước láng giềng khi chính thức loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” (một quy chế ưu tiên xuất khẩu dành cho những quốc gia tin cậy) kể từ ngày 2/8, đồng nghĩa với việc các công ty Nhật Bản phải được chính phủ cấp phép thì mới có thể xuất khẩu các vật liệu nhạy cảm sang Hàn Quốc.
Quy chế “Danh sách trắng”, một biểu tượng cho sự tin cậy lẫn nhau giữa các chính phủ, cho phép Hàn Quốc cùng 26 quốc gia khác được miễn khỏi những kiểm duyệt xuất khẩu như vậy. Hầu hết các máy móc, linh kiện mà Hàn Quốc sử dụng cho ngành sản xuất ô tô và chất bán dẫn được cho là sẽ bị loại khỏi danh mục ưu tiên này.
Về phần mình, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như Sony, Canon, Toyota, Uniqlo... cũng đang thấm tổn thất từ tình trạng gần như đình trệ hoạt động kinh doanh tại thị trường Hàn Quốc.
Cuộc chiến cùng thua
Các chính sách cương quyết của Tokyo được cho là xuất phát từ mối lo ngại của họ đối với một phán quyết của Tòa án Tối cao tại Hàn Quốc vào ngày 30/10/2018, tuyên công ty Thép Nippon của Nhật phải bồi thường 100 triệu won (khoảng 85.000 USD) cho bốn nguyên đơn là người lao động bị cưỡng bức trong Thế chiến thứ II.
Phán quyết này bị phía Nhật Bản bác bỏ vì cho rằng mọi vấn đề khiếu nại liên quan đến nạn lao động cưỡng bức đã được giải quyết hoàn toàn và xong xuôi theo một thỏa thuận vào năm 1965, qua đó thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, đi kèm với những khoản cho vay và đầu tư khổng lồ của Nhật Bản vào nền kinh tế Hàn Quốc.
Nhật Bản lo ngại phán quyết nói trên có thể mở đường cho nhiều nạn nhân lao động cưỡng bức và người thân của họ - tổng số lên tới trên 220.000 người – tiến hành các vụ kiện chống lại khoảng 300 công ty Nhật bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong thời kỳ thuộc địa. Nếu vậy các khoản bồi thường có thể lên tới 20 tỉ USD hoặc hơn thế.
Nghiêm trọng hơn, hồi tháng 1 năm nay, một tòa án tại Hàn Quốc đã quyết định tịch thu một số tài sản của công ty Thép Nippon tại PNR, một liên doanh tái chế với nhà sản xuất thép Hàn Quốc Posco, để lấy quỹ bồi thường cho các nguyên đơn. Động thái này càng dấy lên lo sợ các tài sản của doanh nghiệp Nhật có thể bị thu giữ trong tương lai.
Ông Karl Friedhoff, chuyên gia chính sách châu Á tại Hội đồng Chicago về Các Vấn đề toàn cầu (Mỹ), lo ngại rằng căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc có thể kéo dài, gây tổn thất tới cả hai nền kinh tế.
“Cách duy nhất để đạt được một kiểu đình chiến ngắn hạn là tòa án Hàn Quốc có thể quyết định không phát mại tài sản của công ty Nhật để bồi thường cho nạn nhân lao động cưỡng bức, và Nhật Bản xóa bỏ hạn chế xuất khẩu”, ông Friedhoff nói. “Nhưng việc phát mại sẽ diễn ra, và khi đó Nhật Bản sẽ trả đũa, và cả hai bên sẽ lâm vào một cuộc chiến mở rộng, khiến họ đều trở thành kẻ thua cuộc”.
Vũ khí hóa thương mại
Hàn Quốc đã đưa tranh chấp trên ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khiếu nại rằng việc hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản là một hình thức đáp trả không tương xứng với phán quyết của Seoul và vi phạm nguyên tắc thương mại tự do, công bằng.
Đáp lại, Nhật Bản tuyên bố động thái của họ không liên quan đến vấn đề lao động thời chiến, mà dựa trên lo ngại an ninh quốc gia, dù Tokyo không đưa ra được nhiều thông tin cụ thể làm cơ sở cho lập luận này. Việc Nhật Bản sử dụng vấn đề an ninh quốc gia làm lý do cho kiểm soát xuất khẩu đã khiến nhiều chuyên gia thương mại lo ngại.
Các chính phủ trên thế giới thường thận trọng khi đưa vấn đề an ninh quốc gia vào các vụ việc thương mại, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra tiền lệ lớn cho việc này. Năm 2018, ông Trump đã lấy cớ an ninh quốc gia để áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ Nhật Bản, Canada, Mexico và EU. Gần đây hơn, ông sử dụng lý do tương tự để tấn công xe hơi từ châu Âu, Nhật Bản và thiết bị của Huawei, Trung Quốc.
“Nhật Bản là quốc gia mới nhất đưa chính trị vào thương mại, sau Mỹ, Trung Quốc”, ông Peter Kim, chiến lược gia toàn cầu tại công ty tư vấn Mirae Asset Daewoo phát biểu. “'Danh sách trắng' của họ rất giống ‘danh sách thực thể’ mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc, biện pháp này cho thấy xu thế vũ khí hóa thương mại đang tiếp diễn trên toàn cầu”.
Căng thẳng thương mại xảy ra trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang chứng kiến nền kinh tế phát triển chậm lại. Không bên nào mong muốn một làn gió ngược khi chứng kiến những “bầm dập” mà thương chiến Mỹ - Trung gây ra, nhưng dường như họ vẫn muốn dạy cho nhau một bài học.